Thứ Năm, 18/11/2021 06:07

Giá thực phẩm đang 'leo thang'

Người dân lẫn người kinh doanh đều bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều đồng loạt tăng trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

thực phẩm tăng giá trở lại ảnh 1

"Cầm 500.000 đồng đi siêu thị thấy chẳng mua được bao nhiêu, về nhà tính lại mới thấy cái gì cũng tăng giá, mùng tơi từ 20.000-25.000 đồng lên hơn 30.000 đồng một kg", chị Thảo (TP Thủ Đức) than.

Thực tế hiện nay giá xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp tăng phi mã trong thời gian qua kết hợp nguồn cung hạn chế khiến giá nhiều loại thực phẩm rục rịch tăng trở lại. Khảo sát của Zing tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP.HCM, nhiều loại thực phẩm có xu hướng tăng trở lại so với thời điểm đầu tháng 10.

Tại một cửa hàng Vinmart+ ở quận 7, cải ngọt có giá 44.000 đồng/kg, hành lá 81.800 đồng/kg, ngò rí 60.000 đồng/kg, súp lơ xanh 65.000 đồng/kg, mùng tơi 33.000 đồng/kg, cà rốt 34.000 đồng/kg, đậu cô ve 39.900 đồng/kg, bắp cải trắng 18.000 đồng/kg...

thực phẩm tăng giá trở lại ảnh 2

Giá xăng tăng sẽ kéo theo chuỗi tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Phương Lâm.

Rau gia vị tăng cao nhất từ trước đến nay

Trong khi đó, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh nhiều loại rau củ có mức giá thấp hơn. Đơn cử, cải ngọt, cải bẹ xanh giá 18.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, mùng tơi 18.000 đồng/kg, hành lá 60.000 đồng/kg, ngò rí 55.000 đồng/kg, bắp cải trắng 25.000 đồng/kg,... Thịt ba rọi 129.000 đồng/kg, thịt sườn non 159.000 đồng/kg, nạc dăm 115.000 đồng/kg.

Tại chợ truyền thống, giá thực phẩm có tăng nhẹ từ 2.000-7.000 đồng, tùy loại. Cụ thể, tại một quầy bán rau củ ở chợ Xóm Chiếu (quận 4) mùng tơi có giá 30.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), cải ngọt, cải thìa, cải bẹ xanh đồng giá 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), cà chua 35.000 đồng/kg, hành lá 40.000 đồng/kg...

Tiểu thương bán rau củ tại chợ này cho biết hiện nay do giá xăng dầu tăng, thời tiết mưa bão rau khó nhập nên giá phải tăng lên, tuy nhiên mức tăng chưa đột biến như thời điểm đầu tháng 7. "Giá cả tăng nhưng lượng khách giảm mạnh. Người dân cũng thắt chặt chi tiêu, mua đồ ít hơn trước", tiểu thương này cho biết.

Hiện, giá nhiều loại rau củ tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận cũng đang tăng mạnh. Đặc biệt gồm các loại rau ăn lá do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung bị khan hiếm.

Ông Hoàng Thanh Hải - giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông - thừa nhận hiện nay một số loại rau gia vị như ngò rí, hành lá, rau thơm... tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, ở các chợ đầu mối lên mức 50.000-60.000 đồng/kg.

"Còn một số loại rau củ khác cũng có tăng nhưng ở mức chấp nhận được. Cụ thể cà rốt ở chợ đầu mối dao động 18.000-25.000 đồng/kg, củ cải trắng 8.000 đồng tăng lên 16.000 đồng/kg...", ông nói và thừa nhận hiện nay giá các mặt hàng rau củ, quả ở Đà Lạt cao ngất ngưởng và khan hàng. Một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc cũng tăng hơn trước.

"Hiện nay người nông dân cũng đang chần chừ không dám xuống giống, không dám sản xuất nhiều vì lo sợ dịch bệnh khiến cung không đủ cầu. Hơn nữa, giá phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng gấp 2-3 lần kết hợp với giá xăng liên tục lên cao làm ảnh hưởng đến giá nông sản", ông Hải lý giải.

thực phẩm tăng giá trở lại ảnh 3

Nhiều tháng qua, bên cạnh thực phẩm tươi sống, doanh nghiệp sản xuất dầu ăn, nước mắm, bún, phở gói, các loại bột... cũng phải liên tục điều chỉnh giá. Ảnh: Phương Lâm.

Chật vật chi tiêu trong "cơn bão giá"

Giá xăng dầu, gas tăng phi mã, các thực phẩm khác cũng đồng loạt tăng theo, khiến người dân càng thêm khó khăn trong chi tiêu, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Chị Nguyễn Mai (Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) cho biết vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị bị cắt giảm 30% lương nhưng mọi mặt hàng thiết yếu lại tăng cao.

"Nay đi siêu thị, mua 350 gram thịt xay, 1 quả dưa hấu, 1 bó rau cải cho một bữa ăn đã tốn gần 100.000 đồng. Tiền kiếm đã ít đi mà giá cả chi tiêu mọi thứ gấp 2 gấp 3", chị than. Mọi chi phí đắt đỏ đã buộc chị Mai phải cân đối chi tiêu, chỉ mua những thực phẩm cần thiết và hạn chế ăn uống ở ngoài.

Tương tự, chị Lê Thương (quận 8, TP.HCM) cũng cho biết ngoài rau củ, thịt cá tăng thì đồ dùng sinh hoạt gia đình như dầu ăn, mắm, đồ hộp... cũng tăng giá, tiền thuê nhà thì mới nộp đầu tháng vài hôm sau đã thấy tới cuối tháng. "Chưa kể bát bún bò trước 30.000 đồng nay đã tăng lên 35.000 đồng. Với tình hình giá cả đắt đỏ, tôi cũng không dám ăn ngoài nhiều", chị nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động dịch vụ tăng, dự báo nhu cầu thực phẩm cuối năm và giá cả sẽ tăng trở lại.

Nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu dự báo sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm. Đây cũng là yếu tố chính giúp cải thiện xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với hoạt động thông quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được khơi thông sẽ là những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong những tháng tới.

Với các sản phẩm thủy sản, các doanh nghiệp đang gia tăng thu mua để chuẩn bị cho đơn hàng phục vụ dịp Noel và lễ tết cuối năm nên giá cá tra và tôm có xu hướng tăng, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế bởi người nuôi còn đang dè chừng lo ngại dịch bệnh.

thực phẩm tăng giá trở lại ảnh 4

Giá thực phẩm rục rịch tăng trở lại sau thời gian giảm nhẹ. Ảnh: Đức Anh.

Giải pháp nào kiểm soát giá cả leo thang?

Trao đổi với Zing, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho biết vấn đề áp lực tăng lạm phát do chi phí tăng cao đã được các chuyên gia của VEPR cảnh báo trong các báo cáo gần đây.

"Tuy nhiên cho đến thời điểm kết thúc quý III, nhu cầu tiêu dùng còn thấp, sự phục hồi lại sản xuất, đời sống, kinh doanh bình thường có độ trễ nhất định nên áp lực lạm phát cuối năm 2021 của Việt Nam là không cao, vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đặt ra", ông Việt nhìn nhận.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh chi chí sản xuất, kinh doanh tăng cao do kiểm soát dịch bệnh, những rủi ro từ dịch Covid-19 tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ tạo áp lực và rủi ro lạm phát rất lớn cho năm 2022.

Chi chí sản xuất, kinh doanh tăng cao và những rủi ro về dịch bệnh tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ tạo áp lực và rủi ro lạm phát rất lớn trong năm 2022.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng xu thế tăng giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu thế giới khó có thể đảo ngược trong nửa đầu 2022, khi nhu cầu nguyên liệu vào mùa hè tăng, kinh tế thế giới bước vào phục hồi mạnh mẽ.

"Trong bối cảnh đó, quỹ bình ổn xăng dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ thì Bộ tài chính cần có động thái cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu để hỗ trợ tăng trưởng. Chẳng hạn, thuế VAT nên có phương án giảm có lựa chọn một số lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh để hỗ trợ phục hồi sản xuất và kích cầu trong nước", ông nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc giảm các khoản thuế, phí đóng góp cố định cũng có thể ảnh hướng đến nguồn thu ngân sách từ đó ảnh hưởng khả năng cân đối các gói hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội sau dịch hay kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy cũng cần có sự tính toán phù hợp.

Về dài hạn, theo lãnh đạo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, cần nghiên cứu lại cách thức điều hành hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường tự do.

thực phẩm tăng giá trở lại ảnh 5

Xăng dầu tăng giá phi mã thời gian qua kéo theo mức giá của nhiều mặt hàng tăng. Ảnh: Phạm Thắng.

"Chỉ khi nào giá bán lẻ xăng, dầu chịu áp lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, cũng như các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thì việc cắt giảm các chi phí trung gian, logistic, đổi mới công nghệ mới là biện pháp quan trọng để giảm giá thành và tăng năng lực cung ứng", ông nêu quan điểm.

Chính vì thế, một trong những cách thức tối ưu là cần mở cửa thị trường nguyên liệu nói chung và xăng dầu nói riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo chuyên gia này, với áp lực giá đầu vào sản xuất tăng cao đặc biệt là các mặt hàng nguyên liệu xăng, dầu, sẽ tạo cơ hội cho các mặt hàng thay thế và tăng áp lực đổi mới, sáng tạo cho toàn bộ nền kinh tế vì phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm hơn nữa chi phí đầu vào để tăng tính cạnh tranh.

"Sự gia tăng tính cạnh tranh và mở cửa thị trường xăng, dầu nói riêng và các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nói chung là tốt cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trong dài hạn. Một khi chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành, nền kinh tế Việt nam được nâng cao sẽ giải được rất nhiều vấn đề, trong đó có cả áp lực lạm phát", TS. Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.

Thanh Thương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Số hóa chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản (17/11/2021)

>   Giá phân bón tại Mỹ tăng hơn 4% lên sát mốc 1,100 USD mỗi tấn (15/11/2021)

>   Giá heo hơi ngày 10.11.2021: Nhiều tỉnh thành phía Nam giảm sâu 4.000 đồng/kg (10/11/2021)

>   EU thông báo tần suất kiểm tra thực tế với một số mặt hàng rau quả nhập khẩu vào EU (10/11/2021)

>   Giá lúa mì tăng mạnh (08/11/2021)

>   Xuất khẩu thủy sản tăng 47% sau 2 tháng giảm sâu (08/11/2021)

>   Giá heo hơi ngày 8.11.2021: Giá thịt bán lẻ tăng mạnh một số mặt hàng (08/11/2021)

>   Giá heo hơi ngày 6.11.2021: Ông lớn giảm 1.000-2.000 đồng/kg heo hơi trên 120 kg (06/11/2021)

>   Giá xuất khẩu cao su quý III tăng 32,7% so với cùng kỳ (05/11/2021)

>   Giá thực phẩm toàn cầu tiến sát mức kỷ lục (05/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật