Bài cập nhật
Góc nhìn 23/11: Sớm lấy lại ngưỡng 1,450 điểm?
Một số công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng dù VN-Index tiếp tục giảm điểm trong phiên 22/11 nhưng thanh khoản không quá lớn. Chỉ số sớm tăng điểm và lấy lại ngưỡng tâm lý 1,450 điểm.
VN-Index sẽ sớm lấy lại ngưỡng 1,450 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS nhận định phiên giao dịch đầu tuần 22/11 đã diễn ra tương đối kịch tính với việc các chỉ số tăng mạnh vào đầu phiên nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trước đó giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Rất may là cổ phiếu ngân hàng có sự quay trở lại để chống đỡ thị trường. Với phiên giảm 22/11, chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng tâm lý 1,450 điểm khiến cho xu hướng tăng có sự suy yếu. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 nên có khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại.
Dự báo, trong phiên giao dịch 23/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1,450 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần lùi về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1,420-1,425 điểm để tìm kiếm lực cầu. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1,420-1,425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1,450 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, những quyết định mua mới vào thời điểm hiện tại sẽ cần sự thận trọng và xem xét kỹ lưỡng.
Đà tăng ngắn hạn có thể quay trở lại
Theo CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): VCBS cho rằng trong phiên giảm điểm 22/11, dòng tiền lớn vẫn đang lựa chọn đứng ngoài thị trường và chỉ mua vào một số cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu giá mạnh so với đỉnh gần nhất. Mặc dù vậy, nhịp giảm của phiên 22/11 không quá lớn và đi kèm với thanh khoản thấp hơn phiên liền trước, cho thấy đà tăng ngắn hạn có thể quay trở lại trong một vài phiên sắp tới.
Tuy nhiên, với sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng như các gói kích thích tăng trưởng kinh tế đang được áp dụng, VCBS cho rằng thị trường Việt Nam vẫn đang chứa đựng nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Dù vậy, CTCK này nhận định chiến lược lướt sóng ngắn hạn dựa trên sự dịch chuyển của dòng tiền vẫn phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại. Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy các cổ phiếu cơ bản được hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ cũng như các cổ phiếu có triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 4/2021.
Dòng tiền đang chảy mạnh về nhóm cổ phiếu ngân hàng
CTCK MB (MBS): MBS đánh giá áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ngày càng rõ nét, phiên 22/11 là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ.
Do vậy, chỉ số VN30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần. Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội trong lúc này sau khoảng thời gian tích lũy hơn 3 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các nhóm dầu khí, bất động sản (bao gồm cả BĐS KCN) đã giảm sâu trong những phiên vừa qua cũng sẽ nhận được dòng tiền bắt đáy.
VN-Index sẽ tăng trở lại ở cuối phiên 23/11
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cho rằng việc điều chỉnh của thị trường trong phiên 22/11 là cần thiết để củng cố cho một xu hướng tăng bền vững hơn. Dự báo trong phiên giao dịch 23/11, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1,430–1,440 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,410-1,420 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 3, với giá đóng cửa nằm dưới đường trung bình động 20 ngày (MA20), là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,430-1,440 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,410-1,420 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,450-1,460 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,470-1,480 điểm.
Nhịp điều chỉnh có thể sẽ mở rộng
CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá vùng hỗ trợ gần quanh 1,43x đã cho những phản ứng tích cực cùng với sự tiết giảm của áp lực cung giá thấp đã giúp chỉ số có nhịp hồi phục trong phiên và lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Mặc dù vậy, diễn biến sớm đảo chiều giảm điểm gối đầu đã được cảnh báo và rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn đang đứng ở mức cao trước khi chỉ số có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ quanh 1,420, tương ứng với vùng đỉnh đầu tháng 7.
KBSV khuyến nghị sau khi hạ tỷ trọng trong nhịp hồi phục, nhà đầu tư có thể linh hoạt mở lại 1 phần vị thế trading khi VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ đã đề cập.
Kiểm tra vùng hỗ trợ 1,440-1,450 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Thị trường hôm 22/11 trải qua một phiên giằng co trong khu vực 1,443-1,467 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 5 điểm so với phiên 19/11 với thanh khoản tương đối lớn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với số mã giảm áp đảo số mã tăng. Trong phiên giao dịch 22/11 chỉ có 2/19 ngành tăng điểm, trong đó đáng chú ý là ngành Ngân hàng có mức tăng gần 3%. Hiện tại, VN-Index đang kiểm tra vùng hỗ trợ 1,440-1,450 điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm 22/11 khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.
VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1,453 điểm
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể giằng co quanh ngưỡng 1,453 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa, nghĩa là dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, Yuanta tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức cao.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức TRUNG TÍNH xuống GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mua vào ở giai đoạn này.
Thượng Ngọc
FILI
|