TCB - Triển vọng tăng trưởng tốt
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) có tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao và hiệu quả hoạt động thuộc nhóm các ngân hàng tốt nhất trong nước. Nhưng nổi bật hơn cả, TCB đang có cho mình chất lượng tài sản tốt khi mà tỷ lệ nợ xấu hiện đang ở mức thấp nhất toàn ngành. Bên cạnh đó, mối quan hệ chặt chẽ với Masan và Vingroup sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của TCB trong thời gian tới.
Tình hình kinh doanh của TCB
Tình hình lợi nhuận trước thuế của TCB trong quý 3/2021 có giảm nhẹ so với quý trước đó, giảm khoảng 7.6%. Tuy vậy, nguyên nhân phần lớn đến từ hoạt động mua bán chứng khoán, mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác. Lợi nhuận tổng từ các mảng kinh doanh này đã giảm gần 60% so với quý 2/2021. Cùng với đó, tăng trưởng có phần chậm lại ở thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ do ảnh hưởng bởi thời gian giãn cách vừa qua trên cả nước đã đóng góp vào mức giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Ngoài ra, trong quý 3/2021, TCB đã tung gói giảm lãi vay cho khách hàng cũ tối đa ở mức 1.5%/năm và 1%/năm đối với khách hàng mới nếu bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, đã ảnh hưởng trực tiếp lên thu nhập lãi thuần. Biên lãi ròng (NIM) của TCB sau khi thực hiện chính sách trên cũng đã giảm nhẹ từ 5.72% trong quý 2/2021 xuống còn 5.65% trong quý 3/2021.
Dù vậy, nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, trong giai đoạn từ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tăng bình quân lên tới hơn 18%. Tổng dự nợ cho vay khách hàng quý 3/2021 của TCB đạt 321 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tính tới thời điểm cuối quý 3 đã tăng trưởng hơn 15%.
Lợi nhuận trước thuế của TCB giai đoạn 2016-2020 có mức tăng trưởng tốt, trung bình ở mức 41%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TCB đã đạt mức lợi nhuận trước thuế đạt 17,098 tỷ đồng. Với mục tiêu năm 2021 được TCB thông qua đầu năm nay ở mức 19,800 tỷ đồng, TCB đã hoàn thành 86% kế hoạch. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, nhiều khả năng lợi nhuận của TCB khi kết thúc năm 2021 sẽ vượt kế hoạch mục tiêu đề ra.
Nguồn: TCB và VietstockFinance
TCB cũng nằm trong top các ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất, ROE của TCB cuối quý 3/2021 đạt 21.35%. Điều tích cực là dù sở hữu ROE cao nhưng mức đòn bẩy của TCB (equity multipler) lại duy trì ở mức thấp là 6.13, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 12.59.
Nguồn: VietstockFinance
Tỉ lệ thu nhập ngoài lãi giảm mạnh so với quý 2/2021, từ mức 28.48% xuống chỉ còn 23.20%. Đà giảm này có sự đóng góp từ hoạt động đầu tư không hiệu quả của ngân hàng trong quý 3, thu nhập từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và từ hoạt động khác giảm đáng kể so với quý 2. Tuy nhiên, thu nhập từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng khá tích cực trong quý vừa qua bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, đạt 1,497 tỷ đồng.
Nguồn: TCB và VietstockFinance
Mảng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao
Tệp khách hàng chính của TCB là những khách hàng doanh nghiệp lớn, cá nhân có thu nhập cao và tập trung nhiều vào mảng bất động sản. Tỷ trọng cho vay khách hàng liên quan tới bất động sản của TCB chiếm hơn 30% tổng dư nợ khách hàng. Với danh mục tập trung vào những khách hàng có năng lực tài chính tốt và tài sản thế chấp có chất lượng, TCB đã tận dụng rất tốt hệ sinh thái Vingroup để có thể tiếp cận nhóm khách hàng này và đẩy nhanh mảng cho vay bất động sản để ở. Các dự án của Vinhomes sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân của Techcombank trong thời gian tới.
Các khách hàng doanh nghiệp của TCB cũng phần lớn là đến từ là những doanh nghiệp nằm trong chuỗi phát triển bất động sản. Những khách hàng lớn truyền thống của TCB có thể kể đến Vingroup, Sun Group.
Việc cho vay tập trung nhiều ở lĩnh vực bất động sản cũng là một yếu tố nhà đầu tư nên theo dõi, khi nó tiềm ẩn những rủi ro mang tính hệ thống sau này.
Tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành ngân hàng
TCB được đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong ngành ngân hàng. Với tỷ trọng tài sản đảm bảo phần lớn từ bất động sản và giấy tờ có giá (quý 3/2021 chiếm hơn 77%), cùng với đó là tệp khách hàng có mức thu nhập cao được thừa hưởng từ hệ sinh thái Masan và Vingroup, TCB đã có cho mình tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trong ngành.
Cụ thể, theo số liệu được tính toán vào cuối quý 3/2021, tỷ lệ nợ xấu của TCB ở mức 0.57%. Tỷ lệ này dù đã tăng từ mức 0.36% trong quý 2/2021 do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh thời gian qua nhưng vẫn được TCB duy trì ở mức an toàn. Nợ tái cơ cấu của TCB tăng nhẹ lên mức 2,800 tỷ cuối quý 3, từ mức 2,700 tỷ đồng cuối quý 2. Nếu xét theo tỷ trọng, nợ tái cơ cấu của TCB hiện chỉ đang dưới 1% tổng dư nợ.
Nguồn: VietstockFinance
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của TCB hiện tại đang ở mức 184%, tỷ lệ bao phủ cao như vậy sẽ giúp cho TCB có bước đệm an toàn lớn nếu khoản vay nợ không thể thu hồi được trong tương lai.
Nguồn: VietstockFinance
Tỷ lệ an toàn vốn CAR được duy trì ở mức cao so với quy định (tối thiểu duy trì ở mức 8%), CAR của TCB hiện đang ở mức 15.2% vào cuối quý 3/2021.
Nhờ vào chất lượng tài sản tốt, danh mục đầu tư hướng vào các ngành nghề ít rủi ro, TCB đã được ngân hàng nhà nước nới mức trần tín dụng từ 12% lên 17%. Cùng với TPB, là hai ngân hàng hiện đang được ngân hàng nhà nước cấp cho mức tăng trần tín dụng cao nhất.
Nguồn: TCB, VietstockFinance
Mô hình CVLife đầy triển vọng
Techcombank và Masan đang cùng nhau hợp tác để xây dựng mô hình dịch vụ tích hợp tại hệ thống cửa hàng Winmart và Winmart+. Hệ thống tích hợp này sẽ giúp TCB mở rộng mạng lưới tiền gửi không kỳ hạn nhờ khả năng thanh toán đến từ lượng khách khách hàng trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart và các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Masan. Theo kỳ vọng từ phía doanh nghiệp, nếu hệ thống được triển khai thành công sẽ hút được thêm 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn của 50 triệu khách hàng. Như vậy, nếu mô hình CVLife thành công trong việc tăng thêm 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn thì mục tiêu CASA năm 2025 ở mức 55% của TCB là hoàn toàn có thể đạt được.
Không những dừng lại ở cải thiện CASA, hướng đi của Techcombank còn hướng tới giảm chi phí hoạt động bằng cách tận dụng chuỗi Vinmart làm nơi giao dịch và cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng. Tệp khách hàng cũng theo đó mà mở rộng ra với khách hàng có thu nhập thấp hơn và các doanh nghiệp SME.
CASA là điểm nhấn giúp TCB cải thiện NIM
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng thường trả mức lãi suất rất thấp hoặc không cần phải trả lãi. Song song, ngân hàng có thể đem khoản tiền này đem đi cho vay. Nhờ vậy, ngân hàng chú trọng tới gia tăng tỷ lệ CASA nhằm cải thiện biên lợi nhuận cho mình. Tỷ lệ CASA của TCB có sự cải thiện mạnh mẽ qua các năm, từ mức 28.16% vào quý 1/2019 tăng lên mức 49% cuối quý 3/2021.
Nguồn: TCB, VietstockFinance
Ngoài điểm nhấn từ tiền gửi không kỳ hạn, TCB còn có nguồn huy động tiền gửi từ khoản vay hợp vốn nước ngoài với lãi suất thấp, giúp ngân hàng có thêm dư địa để nới rộng NIM. Năm 2020, TCB huy động thành công 500 triệu USD kỳ hạn 3-5 năm. Trong năm 2021, TCB tiếp tục huy động thêm 800 triệu USD theo lãi suất liên ngân hàng (LIBOR) + biên độ 1.35% đối với kỳ hạn 3 năm và 1.62% đối với kỳ hạn 5 năm. Nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, kèm theo những khoản huy động thành công với lãi suất thấp vừa qua, chi phí cho hình thành tài sản của TCB đã giảm mạnh từ 4.05% đầu năm 2019 xuống chỉ còn 2.22% cuối quý 3/2021. NIM của TCB cũng tăng từ mức 4.08% lên 5.65% trong quý 3/2021. Cao hơn đáng kể nếu so với NIM trung bình toàn ngành ngân hàng hiện đang ở mức 3.39%.
Nguồn: VietstockFinance
Mục tiêu tỷ lệ thu nhập từ phí đạt 30% trên tổng thu nhập
Mục tiêu thu nhập phí của TCB cho giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt 30% trên tổng thu nhập. Sở dĩ các ngân hàng hiện tại, trong đó có TCB mong muốn gia tăng tỷ trọng thu nhập phí là vì sự ổn định của nó. Thu nhập phí sẽ ít phải chịu sự biến động của lãi suất và sức khỏe của nền kinh tế, nhờ vậy sẽ đem đến mức lợi nhuận ít biến động hơn cho ngân hàng và giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn. Xét trong 9 tháng năm 2021, tỷ trọng thu nhập phí của TCB đang ở mức 15.89%, vẫn còn cách xa với mục tiêu tham vọng của ngân hàng.
Ngoài điểm sáng về thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt. Mảng thu nhập phí từ bảo hiểm và môi giới của ngân hàng này cũng đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Mảng bảo hiểm có mức tăng 29.69% so với cùng kỳ, môi giới kinh doanh chứng khoán tăng 236.48%.
Về mảng bảo hiểm, TCB thời gian qua đã hợp tác với Covergo Insurtech để ra mắt Itcblife, một công cụ giúp ngân hàng triển khai các sản phẩm bảo hiểm của mình tới khách hàng thuận lợi và nhanh chóng hơn. Về mảng môi giới chứng khoán, nhờ lợi thế về nền tảng công nghệ tốt, khách hàng có thể mở tài khoản online hoàn toàn, TCBS đã liên tiếp gia tăng lượng tài khoản mở mới và qua đó lọt vào top thị phần môi giới chứng khoán.
Khi mà mảng truyền thống về trái phiếu không còn tăng trưởng tốt, sự tăng trưởng từ thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán, bảo hiểm và môi giới kinh doanh chứng khoán đã giúp tổng thu nhập từ phí của TCB tăng 27.68% so với cùng kỳ. Dù vậy, mục tiêu thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập của TCB được người viết đánh giá là khá tham vọng và đòi hỏi TCB phải tăng tốc hơn nữa mảng thu nhập này.
Nguồn: VietstockFinance
Định giá doanh nghiệp
Người viết sử dụng các doanh nghiệp cùng ngành trong nước để làm cơ sở định giá. Mức P/E mục tiêu của TCB ở mức 11.95. Về định giá P/B, mức P/B mục tiêu của TCB được người viết kỳ vọng ở mức 2.5 dựa trên chất lượng tài sản tốt và triển vọng tăng trưởng cao của ngân hàng. Với mức P/E và P/B mục tiêu trên, mức giá hợp lý của TCB sẽ lần lượt ở mức 67,346 đồng/cp và 67,243 đồng/cp.
Ngoài phương pháp so sánh ngang, người viết còn sử dụng thêm phương pháp Residual Income Model (RIM) để định giá cổ phiếu TCB. Với tỷ trọng chia đều cho ba phương pháp trên, ta có mức giá hợp lý của cổ phiếu là 64,915 đồng. Với mức chiết khấu ở mức 20%, giá cổ phiếu TCB mà nhà đầu tư có thể mua vào nằm ở mức 51,932 đồng/cp.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|