Thứ Tư, 24/11/2021 13:24

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 chính sách phục hồi kinh tế - xã hội

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội được thực hiện nhanh và hiệu quả, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Giải pháp ngắn hạn và chính sách căn cơ trong dài hạn

Chia sẻ với báo chí chiều – tối hôm qua (23-11), ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – cho biết cơ quan này đã hoàn thành báo cáo về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và trình Chính phủ cho ý kiến thông qua với 5 chính sách chính.

Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. Ảnh: Bộ KHĐT cung cấp.

Thứ nhất, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 với nội dung chính là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Về ngắn hạn, ông Phương cho biết các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện loạt giải pháp về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị. “Tất cả đều cần kinh phí và sẽ được thể hiện trong chính sách về tài khoá – tiền tệ”, ông Phương nói.

Về dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung phải nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao năng phát hiện người nhiễm bệnh và ứng xử ban đầu với bệnh nhân. Còn các cơ sở y tế tuyến trên sẽ tập trung điều trị các bệnh nhân nặng để giảm tối đa số tử vong do Covid-19. “Nếu không phòng, chống dịch hiệu quả thì không thể thích ứng an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.

Thứ hai, chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của các chính sách sẽ được mở rộng, trong đó có các đối tượng như công nhân trong các khu công nghiệp với mục tiêu chính là giữ chân lao động, thu hút động trở lại nơi làm việc. Đồng thời, bảo đảm người lao động tại các trung tâm kinh tế có điều kiện sinh hoạt, ăn, ở, gắn bó lâu dài.

Để thực hiện chính sách này, ông Phương cho biết sẽ xây dựng cơ chế phát triển, quản lý, vận hành, bán hoặc cho thuê nhà ở với giá ưu đãi. Đồng thời, bố trí nguồn tài chính hỗ trợ hai đầu cho người mua nhà và đơn vị đầu tư, xây dựng. “Tất cả để có một sản phẩm đầu ra tối ưu nhất cho người lao động, đặc biệt là công nhân”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, các Bộ, ngành, địa phương sẽ có một số giải pháp tiền tệ như cho vay ưu đãi với học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học. “Quan điểm chính của chính sách này gắn quan điểm tổng thể của đề án phục hồi, đó là phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển xã hội và con người. Trong đó, an sinh xã hội là trọng tâm trong phát triển bền vững”, ông Phương nói.

Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. Ảnh: Bộ KHĐT cung cấp.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách này sẽ tập trung vào các giải pháp tài khoá như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ngoài ra, các chính chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất cũng được triển khai để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ tư, chính sách kích cầu đầu tư công. Ông Phương cho biết chính sách có ý nghĩa kép – kích thích chi tiêu đầu tư công nhất thời để kích thích tăng trưởng ngắn hạn và hỗ trợ tăng trưởng giai đoạn 2026 – 2030.

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung phát triển các hạ tầng lớn có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Thứ năm, chính sách quản lý điều hành để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro. Theo ông Phương, nội hàm của chính sách này là cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước – chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

“Nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài sẽ cảm thấy ngại và từ chối đầu tư, huỷ dự án vì có quá nhiều thủ thủ tục. Để thay đổi việc này cần quyết tâm thay đổi rất lớn của các Bộ, ngành”, ông Phương nói.

Theo kịch bản của Bộ KHĐT, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội được thực hiện nhanh.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12-2021 hoặc đầu tháng 1-2022 để xem xét 5 nội dung quan trọng, trong đó có đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Ông Phương cho biết những chính sách này đã tạo ra nhiều tác động tích cực với doanh nghiệp khi tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 10-2021 cao hơn 2 lần so với tháng 9, 10. Ngoài ra, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá.

Ba nút thắt cần tháo gỡ

Để các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tối đa, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng cần cải thiện 3 yếu tố gồm: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, nguồn lực hỗ trợ.

Với cơ chế chính sách, ông Phương cho rằng cần tiếp tục đổi mới luật pháp theo hướng sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất – kinh doanh.

“Để sửa đổi một quy định mất rất nhiều thời gian, đó là chưa tính thời gian quy định đi vào cuộc sống. Nhưng giải pháp này có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Phương phân tích.

Với thủ tục hành chính, cần cắt giảm các thủ tục không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ doanh nghiệp.

Về nguồn lực, các Bộ, ngành, địa phương có thể tạo nguồn tài chính rẻ hơn cho các giải pháp hỗ trợ gồm: triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp; kéo dài thời hạn trả nợ; không chuyển nhóm nợ với khách hàng; tiếp tục giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí.

Về phía các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

“Doanh nghiệp không có thị trường thì dù có vốn, cơ chế thông thoáng cũng không thể phát triển vì hàng hoá sản xuất ra không bán được”, ông Phương lý giải.

Hoàng Thắng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tổng bí thư: Chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới (24/11/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp các khoản ODA thế hệ mới (24/11/2021)

>   Thủ tướng: Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và tác động đến mọi người dân (24/11/2021)

>   Thủ tướng muốn doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài ở Việt Nam (23/11/2021)

>   Nỗi lo của Chính phủ (23/11/2021)

>   Chuyến thăm Nhật Bản đa mục tiêu của Thủ tướng (23/11/2021)

>   Để tiền vào đâu trong môi trường lạm phát cao (23/11/2021)

>   Cảnh báo lạm phát quá mơ hồ, coi chừng triệt tiêu động lực tăng trưởng (22/11/2021)

>   'Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách' (22/11/2021)

>   Áp lực lạm phát 2021-2022 và khuyến nghị (22/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật