Thứ Hai, 15/11/2021 13:00

Có nên mua ABI, FMC, MSB?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua ABI do tiềm năng lớn từ sản phẩm lõi; tăng tỷ trọng FMC do cơ hội phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022; mua MSB do tiềm năng tăng trưởng nhờ lợi thế sẵn có và định hướng lâu dài.

Mua ABI với giá mục tiêu 80,000 đồng/cp

Theo CTCK Guotai Junan (Việt Nam) (IVS), nổi bật nhất trong các sản phẩm của CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) là bảo hiểm bảo an tín dụng (BATD-sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ giúp người vay trả nợ ngân hàng cho họ gặp rủi ro không lường trước, qua đó bảo vệ tài sản đảm bảo và giúp người thân không phải mang gánh nặng trả nợ). Đây là sản phẩm lõi của ABI khi khai thác vào phân khúc bảo hiểm ngách, giàu tiềm năng.

Trên thị trường Việt Nam, đã có một số đơn vị cung cấp sản phẩm BATD (PTI, BHV), tuy nhiên, ABI nổi bật nhất về quy mô cũng như tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu.

Tỷ lệ bồi thường của ABI chỉ ở mức trung bình 27%/năm, thấp nhất toàn ngành, trong đó, mảng BATD có tỷ lệ bồi thường trung bình chỉ 22%, bảo hiểm tài sản với tỷ lệ 13.1% và bảo hiểm cơ giới với tỷ lệ bồi thường 40%.

Ngoài ra, rủi ro của ABI được phân tán tốt theo quy luật mẫu lớn do tỷ lệ bồi thường thấp, khoảng 0.22% (tức trung bình cứ 10,000 khách hàng thì chỉ có 22 khách hàng gặp rủi ro và được đền bù) xuất phát từ tập khách hàng rất lớn là các khách hàng cá nhân đi vay tại Agribank, với số lượng hợp đồng đến nay là khoảng 16 triệu hợp đồng. Kỳ hạn mỗi khoản vay 1-3 năm cùng dư nợ tối đa được bảo hiểm là 300 triệu đồng.

Hiện tại, biên lợi nhuận trước thuế của ABI đang cao thứ 2 toàn ngành, theo sát PVI. Đáng chú ý, cấu phần lợi nhuận của PVI đang được đóng góp phần lớn bởi lợi nhuận tài chính, hiện đang tạm thời hưởng lợi từ đà tăng trên thị trường chứng khoán. Ngược lại, lợi nhuận của ABI hoàn toàn có dư địa cải thiện và vượt PVI khi mặt bằng lãi suất tăng trở lại hoặc doanh nghiệp chuyển hướng phân bổ danh mục đầu tư theo hướng chủ động hơn.

Với giả định tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân tại Agribank đạt 10% năm 2022 và duy trì tăng trưởng dương giai đoạn tiếp theo, IVS kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm mới của ABI tăng trưởng 12%-15% giai đoạn 2022-2024. Tỷ lệ bồi thường duy trì mức thấp như hiện tại và giả định lãi suất tiền gửi 6.5%-6.8%. Ngoài ra, ABI cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn với kỳ vọng tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân của Agribank trong danh mục cho vay.

Với những tiềm năng kể trên, IVS khuyến nghị mua ABI với giá mục tiêu 80,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Tăng tỷ trọng FMC với giá mục tiêu 65,000 đồng/cp

Theo CTCK Agribank (AGR), giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất từ giữa tháng 9 khi dịch bệnh dần được kiểm soát với tỉ lệ tiêm vaccine tăng cao.

Ngoài ra, kể từ đầu tháng 10 cước vận tải biển đang hạ nhiệt với chỉ số BDI giảm 50% sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí trong quý 4. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ. Hiệp định RCEP được kỳ vọng thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, mở ra thêm những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho FMC như Úc hay NewZealand.

Trong năm 2021, FMC đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha. Hai nhà máy mới gồm nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15,000 tấn/năm); nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5,000 tấn/năm) đang được triển khai đúng tiến độ và kỳ vọng vận hành từ quý 2/2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20,000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại.

Thời gian qua, CTCP CP Việt Nam đã mua 16.56% cổ phần FMC và vẫn đang tiếp tục đăng ký mua thêm 6.5 triệu cp để nâng sở hữu tại đây lên 24.9%. CTCP CP Việt Nam – một ông lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi đầu tư chiến lược sẽ giúp FMC hoàn thiện được chuỗi giá trị, tự chủ được đầu vào khi mà chi phí thức ăn chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn.

Với những triển vọng trong năm 2022, AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng FMC với giá mục tiêu 65,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua MSB với giá mục tiêu 32,400 đồng/cp

Theo CTCK MB (MBS), nhờ thu hồi nợ xấu và liên tục tăng trích lập dự phòng từ quý 2 năm 2017, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) đã xử lý hết toàn bộ trái phiếu VAMC vào quý 2 năm 2020. Tỉ lệ nợ xấu được duy trì ổn định ở mức 2% từ năm 2020. Việc kiểm soát nợ xấu ổn định ở mức dưới 3% của MSB, đặc biệt là khi diễn biến của dịch covid 19 diễn ra phức tạp như hiện tại.

Chịu ảnh hưởng của Thông tư 03, tỉ lệ dự phòng khoản cho vay khách hàng của MSB có xu hướng tăng trở lại cho thấy sự chủ động chuẩn bị đối phó với các tình huống xấu từ phía ngân hàng.

Chi phí tín dụng (tỷ lệ chi phí dự phòng/dư nợ cho vay bình quân) của MSB cũng ổn định ở mức quanh 1.6% từ năm 2018, tương đương với các ngân hàng khác.

Nguồn: MBS

Tiền gửi không kỳ hạn của MSB đã tăng ổn định với tốc độ tăng trung bình hàng quý là 5.3% kể từ 2017 đến quý 3/2021. Đặc biệt, mức tăng trưởng năm 2020 đạt 29% so với 20.3% của năm 2019

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ CASA của MSB đứng thứ 4 toàn ngành. Tỉ lệ CASA phần lớn đến từ khoản huy động khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản vốn huy động từ các khách hàng cá nhân có sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian qua. Phía ngân hàng kì vọng CASA cuối năm đạt 32,000 tỷ đồng (tăng thêm 3,000 tỷ đồng so với quý 3).

Hạn mức tín dụng của MSB tại thời điểm cuối tháng 9 là 16%, đứng thứ 4 toàn ngành. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đã dùng 15.9%, đúng thứ 2 toàn ngành. Ngân hàng đang nộp đơn xin xét duyệt Ngân hàng Nhà nước cho tăng trưởng tín dụng lên 25% - 30% cho cả năm. MBS cho rằng mức tăng trưởng tín dụng cao sẽ tiếp tục giúp MSB ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng tốt trong năm 2021.

Nguồn: MBS

Đối với lĩnh vực ngân hàng số, MSB dự tính sẽ tập trung vào dự án TNEX trong khoảng thời gian tới để tiếp cận với phân khúc khách hàng phổ thông. Tính đến tháng 6/2021, dự án ngân hàng số TNEX đã có trên 50,000 khách hàng với giá trị giao dịch bình quân trên 71,000 đồng.

Ngoài ra, MSB đã ký hợp đồng tư vấn chiến lược số hoá ngân hàng trong vòng 2 năm tới với BCG. Ngân hàng cũng đang tiếp xúc với các nhà đầu tư trong kế hoạch thoái 100% vốn tại FCCOM. Ngân hàng cho biết có khả năng ký hợp đồng chuyển nhượng và tiến hành thủ tục trong tháng 11.

Với những nền tảng kể trên, MBS khuyến nghị mua MSB với giá mục tiêu 32,400 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Thượng Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   VN-Index: Mục tiêu mới 1,530-1,550 điểm? (15/11/2021)

>   Góc nhìn tuần 15-19/11: Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu? (14/11/2021)

>   Cơ hội đầu tư nào với ngành thép, vận tải biển và bán lẻ (12/11/2021)

>   Góc nhìn 12/11: Tăng điểm trở lại? (11/11/2021)

>   Tại sao chuỗi cung ứng lại đứt gãy? (20/11/2021)

>   Góc nhìn 11/11: Hướng đến 1,490 điểm? (10/11/2021)

>   Góc nhìn 10/11: Hồi phục trở lại? (09/11/2021)

>   Góc nhìn 09/11: Tiếp tục tăng điểm? (08/11/2021)

>   STK, NAF và VHC liệu có khả quan? (08/11/2021)

>   SSI Research: Xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm (08/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật