Sau thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung, chiến tranh thương mại sẽ đi về đâu?
Theo các nhà phân tích, cuộc gặp không đạt được được bước tiến đáng kể trong việc giải quyết những tranh chấp kéo dài trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung...
Cuộc gặp thượng đỉnh dài hơn 3 giờ đồng hồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 15/11 (theo giờ Mỹ) - Ảnh: AP
|
Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ tối ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó hai bên thống nhất đẩy mạnh liên lạc và hợp tác để giải quyết thách thức cũng như bất đồng của hai bên với tư các hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Cả hai chưa có cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm nay và lần gần đây nhất hai bên điện đàm là vào tháng 9. Cuộc gặp do ông Biden khởi xướng nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng trong quan hệ hai nước, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
''Đơn giản chỉ cần cạnh tranh thẳng thắn''
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc gặp không đạt được được bước tiến đáng kể trong việc giải quyết những tranh chấp kéo dài trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, theo đó cả hai nước đều tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau. Căng thẳng leo thang giữa hai nước gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại cuộc thượng đỉnh trực tuyến, các vấn đề kinh tế đã bị xếp sau các nội dung về địa chính trị.
Trong cuộc gặp, ông Biden đã đề cập ngắn gọn về việc “các chính sách kinh tế và thương mại không công bằng” của Trung Quốc gây tổn hại cho người lao động Mỹ, nhưng ông chủ yếu nói về quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông cũng như bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan.
Ông Biden nói Mỹ và Trung Quốc "cơn giản chỉ cần cạnh tranh thẳng thắn” - Ảnh: Reuters
|
Mở đầu cuộc gặp, ông Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng “Chúng ta - với vai trò lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ - có trách nhiệm đảm bảo cạnh tranh giữa hai quốc gia không trở thành xung đột, dù là chủ ý hay ngoài ý muốn. Đơn giản chỉ cần cạnh tranh thẳng thắn”.
Ông Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành của China Beige Book International, mô tả “sự cạnh tranh thẳng thắn” mà ông Biden đề cập là “cách nói hoa mỹ để nói rằng chính quyền Mỹ không muốn có bất kỳ cuộc chiến hay đối đầu quân sự nào”.
“Nhưng những từ này là chỗ dựa cho một chính quyền Mỹ thiếu một chiến lược thực tế về vấn đề Trung Quốc”, ông Quazi nhận xét.
Thay đổi chiến lược ''nước Mỹ trên hết''
Trong khi đó, theo nhà phân tích Joe Mazur của nhóm nghiên cứu chính sách Trivium China, Nhà Trắng hiểu rõ rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi trong các vấn đề cốt lõi gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Thay vào đó, Mỹ tìm kiếm những lĩnh vực có thể hỗ trợ tăng cường mức độ hợp tác vốn hạn chế với Trung Quốc, đồng thời củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu.
“Đây là một sự khác biệt lớn so với chính sách đối ngoại ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống tiền hiệm Donald Trump, trong đó Mỹ sẽ ứng phó hiệu quả với Trung Quốc và không cố tìm ra các lĩnh vực có lợi ích chung với Bắc Kinh”, ông Mazur nhận xét.
Chính quyền Biden đang có sự thay đổi từ chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền tiền nhiệm - Ảnh: China Briefing
|
Nhà phân tích này cũng cho rằng, với chiến lược mới, Washington sẽ dần tìm cách chống lại sức ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các sáng kiến cơ sở hạ tầng của riêng mình.
“Điều này chắc chắn sẽ gây ra tạo ra sự cạnh tranh hơn nữa về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, và cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia đang ở vị thế phải chọn ‘phe’ và thỏa thuận các điều khoản hợp tác kinh tế với Washington, Bắc Kinh hoặc cả hai”, nhà phân tích của Trivium China nói.
Tháng 1/2020, ông Trump và ông Tập Cận Bình ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó kêu gọi những cách cải mang tính cấu trúc với nền kinh tế Trung Quốc và hoạt động thương mại của nước này trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối.
Cũng theo thỏa thuận này, Trung Quốc phải cam kết tăng mua hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên tự nhiên và dịch vụ của Mỹ trong những năm tới. Tuy nhiên, trong năm qua, phía Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 60% lượng hàng hóa cam kết theo thỏa thuận. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ tiếp tục theo sát thỏa thuận này và hy vọng phía Bắc kinh duy trì các cam kết của mình.
Nguyễn Tuyến
VnEconomy
|