Nếu "nhắm mắt" đầu tư thì vẫn có thể thành công nhưng không biết mình sẽ đi về đâu
Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc của Chứng khoán SHS tại buổi Tọa đàm Thị trường Chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp – Kênh đầu tư sinh lời và tích sản tổ chức sáng 18/11.
Tại tọa đàm, một vấn đề được đặt ra để các chuyên gia thảo luận đó là thị trường hiện tại đang tăng rất mạnh. Trước đây giao dịch 20,000 tỷ đồng/phiên đã là bất ngờ, giờ hơn 1 tỷ USD thì nhiều nhà đầu tư so sánh nếu có phiên thanh khoản 20,000 tỷ đồng là thấp. Thanh khoản bùng nổ khiến giới đầu tư phấn khởi nhưng không phải không có băn khoăn. Nhiều nhà đầu tư đang có cảm giác dễ chiến thắng, giao dịch liên tục.
Ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc SHS
|
Nói về chiến lược đầu tư để đảm bảo sự an toàn cho cả khách hàng, ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc SHS khuyên các nhà đầu tư phải hiểu nền tảng doanh nghiệp. Có như vậy thì mới có thể định giá, có thể cộng hay trừ bao nhiêu phần trăm theo mức độ quan tâm thị trường. “Nếu không có gốc, ta không biết cộng cái gì cả”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, trong chứng khoán, điểm hấp dẫn là không ai tính toán được hết các biến số một cổ phiếu, hay doanh nghiệp, bởi cổ phiếu đầu tiên phụ thuộc vào người lãnh đạo - "ông Chủ tịch" - đây là yếu tố rất quan trọng. Thứ hai là ngành nghề và thứ ba là cơ hội chung trên thị trường. Từ các bộ chỉ số đó cộng lại, mới có được các định giá, các tham chiếu cho giá cổ phiếu.
Nhà đầu tư cần nhớ, trên thị trường chứng khoán, tuyệt đối không được bỏ qua uy tín cá nhân lãnh đạo.
Nhà đầu tư cần tăng cường kiến thức, nếu vẫn "nhắm mắt" đầu tư thì vẫn có thể thành công, nhưng sẽ không biết mình sẽ đi về đâu. Đầu tư có cái hay ở điểm là trong nguy cơ, khủng hoảng, sẽ tạo ra một nhóm cổ phiếu tốt. Do đó, việc của nhà đầu tư cần sàng lọc để tìm ra.
Theo ông Tiến: “Dịch Covid vừa qua cũng vậy, ảnh hưởng nặng nền nền kinh tế, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn. Trong đó, ngành chứng khoán may mắn hưởng lợi. Đây là câu chuyện của ngành chứng khoán vất vả tái cơ cấu, khổ ải bao năm, nay về nguyên trạng - về trạng thái bình thường, chứ chưa phải là màu hồng gì”.
Theo ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô CTCK TP.HCM (HSC, HOSE: HCM), ước tính GDP Việt Nam năm 2021 đạt 370 tỷ USD, theo cách tính mới. Do Covid-19, nhiều nước đi thụt lùi như Thái Lan, Philippines, Indonesia… đồng nghĩa, Việt Nam có thể vượt qua quy mô GDP của một số quốc gia trong Đông Nam Á, hiện vượt qua Singapore, có khả năng vượt qua quy mô Philippines, Thái Lan trong vài năm tới.
Ông Phạm Vũ Thăng Long -Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô CTCK HSC
|
Nền tảng cơ bản của TTCK, là hàn thử biểu của nền kinh tế, phản ánh qua chỉ số VN-Index từ 2020 đến nay tăng 54%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các chỉ số của Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, xét về quy mô vốn hoá của các chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á thì thị trường Việt Nam còn khiêm tốn, sàn HOSE có vốn hoá trên 240 tỷ USD, tương ứng 65% GDP theo cách tính mới, chỉ cao hơn thị trường Indonesia với chỉ số chính khoảng 48%GDP, và các nước khác trung bình thì 100% GDP, như Thái Lan là 107% GDP, thì dư địa tăng trưởng cho thị trường Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Nhưng theo ông Long, thị trường cũng có những tiềm ẩn rủi ro như thanh khoản hiện nay liệu có bền vững không. Thanh khoản thống kê của HOSE đã vượt chỉ số chính của Singapore, có một số phiên đạt bằng cả thị trường Thái Lan. Trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan. Có nghĩa thị trường có mức độ “nóng” trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, GDP/người của Việt Nam sẽ tăng lên ít nhất 5,500 USD đến 2025, và tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng từ 20% lên 25% vào năm 2025, tức có khoảng 25 triệu người Việt Nam có thu nhập lớn gấp đôi GDP bình quân (khoảng 11,000 USD/người/năm). Đây là cơ sở cho mục tiêu 8% dân số mở tài khoản chứng khoán tới 2030. Do vậy, nền tảng vĩ mô đang rất thuận lợi cho TTCK phát triển.
Chí Kiên
FILI
|