Chỉ còn hơn một tháng nữa, năm 2021 đầy lo toan, vất vả của cả nước sẽ khép lại, với nhiều chỉ số không vui về kinh tế - xã hội, làm hụt đà phát triển mà lẽ ra năm đầu tiên của một kế hoạch 5 năm phải tạo được...
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (bùng phát ngày 27/4/2021) đã phá hỏng nhiều kế hoạch. Nó gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, kéo lùi nhiều chỉ số phát triển, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021, theo dự báo, chỉ đạt mức trên dưới 2%, tức là kém xa tốc độ tăng trưởng năm ngoái (2,91%), vốn đã là mức thấp nhất trong thập niên 2011-2020.
Trước tình hình như vậy, để đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6,5% trong năm 2022, theo chỉ tiêu Quốc hội khóa 15 đã thông qua tại kỳ họp thứ 2 vừa rồi, cần sớm phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, mà việc Chính phủ phải tập trung lo trước hết là phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn và linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Chủ trương xây dựng “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” là quyết sách hết sức cần thiết và đúng hướng trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như thế nào cho hiệu quả vẫn đang là câu hỏi khó, khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, thậm chí đang tăng trở lại.
Chính phủ đã dành một thời lượng thỏa đáng trong cuộc họp chuyên đề chiều 13/11/2021 để tập trung thảo luận nội dung xây dựng “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”.
Đối với “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải bám sát kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Kết luận số 20-KL/TW) và căn cứ kết quả, bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trong hai năm qua; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; lấy cấp cơ sở làm nền tảng để xây dựng chiến lược.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, chiến lược cần thể hiện rõ quan điểm chống dịch dựa trên ba trụ cột “cách ly kịp thời, hợp lý; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở” và công thức chống dịch là “5k+vaccine+công nghệ+thuốc+ý thức người dân và các biện pháp khác”; đồng thời phải đề ra được các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, tương ứng mức độ dịch.
Về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo phải gắn chương trình này với tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng... Thủ tướng cũng lưu ý, chính sách tiền tệ phải gắn kết với và bổ trợ cho chính sách tài khóa nhằm đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra lạm phát.
Thủ tướng yêu cầu cần tính toán kỹ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, không ngừng cải thiện đời sống của người dân, củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên ba trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, giải quyết được các vấn đề về xã hội, môi trường.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được coi là “Kiến trúc sư trưởng”, là “Tổng công trình sư” của nền kinh tế quốc gia, được hoạch định phát triển theo đường lối do Đảng lãnh đạo.
Với trọng trách ấy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang “gánh” nỗi lo, khi đất nước chưa an toàn trước dịch bệnh và nền kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn, mà nếu năm 2022 tới đây, mọi chỉ số phát triển không vượt hẳn so với năm 2021, thì sẽ rất khó đạt tới mục tiêu mà kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đề ra.
Thế mới thấy “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” có tầm quan trọng như thế nào!
Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với hai chương trình công tác lớn này là rất sát với đường lối chỉ đạo của Trung ương Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay và đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh cũng như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
“Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, sau khi hoàn thành và được phê duyệt, sẽ là căn cứ và định hướng quan trọng để các bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng vì mục tiêu chung là bảo đảm an toàn trước dịch bệnh Covid-19 và phát triển.