Thứ Hai, 22/11/2021 17:00

Rối loạn chuỗi cung ứng có dấu hiệu hạ nhiệt

Những rối loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu thuyên giảm nhưng các giám đốc trong ngành vận chuyển, sản xuất và bán lẻ nhận định tình trạng căng thẳng chuỗi cung ứng có thể vẫn kéo dài tới năm 2022 và hàng hóa sẽ tiếp tục bị trì hoãn nếu đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các trung tâm phân phối lớn.

Ở châu Á, tình trạng đóng cửa nhà máy vì Covid-19, thiếu năng lượng và sự hạn chế công suất tại các cảng biển đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Ở Mỹ, các nhà bán lẻ lớn cho biết đã nhập khẩu phần lớn hàng hóa cần thiết cho mùa nghỉ lễ. Giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các vị giám đốc điều hành và chuyên gia kinh tế nói rằng nhu cầu tiêu dùng mạnh ở phương Tây, tình trạng tắc nghẽn cảng kéo dài ở Mỹ, thiếu tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu neo cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên đà phục hồi của nền kinh tế.

Thời tiết khắc nghiệt và khả năng tái bùng phát dịch bệnh cũng có nguy cơ làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng một lần nữa.

Việc tháo gỡ dần điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng sẽ cho phép sản xuất hướng tới đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và sẽ giảm chi phí logistics. Điều này cũng góp phần xoa dịu áp lực lạm phát.

Số lượng tàu thuyền chờ dỡ hàng tại hai cảng Los Angeles và Long Beach – cửa ngõ lớn nhất của Mỹ đối với hàng từ châu Á – dù giảm nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Theo Marine Exchange of Southern California, 71 tàu container đang neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 thuyền cách đó 3 ngày.

Các giám đốc công ty vận chuyển và bán lẻ dự báo tình trạng ùn tắc tàu sẽ biến mất vào đầu năm 2022, sau khi mùa mua sắm dịp lễ kết thúc và nhiều nhà máy đóng cửa trong một tuần vào Tết Nguyên đán, làm giảm sản lượng.

Chủ hãng vận tải Đức Held Bereederungs GmbH & Co., Jan Held cho biết tình trạng tắc nghẽn thuyên giảm, nhất là ở châu Á. Các con tàu của ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa công nghiệp như cối xay gió khổng lồ chứ không phải container, nhưng đôi khi phải mất một tháng chờ đợi bên ngoài cảng biển châu Á.

Ông Held cho biết sẽ cần thêm một khoảng thời gian trước khi hệ thống vận tải toàn cầu trở lại bình thường. “Để mọi thứ bình thường hóa trở lại, đại dịch buộc phải chấm dứt. Nhưng theo đôi, điều này sẽ không sớm diễn ra”, ông Held cho biết.

Giá cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương cũng đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi hầu hết các công ty bán lẻ lớn của Mỹ đã nhập đủ hàng hóa cho mùa lễ.

Cước vận chuyển container qua Thái Bình Dương đã giảm hơn 25% trong tuần kết thúc ngày 12/11, mức giảm lớn nhất trong hai năm. Cước vận tải tăng khoảng 5% trong tuần này, lên khoảng 14,700 USD/container 40 feet và vẫn cao hơn ba lần so với mức của năm trước, theo Chỉ số Freightos Baltic.

"Nhìn chung về rắc rối chuỗi cung ứng trên toàn cầu, chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất", Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho hay. Khảo sát của hãng nghiên cứu này đối với các chuyên gia của 45 nền kinh tế cho thấy hầu hết đều tin rằng mọi gián đoạn chuỗi cung ứng đã đạt đỉnh hoặc sẽ chạm đỉnh trong quý cuối năm 2021.

Tuy nhiên, bất kỳ sự gián đoạn nào – như việc đóng cửa tạm thời một bến tàu thuộc cảng Ninh Ba hồi tháng 8/2021 – cũng có thể khiến giá cước tăng trở lại.

Nhiều chuỗi bán lẻ lớn, bao gồm Walmart, Home Depot và Target, cho biết trong tuần trước rằng họ đã tích trữ đủ cho mùa lễ hội, chủ yếu là nhờ nhập khẩu hàng sớm hơn thường lệ. Một số ông lớn còn tự thuê thuyền vận tải để giải quyết vấn đề tắc nghẽn.

Rất ít lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các vấn đề của họ đã chấm dứt và trong thời gian gần đây, các công ty toàn cầu tiếp tục đề cập tới các vấn đề tại cảng và đường vận chuyển trên khắp thế giới. Một vài hãng bán lẻ ghi nhận biên lợi nhuận thấp hơn vì cước vận tải cao hơn.

Sau khi sản xuất chậm lại trong thời gian gần đây vì dịch Covid-19, sản lượng tại các nhà máy ở Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đã hồi phục trong tháng qua do số ca nhiễm giảm và các hạn chế được dỡ bỏ. Điều này giúp giảm bớt một số tắc nghẽn – vốn là yếu tố bóp nghẹt sản lượng chất bán dẫn và hàng dệt may trên toàn cầu.

"Đã có sự thay đổi lớn theo hướng tích cực và sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu có thể cải thiện", Trinh Nguyen, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Natixis, cho biết. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nhiều nước sẽ tiếp tục phải vật lộn với những vấn đề khác, ví dụ như tình trạng thiếu hụt lao động.

Tại Việt Nam, các chủ nhà máy ở miền Nam chia sẻ rằng hoạt động sản xuất đã suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước đây, nhưng các thách thức vẫn tồn tại, như chi phí vận chuyển cao và thiếu hụt lao động: Nhiều công nhân đã trở về quê để tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nói rằng tình hình đang được cải thiện. Ông cho biết các nhà máy sản xuất đồ nội thất quy mô trung bình, với khoảng 200 đến 500 công nhân, đang hoạt động với khoảng 80% công suất. Nhưng các nhà sản xuất đồ nội thất lớn hơn, có tới 3.000 công nhân, lại thiếu nhiều lao động hơn và chỉ hoạt động ở 65% công suất.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng tác động xấu đến các trung tâm sản xuất của nước này đã dịu bớt sau khi các nhà chức trách cho phép nhà máy nhiệt điện than tính giá cao hơn. Trước đó, một số nhà máy đã hạn chế sản lượng điện. Giá dầu cũng đã đi xuống sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo phỏng vấn với một số chủ nhà máy tại Quảng Đông, hoạt động sản xuất phần lớn đã trở lại ở công suất bình thường kể từ tháng 10. Việc thiếu hụt container cũng có vẻ đang được cải thiện.

Ông Thomas Broertjes, Giám đốc điều hành Foshan Oufeng Furniture trụ sở ở Quảng Đông cho biết hồi tháng 9, ông không thể vận chuyển bất kỳ sản phẩm nào vì không thể đặt được chỗ trên bất kỳ container nào. "Đó thực sự là đáy thấp nhất", ông nhận xét.

Mặc dù Foshan đã đặt được thêm container từ tháng 10, nhưng công ty vẫn phải chờ nhiều ngày cho đến khi có thể xác nhận đơn đặt hàng. Phí vận chuyển vẫn gấp ba hoặc 4 lần so với hồi trước năm 2020.

Ông cho biết: "Tôi hy vọng rằng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Tình hình không thể trở nên tồi tệ hơn được nữa".

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   NHTW Trung Quốc phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế chững lại (22/11/2021)

>   Máy bay riêng thiếu nguồn cung vì nền kinh tế tỷ phú bùng nổ (22/11/2021)

>   Covid-19 đang dần biến mất tại Nhật Bản? (20/11/2021)

>   Áo là nước châu Âu đầu tiên bắt buộc toàn dân tiêm phòng Covid-19 (20/11/2021)

>   Mong chấm dứt đại dịch nhờ vắc xin và thuốc (20/11/2021)

>   Fed có thể phải xem xét “siết vòi” nhanh hơn (20/11/2021)

>   Sau thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung, chiến tranh thương mại sẽ đi về đâu? (20/11/2021)

>   Doanh số bán lẻ Mỹ vẫn tăng, bất chấp lạm phát (20/11/2021)

>   Trung Quốc chao đảo vì 'bom nợ', kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng theo (19/11/2021)

>   FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021 (19/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật