Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Rủi ro lớn từ nhóm cổ phiếu đầu cơ
Rủi ro đã hình thành trên thị trường chứng khoán khi điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao, mà bản chất sóng đầu cơ nóng thì bao giờ cũng nhanh chóng kết thúc.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng nóng
Sự tăng nóng trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây được phân hóa rất rõ, tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu, chứ không phải toàn bộ cổ phiếu các ngành đều tăng. Về cơ bản, điểm số của thị trường và các chỉ số chính như VN-Index hay các cổ phiếu vốn hóa lớn như VN30 tăng trưởng thấp, mà điển hình là nhóm VN30 tăng trưởng rất thấp so với VN-Index hay HNX-Index. Trong đó, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, mà phần lớn là nhóm cổ phiếu bất động sản có tính chất đầu cơ cao.
Gần đây, dòng tiền trên thị trường chứng khoán chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, mà phần lớn là nhóm cổ phiếu bất động sản có tính chất đầu cơ cao (ảnh minh hoạ)
|
Để đi tìm một nguyên nhân chính xác sẽ rất khó, tuy nhiên có thể lý giải như sau:
Thứ nhất, về bản chất dòng tiền không rút ra khỏi thị trường, vì nếu dòng tiền rút ra sẽ không biết đi đâu tiếp theo, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng còn thấp, tạo ra sự hưởng lợi cho thị trường chứng khoán.
Thứ hai, sản xuất có tăng trở lại nhưng vẫn rụt rè, nhất là những ngành hàng dịch vụ chưa hồi phục mạnh ngay lập tức. Vì vậy dòng tiền chưa thể chảy ngay vào sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh dòng tiền còn ở lại thì sẽ luôn liên tục luân chuyển từ nhóm vốn hóa lớn qua nhóm vốn hoá nhỏ hay vốn hóa nhỏ qua vốn hóa vừa,... Đặc biệt là tại sao tiền lại chạy vào những cổ phiếu trong ngành bất động sản thời gian qua, vì đó là câu chuyện từ năm 2020 đến nay, hầu như nhiều ngành đã tăng trưởng rồi, như nhóm ngân hàng, chứng khoán, hay trong lĩnh vực sản xuất có bán lẻ vật liệu xây dựng, nhóm ngành thép cũng đã tăng cao và mới đây nhất là nhóm thủy sản bắt đầu tăng trở lại, trong khi nhóm bất động sản chưa tăng. Cho nên, nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu bất động sản sẽ đón sóng trở lại.
Ở đây có hai điểm kỳ vọng, đầu tiên là điểm rơi hạch toán cuối năm. Thông thường hạch toán của bất động sản vào quý 3 và quý 4, do đó, mọi người kỳ vọng kết quả lợi nhuận của quý 4 sẽ tăng trưởng mạnh, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, các dự án khởi động, thì thanh khoản của bất động sản có thể hồi phục.
Điểm tiếp theo đó là “thuyết âm mưu” trong lĩnh vực này. Như thời gian vừa qua, bản chất của bất động sản là dòng tiền âm, hai năm nay, các doanh nghiệp bị cạn kiệt về tính thanh khoản, trong khi chi phí hằng ngày vẫn phải duy trì. Điều này dẫn tới tồn kho các dự án cũng tăng lên và dòng tiền kinh doanh càng ngày càng sa sút. Nếu trong chu kỳ bất động sản mới muốn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, thì bắt buộc phải xoay được dòng vốn hoạt động, mà dòng vốn đến từ hai nguồn như vay nợ, phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, việc vay nợ cho bất động sản không còn dễ dàng khi hệ thống ngân hàng đang siết chặt dòng tín dụng vào lĩnh vực này, nên chỉ còn nguồn từ phát hành cổ phiếu. Nhưng muốn phát hành cổ phiếu thì giá cổ phiếu phải tăng, cho nên mọi người càng kỳ vọng có một đợt sóng bất động sản diễn ra, trước khi các công ty thực hiện việc tăng vốn trong thời gian tới.
Song, thực trạng của đợt sóng này cũng nảy ra các vấn đề như sóng đầu cơ quá nhanh, dẫn đến giá trị cổ phiếu tăng cao so với giá trị thực. Trong khi đó, quý 3 vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản bị thiệt hại nặng nề. Cùng với đó là việc mà nhà đầu tư mua vào chỉ mang tính kỳ vọng là chính, nên định giá của các cổ phiếu bất động sản rơi vào vị thế nóng, phản ánh vào tính chất đầu cơ nhiều hơn là đầu tư dựa trên câu chuyện tăng trưởng.
Cảnh giác trước rủi ro lớn
Gần đây, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về nguy cơ lạm phát và bong bóng trên thị trường chứng khoán. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân chính gây ra lạm phát đến từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy và trước đó là do Trung Quốc thay đổi chính sách, thực hiện mục tiêu về giảm phát khí thải, dẫn đến câu chuyện ép nguồn cung trong nước xuống dốc rất nhanh mà không có kế hoạch trước. Khi nguồn cung sụt giảm trên thị trường và sau đó một số nước Đông Nam Á như Việt Nam bị giãn cách, dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy thì tình hình lạm phát sẽ gia tăng.
Xét trên tình hình thực tế hiện nay, điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ này đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao (ảnh minh hoạ)
|
Tuy nhiên, lực cầu vẫn giữ nguyên, sức tiêu thụ của người dân không cao khi so sánh với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Việt Nam đến nay bắt đầu mở cửa trở lại, thị trường dần hồi phục, thì giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt và nguy cơ lạm phát có thể thuyên giảm.
Còn câu chuyện về bong bóng trên thị trường, có thể nói đây là giai đoạn tăng trưởng nóng nhất thời và có thể điều chỉnh lại trong thời gian ngắn từ 1-3 tháng, nên chưa thể tạo ra “cú xì hơi kéo dài” như giai đoạn những năm 2007-2008 hay xa hơn là năm 2002 và những năm 1992 trở về trước. Khi đó thị trường “down trend” mạnh và câu chuyện hồi phục cũng rất khó.
Theo đánh giá của tôi, trước kia, việc in tiền một cách “vô tội vạ” mới tạo ra bong bóng vì người ta có quá nhiều tiền để đi mua tài sản, có những cổ phiếu định giá tới 600.000 đồng/ cổ phiếu, nhưng vẫn hút người mua, vì nếu không tham gia thị trường thì không biết đầu tư chỗ nào.
Đối với thị trường chứng khoán từ khi xuất hiện, sẽ luôn có những giai đoạn đầu cơ nóng mà trong lịch sử đã xảy ra nhiều lần, ví dụ như năm 2007, năm 2014 và đây là lần thứ 3 như vậy. Nhưng chất lượng của các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại có tính “nhân đạo” hơn so với những chu kỳ trước. Vì về cơ bản, hiện nay nhà đầu tư có tốc độ hành động nhanh hơn và cũng đỡ “tham” hơn. Giả sử như trong nhóm đầu cơ có cú rung lắc mạnh, thì ngay lập tức nhà đầu tư sẽ cơ cấu, chuyển sang nhóm cổ phiếu khác.
Đặc biệt, các bạn trẻ cũng có độ nhạy tốt hơn khi đây là thời điểm công nghệ phát triển để hỗ trợ đầu tư, cùng với đó là hệ thống social media, mạng xã hội bùng nổ, nguồn thông tin lan tỏa nhanh, khiến các hành động có thể diễn ra nhanh, thậm chí gây ra hiệu ứng FOMO trên thị trường.
Xét trên tình hình thực tế hiện nay, điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ này đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao, mà bản chất sóng đầu cơ nóng thì bao giờ cũng nhanh chóng kết thúc, không bền vững. Từ đó để thấy rằng, rủi ro đã hình thành với hai vấn đề lớn: Một là giá cổ phiếu đã tăng rất nóng; Hai là yếu tố margin, đòn bẩy trên thị trường lớn, chỉ cần một cú lắc lư, sẽ khiến cổ phiếu đầu cơ thoái trào, dẫn tới câu chuyện tháo chạy khỏi thị trường.
Các nhà đầu tư chỉ cần không thận trọng và còn tham lam trong thời điểm này thì rất e ngại đến một lúc nào đó sẽ bị “úp bô” và kẹt hàng không bán được. Cho nên, nhà đầu tư cần lưu ý khi đã đạt được tỷ suất sinh lời cao rồi, nên cân nhắc hạ margin về mức thấp và giảm 50% tỷ trọng cổ phiếu, vì dư địa tăng giá lúc này không còn nhiều, khả năng kiếm lời cao hơn nữa cũng khó xảy ra.
NGUYỄN THẾ MINH - Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|