Ngành cảng biển: Cụm cảng Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải (Kỳ 2)
Cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng Cái mép - Thị Vải là hai cụm cảng biển của Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai nhờ vào khả năng đáp ứng các đội tàu có trọng tải lớn. Các dự án giao thông kết nối đã và đang trong quá trình xây dựng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp giải quyết điểm nghẽn bấy lâu nay tại hai khu vực cảng biển này.
* Ngành cảng biển: Tăng trưởng bất chấp đại dịch (Kỳ 1)
Cụm cảng tại khu vực Hải Phòng
Khu vực này chứng kiến hai sắc màu tương phản nhau. Sự mở rộng của nhóm cảng ở hạ nguồn và sự thu hẹp hoạt động của cụm cảng ở thượng nguồn diễn ra song song. Các cảng thượng nguồn (trước cầu Bạch Đằng) đang cạnh tranh gay gắt và có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hàng hóa thông qua, dẫn tới nhiều cảng phải dừng hoạt động và chuyển công năng sử dụng. Trong khi đó, các cảng ở khu vực hạ nguồn lại đang tăng trưởng tốt.
Cảng biển khu vực Hải Phòng. Nguồn: Google Maps
Với xu hướng gia tăng kích cỡ tàu biển trên thế giới, cảng nước sâu Lạch Huyện với trọng tải thiết kế tối đa 100,000 DWT sẽ là động lực tăng trưởng chính cho cụm cảng ở Hải Phòng. Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng này có thể đi trực tiếp sang Châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển sang nước khác. Theo số liệu năm 2020, cảng Lạch Huyện đã đạt được hơn 50% công suất của hai bến số 1 và số 2; đồng thời được kỳ vọng sẽ nâng hiệu quả hoạt động qua các năm tiếp theo.
Cảng Lạch Huyện dự kiến sở mở rộng thêm với dự án đầu tư bến cảng số 3 và số 4 được Thủ tướng phê duyệt năm 2019, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1-1.1 triệu TEU/năm. Trong đó bến số 3 sẽ đưa vào hoạt động năm 2023 và bến số 4 là vào năm 2025. Không dừng lại ở đó, dự án đầu tư bến cảng số 5 và số 6 cũng vừa được Chính phủ thông qua theo quyết định Quyết định số 299/QĐ-TTG.
Dự án giao thông khu vực cảng Hải Phòng. Tuy cảng Lạch Huyện là động lực tăng trưởng chính của cụm cảng Hải Phòng nhưng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông kết nổi, hiện tại hiệu suất tại cảng này vẫn chưa cao. Hàng hóa được vận chuyển chủ yếu qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nhưng nhiều khả năng trong tương lai cầu này sẽ bị quá tải và dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển tới khu vực cảng Lạch huyện. Do vậy, UBND Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng thêm cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, song song với cầu Tân Vũ 1 để nâng cao hệ thống hạ tầng khu vực này.
Ngoài dự án cầu vượt biển, dự án đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện cũng là một dự án đang được nghiên cứu xây dựng. Hệ thống đường sắt này sẽ kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện.
Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải
Liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Theo đánh giá của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Cái Mép - Thị Vải sở hữu tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, ở mức tăng sản lượng hàng hóa bình quân khoảng 22%/năm. Khu vực nước sâu có trọng tải tối đa ở mức 160,000-200,000 DWT. Với mức trọng tải này, các tàu có trọng tải lớn và đi chuyến xa sẽ không có vấn đề gì khi cập cảng. Tổng sản lượng đạt được tại các cảng TCCT-TCIT, CMIT, TCTT và SSIT đã đạt được hiệu suất trên 90% trong năm 2020.
Trong bối cảnh các cảng lớn tại khu vực này hầu hết đã đạt tối đa công suất, cảng Gemalink giai đoạn 1 đã chính thức đi vào hoạt động vào quý 01/2021 và theo kế hoạch sẽ đem đến thêm 1,500,000 TEU góp phần đảm bảo mức tăng trưởng tốt cho cụm cảng này. Theo thông tin từ công ty Gemadept, cảng Gemalink giai đoạn 1 sẽ đạt ít nhất 80% công suất ngay trong năm nay.
Giai đoạn 2 của Gemalink dự kiến xây dựng trong quý 04/2021 và sẽ khai thác từ năm 2023 với công suất 900,000 TEU/năm. Không chỉ tăng thêm về sản lượng, Gemalink còn xây dựng cầu tàu dài hơn, nâng trọng tải tàu cập bến nhiều hơn nữa để có thể đón các con tàu lớn nhất thế giới trong tương lai gần - lên đến 250,000DWT (Từ mức 200,000 DWT tại thời điểm hiện tại).
Cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Nguồn: Google Maps
Kế hoạch cải thiện hệ thống hạ tầng cho khu vực cảng Cái Mép. Mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng các doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng gặp khó khăn nhất định do hạ tầng kết nối giao thông và dịch vụ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, xếp dỡ hàng hóa; dịch vụ khép kín chưa hoàn chỉnh và chi phí còn cao... Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến triển khai nhiều dự án giao thông nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi đến cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Để giải quyết tình trạng tắc đường trên quốc lộ 51A và cải thiện hệ thống kết nối hạ tầng, 9 dự án lớn đã và đang được triển khai tại khu vực này. Thời gian dự kiến hoàn thành cho các dự án giao thông kết nối này là khoảng năm 2025.
Trong đó, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải dài hơn 18km thông từ Nhơn Trạch, Đồng Nai tới cảng Cái Mép dự kiến được hoàn thành ngay trong năm nay. Ngoài ra, dự án đường 991B cũng là dự án quan trọng được dự kiến đưa vào hoạt động sớm, nhằm vận chuyển hàng hóa giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp trong khu vực này.
Nguồn: Sở giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ là dự án trọng điểm trong việc giảm tải nhu cầu vận tải và đảm bảo giao thông trên quốc lộ 51A. Dự án này đã được chính phủ phê duyệt theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 19,616 tỷ đồng.
Các dự án giao thông tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Nguồn: Google Maps
Các doanh nghiệp đáng chú ý trong hai khu vực trên là CTCP Gemadept (HOSE: GMD), CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP), CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HOSE: DVP).
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|