Thứ Hai, 22/11/2021 08:56

Máy bay riêng thiếu nguồn cung vì nền kinh tế tỷ phú bùng nổ

Global 5500 của Bombardier có tốc độ tối đa 594 dặm/giờ và có thể bay thẳng từ Los Angeles đến Moscow.

Có giá khoảng 45 triệu USD, chiếc máy bay phản lực hai động cơ này có thể dễ dàng hạ cánh trên những bãi đáp khó và có sức chứa khoảng hơn chục hành khách.

Michael Spencer, tỷ phú sáng lập NEX Group, đã nhận được một chiếc trong năm nay. Ông là một trong số ít may mắn khi các nhà sản xuất máy bay tư nhân phải căng sức ra để theo kịp nhu cầu cao kỷ lục từ tầng lớp siêu giàu đang phát triển.

Thị trường đang ở một tình trạng chưa từng có trước đây. Đối với mỗi mẫu máy bay phổ biến ngoài thị trường, có đến hai hoặc ba người mua”, Christopher Marich, đồng sáng lập MySky, một nền tảng quản lý trực tuyến dành cho các chủ sở hữu máy bay phản lực, cho biết.

Nền kinh tế tỷ phú

Sự “thèm khát” đối với máy bay phản lực đắt tiền chỉ là ví dụ mới nhất của nền kinh tế tỷ phú đang bùng nổ, trong đó nhu cầu về biệt thự, du thuyền và nhiều đồ sưu tầm đã vượt qua mức trước thời đại dịch Covid.

Theo nghiên cứu từ SuperYacht Times, số lượng siêu du thuyền được bán cho đến giữa tháng 10 năm nay đã tăng khoảng 60%, lên 523 chiếc, so với cùng kỳ năm ngoái. Và hơn 1/4 trong số đó là hàng mới.

Trong khi đó, giá một số ngôi nhà đắt nhất thế giới đang tăng vọt. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen vừa chi 177 triệu USD cho một bất động sản ở Malibu. Còn Leon Black, nhà sáng lập kiêm CEO của Apollo Global Management, đã trả số tiền khiêm tốn hơn - 28 triệu USD - cho dinh thự ở một trong những khu phố hạng sang của London.

Những người thực sự giàu có trên thế giới dường như đang đi du lịch trở lại và muốn làm nhiều thứ. Tôi đã có những khách hàng mua bất động sản ở London từ Indonesia, Canada và Hồng Kông”, Paul Welch, người sáng lập MillionPlus.com, một thị trường trực tuyến về bất động sản, du thuyền và máy bay phản lực, cho biết.

Nợ rẻ

Trong số những người đang “chi bạo” là Jim Ratcliffe, Andy Currie và John Reece - các tỷ phú đứng sau tập đoàn hóa chất khổng lồ Ineos có trụ sở tại London. Họ đã mua ít nhất hai máy bay phản lực Gulfstream và một trực thăng Airbus SE kể từ đầu năm 2020 thông qua các công ty mà họ kiểm soát. Các công ty của các giám đốc điều hành này hiện là chủ sở hữu đã đăng ký của gần một chục máy bay, bao gồm cả chiếc Gulfstream G600 mới có giá niêm yết khoảng 55 triệu USD.

Theo một phát ngôn viên của Ineos, máy bay là tài sản rất quan trọng, giúp ban lãnh đạo cấp cao thực hiện các chuyến đi cần thiết trong thời gian đại dịch xảy ra, đồng thời cho biết thêm công ty cố gắng tiến hành hoạt động kinh doanh ở bất cứ đâu có thể.

Mặc dù đại dịch đã thúc đẩy sự quan tâm đến du lịch và giải trí ít tiếp xúc, nhưng động cơ chính thúc đẩy cơn sốt “đồ chơi” xa hoa là sự giàu có ngày càng gia tăng. Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, tính đến hết tháng 10, tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 1.2 nghìn tỷ USD trong năm nay, nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ và các ngân hàng trung ương bơm tiền cho các nền kinh tế, giúp sản sinh ra hàng chục tỷ phú mới qua các đợt IPO, thương vụ SPAC, tiền điện tử và sáp nhập công ty.

Với lãi suất dao động gần mức thấp kỷ lục, giới siêu giàu cũng thường xuyên chuyển sang tín dụng để lấy tiền mua sắm. Spencer, người đầu tư thông qua văn phòng gia đình IPGL sau thương vụ bán công ty dịch vụ tài chính trị giá 5.5 tỷ USD cho CME Group vào năm 2018, đã vay Credit Suisse để mua chiếc máy bay mới của Bombardier.

Morgan Stanley, Bank of America. và JPMorgan Chase & Co. là những ngân hàng đã báo cáo sự tăng vọt trong năm nay về giá trị các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản mà họ đã mở rộng cho khách hàng.

Số dư cho vay tại doanh nghiệp quản lý tài sản của UBS ở Mỹ đã tăng lên 87.5 tỷ USD trong quý 3, tăng 27% so với một năm trước đó. Những ngân hàng khác cũng đang có lượng khách hàng tăng. Vivek Kaushal, giám đốc điều hành của chuyên gia tài chính máy bay Global Jet Capital, cho biết hoạt động kinh doanh của ông sẵn sàng vượt mức trước đại dịch khi nhu cầu tài chính tăng lên.

Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp máy bay tư nhân, các chính sách ưu đãi thuế cũng thúc đẩy nhu cầu. Dự luật thuế năm 2017 của nước cho phép người mua đưa toàn bộ chi phí mua máy bay mới vào tờ khai thuế liên bang để được giảm thuế, khiến những người Mỹ giàu có càng dễ mua máy bay riêng hơn.

Theo công ty dữ liệu hàng không WingX, số lượng chuyến bay tư nhân khởi hành trong năm nay từ Teterboro ở New Jersey, sân bay máy bay tư nhân bận rộn nhất của Mỹ, đã tăng 61% so với một năm trước đó.

Ở châu Âu và châu Á, nhu cầu về hàng không tư nhân đang tăng lên khi nhiều quốc gia mở lại biên giới. Trên toàn thế giới, du lịch bằng máy bay tư nhân đã cao hơn 19% vào tháng trước so với tháng 10/2019, đưa ngành công nghiệp này hướng tới một năm bận rộn nhất từ ​​trước đến nay.

Mặt trái của sự giàu có

Tuy nhiên, ngày càng có những chỉ số cho thấy thời kỳ bùng nổ của các tỷ phú có thể đang đạt đến đỉnh điểm. Sự bất bình phổ biến với khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng khiến các nhà lập pháp trên toàn thế giới rất muốn tăng thuế đối với người giàu, mặc dù đề xuất “thuế tỷ phú” ở Mỹ đã không được chấp thuận.

Lãi suất đang bắt đầu tăng và Trung Quốc đã chú ý đến những công dân giàu nhất bằng chính sách “thịnh vượng chung” nhằm giảm sự bất bình đẳng, và bằng chứng mới nhất là các cơ quan có thẩm quyền đã gây áp lực buộc Chủ tịch tập đoàn China Evergrande Hui Ka Yan phải tự bỏ tiền túi ra để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ tại công ty phát triển bất động sản này.

Sự gia tăng trong việc đi lại bằng máy bay tư nhân cũng đồng nghĩa lượng khí thải carbon trên mỗi hành khách sẽ tăng lên. Theo nghiên cứu do nhóm vận động Transport & Environment có trụ sở tại Brussels công bố năm nay, phát thải khí nhà kính từ máy bay tư nhân đang tăng nhanh hơn so với phát thải từ máy bay phản lực thương mại.

Máy bay phản lực tư nhân hiện chiếm khoảng 2% tổng lượng khí nhà kính được tạo ra từ việc di chuyển bằng đường hàng không, nhưng mức độ của chúng có thể tăng lên khi tầng lớp siêu giàu ngày càng đón nhận việc đi lại bằng máy bay riêng.

Nhã Thanh (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Covid-19 đang dần biến mất tại Nhật Bản? (20/11/2021)

>   Áo là nước châu Âu đầu tiên bắt buộc toàn dân tiêm phòng Covid-19 (20/11/2021)

>   Mong chấm dứt đại dịch nhờ vắc xin và thuốc (20/11/2021)

>   Fed có thể phải xem xét “siết vòi” nhanh hơn (20/11/2021)

>   Sau thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung, chiến tranh thương mại sẽ đi về đâu? (20/11/2021)

>   Doanh số bán lẻ Mỹ vẫn tăng, bất chấp lạm phát (20/11/2021)

>   Trung Quốc chao đảo vì 'bom nợ', kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng theo (19/11/2021)

>   FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021 (19/11/2021)

>   Chính phủ Mỹ chi gần 5,3 tỉ USD để mua thuốc chữa Covid-19 của Pfizer (19/11/2021)

>   Lạm phát tại Anh tăng lên 4.2%, cao nhất trong 10 năm (18/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật