Thứ Sáu, 19/11/2021 15:05

Trung Quốc chao đảo vì 'bom nợ', kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng theo

Giới quan sát đưa ra các dự báo không mấy lạc quan đối với triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Điều đó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Bloomberg, nền kinh tế thế giới, vốn đang chật vật thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, giờ phải đối mặt với một lực cản khác. Đó là sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc.

Dự báo của Bloomberg Economics chỉ ra GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý IV, sau mức tăng đáng thất vọng 4,9% vào quý III. Trước đại dịch Covid-19, con số lên tới 6-7%.

Kinh tế Trung Quốc sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong số các nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Khủng hoảng nợ ảnh 1

Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng nối khủng hoảng

"Hố nợ" hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng, sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và giờ chật vật để thanh toán các hóa đơn.

Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Những rắc rối của ngành công nghiệp có thể tạo ra lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó là tình trạng thiết hụt năng lượng và các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Tất cả đã cản đường quá trình phục hồi hình như "V" từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các hoạt động xây dựng đã góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch. Nhưng lĩnh vực bất động sản bắt đầu chao đảo sau khi Bắc Kinh thắt chặt việc cho vay. Những nhà phát triển nợ nần như China Evergrande trượt tới bờ vực sụp đổ.

Phần lớn nguồn tiền của các nhà phát triển bất động sản đến từ việc bán trước căn hộ cho khách hàng. Khi hoạt động cho vay thế chấp bị thắt chặt, sự bi quan lan tràn khắp thị trường, doanh số bán nhà giảm mạnh.

Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn

Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura

Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, thậm chí hơn thế nữa.

Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh đã rất nghiêm túc khi tuyên bố rằng khác với các đợt suy thoái trước đây, họ sẽ ngừng sử dụng ngành công nghiệp bất động sản để kích thích nền kinh tế.

Các quan chức Bắc Kinh cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế. Họ cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, thay vì nhà đất.

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng lĩnh vực bất động sản đã phình quá to", nhà kinh tế Chen Long tại công ty tư vấn Plenum (có trụ sở tại Bắc Kinh) bình luận.

Ông Rob Subbaraman - nhà kinh tế trưởng của Nomura - dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,1% trong năm nay xuống 4,3% vào năm 2022. "Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 điểm phần trăm", ông bình luận.

"Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn", ông Subbaraman nhận xét.

Lực cản với kinh tế thế giới

Tiêu dùng sụt giảm là một lực cản khác đối với nền kinh tế Trung Quốc. Với chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của chính quyền Bắc Kinh, các hạn chế nghiêm ngặt đã khiến người tiêu dùng e ngại, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược 'Zero-Covid', hoặc lĩnh vực bất động sản giảm sâu hơn, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể giảm xuống 4%", ông Tao Wang - nhà kinh tế trưởng tại UBS AG - cảnh báo.

"Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể, còn các gói kích thích kinh tế vẫn chưa được tung ra", các nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg bình luận.

"Trong khi đó, Mỹ cũng vật lộn với việc thiếu hụt 5 triệu việc làm và lạm phát tăng cao nhất trong vòng 30 năm. Sự thụt lùi của kinh tế Trung Quốc có thể làm các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn", các nhà kinh tế cảnh báo.

Kinh tế Trung Quốc lao dốc khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với một thách thức khác. Đó là lạm phát vẫn còn cao và có thể tăng nhanh hơn nữa.

Khủng hoảng nợ ảnh 3

Sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc là lực cản khác đối với quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. Ảnh: Reuters.

Các dự báo chỉ ra lạm phát của Mỹ trong năm nay sẽ ở mức 4,6%, cao gấp đôi mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro và Anh cũng đang tăng.

Các lãnh đạo ngân hàng trung ương và nhà kinh tế cũng bắt đầu thay đổi quan điểm về việc lạm phát chỉ là nhất thời.

FED đã bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản để kích thích nền kinh tế, hướng tới việc nâng lãi suất vào nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn chậm chạp trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà kinh tế Chang Shu của Bloomberg dự báo ​​PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - giải phóng thêm tiền để các ngân hàng cho vay - trước cuối năm nay.

Thảo Cao

Zing.vn

Các tin tức khác

>   FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021 (19/11/2021)

>   Chính phủ Mỹ chi gần 5,3 tỉ USD để mua thuốc chữa Covid-19 của Pfizer (19/11/2021)

>   Lạm phát tại Anh tăng lên 4.2%, cao nhất trong 10 năm (18/11/2021)

>   Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản vô hình (28/11/2021)

>   Thua lỗ khiến các chuỗi bán lẻ Hàn Quốc thu hẹp quy mô kinh doanh ở ASEAN (17/11/2021)

>   Tổng thống Biden sắp công bố quyết định về vị trí Chủ tịch Fed trong tuần này (17/11/2021)

>   Trung Quốc sẵn sàng trả giá để hạ nhiệt thị trường nhà đất (17/11/2021)

>   Trung Quốc thành nước giàu nhất thế giới (16/11/2021)

>   Doanh nghiệp Mỹ đau đầu vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng (16/11/2021)

>   Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Mỹ sẽ không tham gia CPTPP (16/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật