Thứ Năm, 25/11/2021 10:08

Quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Bao nhiêu là đủ?

Hiện quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu yếu, cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn để kích thích nền kinh tế, đưa DN trở lại guồng máy sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Cần có gói hỗ trợ lớn đảm bảo cân đối vĩ mô

Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế trong suốt 2 năm qua, tuy nhiên, mức độ tác động của đợt dịch kéo dài từ quý 2/2021 tới nay là khá mạnh khi các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội diễn ra trên diện rộng với thời gian kéo dài chưa từng có. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức trung bình 6-7%/năm xuống còn 2,91% năm 2020 và có thể tiếp tục giảm xuống 1,5-2% trong cả năm 2021 khi cuộc sống của hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm thu nhập, mất việc làm và doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa trong nhiều tháng.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Kể từ cuối Quý 3/2021, với việc thay đổi “chiến thuật” từ “Zero Covid” sang thích ứng và sống chung với Covid, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh dần mở cửa và từng bước quay trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện các quy định chống dịch ở mỗi địa phương vẫn rất khác nhau, niềm tin doanh nghiệp trở nên bấp bênh. Họ rất dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Ở kịch bản lạc quan, với giả định chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì với nền kinh tế tăng trưởng thấp, dự kiến chỉ khoảng 1,5-2% trong năm nay, chúng ta cần phải có những giải pháp kích hoạt nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như giai đoạn trước Covid-19. Do đó, mục tiêu tăng trưởng cao cần được ưu tiên để tạo đà cho cả giai đoạn 2021-2025”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Ông Cung cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt.

“Giả sử năm nay đạt tăng trưởng 2%, năm sau dự kiến tăng trưởng 5% thì tăng trưởng trung bình 2 năm chỉ khoảng 3,5%. Đây là mức quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, trong 4 năm còn lại, GDP phải tăng trung bình khoảng 7,5%/năm. Đây là mục tiêu rất cao nếu chúng ta không có những hành động khác biệt”, ông Cung cho hay.

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, hiện phần chi của ngân sách là quá ít, không thể bù đắp cho sự suy giảm nghiêm trọng tổng cầu của nền kinh tế. Hiệu lực của gói hỗ trợ là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp hay so với chuẩn quốc tế. Do đó, cần phải tính tới các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, đủ dài để có thể vực dậy cho nền kinh tế trong tương lai.

“Phải nhanh chóng thiết kế các chương trình phục hồi kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chương trình này có thể thay thế hoặc bổ sung cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Nguồn lực cho sự phát triển giai đoạn mới cũng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nêu 3 điểm cần lưu ý khi xây dựng chương trình phục hồi kinh tế: Trước hết là quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng và cần quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển. Đồng thời, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian trong khoảng thời gian hai năm, từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các DN phục hồi được.

Nguồn lực ở đâu?

Theo TS. Võ Trí Thành, nguồn lực để huy động cho chương trình phục hồi này là từ tăng chi, bội chi ngân sách và vay; tiết kiệm chi thường xuyên; sử dụng một phần nào đó từ dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục phải cắt giảm chi phí giao dịch cho DN.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

“Giả sử như nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% (từ 4 - 6%) thì chúng ta có thêm 7 tỷ USD. Chúng ta có thể vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế và điều kiện vay tương đối thuận lợi. Ngoài ra, cũng có những cách kĩ thuật để sử dụng một phần nào đó của dự trữ ngoại tệ”, TS. Võ Trí Thành nêu ý kiến.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay, về cấu trúc thị trường tài chính của Việt Nam, tổng tài sản hệ thống ngân hàng đang đóng góp khoảng 61% tổng tài sản hệ thống tài chính; vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm khoảng 25%; thị trường trái phiếu khoảng 13% và doanh thu phí bảo hiểm khoảng 1%. Cấu trúc vốn đóng góp cho đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế trong 5 năm vừa qua theo tính toán: kênh tín dụng đóng góp 50%, kênh chứng khoán 15%, đầu tư công 15%, FDI 22%.

“Nguồn lực có thể huy động từ việc đẩy nhanh cơ cấu lại và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (nếu làm tốt, mỗi năm Nhà nước có thể thu về 40.000 tỷ đồng); nguồn lực từ khối tư nhân; gom nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách… Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt những gói hỗ trợ hiện tại bởi vẫn còn dư địa của những gói đó khi các gói này vẫn đang trong quá trình giải ngân”, TS. Lực cho biết.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn. Trước hết, để tăng tổng cầu những gì ngân sách đã dự chi phải gấp rút giải ngân. Chỗ nào không chi được thu lại, giao cho những dự án làm tốt.

“Cần hành động nhanh, chi tiêu nhiều, đừng quá nặng nề về thủ tục, miễn là chi tiêu có hiệu quả để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng. Trong quá trình đó đừng quá cầu toàn, hãy lấy kết quả tổng thể cuối cùng để đánh giá. Phải chấp nhận có thể “sai” ở mức độ nhất định, chỉ nên tập trung ngăn chặn “phạm”. Cần lường trước một số rủi ro như thế và chấp nhận. Đây chính là thời điểm thích hợp để cải cách thể chế “phi truyền thống”, làm cơ sở cho những đột phá về cải cách thể chế,” TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh./.

Diệp Diệp

VOV

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Kishida Fumio: Mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch (25/11/2021)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 chính sách phục hồi kinh tế - xã hội (24/11/2021)

>   Tổng bí thư: Chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (24/11/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp các khoản ODA thế hệ mới (24/11/2021)

>   Thủ tướng: Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và tác động đến mọi người dân (24/11/2021)

>   Thủ tướng muốn doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài ở Việt Nam (23/11/2021)

>   Nỗi lo của Chính phủ (23/11/2021)

>   Chuyến thăm Nhật Bản đa mục tiêu của Thủ tướng (23/11/2021)

>   Để tiền vào đâu trong môi trường lạm phát cao (23/11/2021)

>   Cảnh báo lạm phát quá mơ hồ, coi chừng triệt tiêu động lực tăng trưởng (22/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật