Giá lúa mì tăng mạnh
Thu hoạch vụ lúa mì mùa xuân thất bát cùng với nỗi lo vụ lúa mì mùa đông cũng như thế đã đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất trong nhiều năm. Đây có thể là dấu hiệu thêm của đợt lạm phát về giá thực phẩm phía trước.
Hạn hán diễn ra ở phía Bắc Bán cầu là yếu tố chính đẩy giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và đà tăng của chi phí đầu vào - như phân bón và nhiên liệu - cũng đang góp phần cho xu hướng tăng đó.
Trên sàn giao dịch ngũ cốc Minneapolis, hợp đồng tương lai lúa mì cứng đỏ mùa xuân – vốn dùng để làm bánh mì và bánh pizza – tuần qua đã lên cao nhất kể từ vụ gieo trồng năm 2008. Tại mức 10.17 USD/giạ hôm 04/11, giá lúa mì mùa xuân đắt gần gấp đôi so với giá của hai mùa thu trước.
Giá các giống lúa mì mùa đông (chất lượng thấp hơn nhưng được trồng phổ biến hơn) cũng leo dốc. Lúa mì mùa đông đỏ mềm - được dùng để làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm chế biến - tăng 28% so với một năm trước. Giá đã tăng lên trên 8 USD/giạ, chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2012. Lúa mì mùa đông đỏ cứng - được dùng để làm bột mì - đã tăng hơn 40% kể từ tháng 11/2020, lên mức cao nhất trong vòng 6 năm. Tại Paris, giá lúa mì đã chạm mức kỷ lục trong tuần vừa qua.
Carsten Fritsch, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank AG, cho rằng có thể giá lúa mì vẫn còn dư địa tăng. Các nhà nhập khẩu lúa mì tại Nhật Bản, Ai Cập và Ả-rập Xê-út đã tích trữ lúa mì với khối lượng lớn. Trong khi đó, điều kiện trồng trọt khắc nghiệt đã làm giảm lượng hàng tồn kho của các nhà xuất khẩu - nhất là tại Mỹ, Canada và Nga – và làm giảm kỳ vọng cho vụ mùa tiếp theo.
Ông Fritsch nói: “Chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá cao làm hạn chế lực mua”.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ lúa mì trong nước đã giảm 18% so với một năm trước và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007. Tồn kho tại nông trại đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Điều đó có nghĩa là phần lớn vụ mùa năm nay đã được phân phối ra thị trường. Sản lượng năm nay được dự báo sẽ giảm 10% so với năm 2020 dù rằng diện tích đất trồng lúa mì có tăng thêm.
Yếu tố lớn nhất khiến các kho dự trữ cạn đi chính là hạn hán nghiêm trọng ở các thảo nguyên phía Bắc, khiến sản lượng lúa mì vụ mùa xuân giảm đi gần 1/3 và đe dọa vụ mùa đông sắp tới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn một triệu mẫu đất trồng lúa mì vụ mùa xuân đã không thể thu hoạch được.
Tommy Grisafi, nhà môi giới hàng hóa tại Công ty Advance Trading, cho rằng điều này cho thấy vụ lúa mì mùa xuân có thể ảm đạm. Ông đã đi thăm các nông trại ở Bắc Dakota vào đầu mùa hè năm nay và nhận thấy những cánh đồng lúa mì bị cháy xém không thể phục hồi. Những cánh đồng khác thì bị sâu bọ phá hoại. Những côn trùng này phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết khô nóng.
Ông Grisafi nói: “Nắng nóng khiến lúa mì bị cháy. Phần còn lại cũng đã bị châu chấu ăn”.
Ông Mitch Konen, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng ngũ cốc Montana, cho biết giá lúa mì cao không phải là cú huých cho nông dân như vẫn tưởng. Ông nói: “Những nông dân có lượng lúa mì chưa bán được có thể chứng kiến tình trạng ùn tắc dọc theo các tuyến đường sắt đến các cảng”.
Theo ông Konen, điều quan trọng hơn đối với những người trồng trọt đó là giá lúa mì vụ mùa xuân năm sau sẽ thấp hơn nhiều so với giá giao hàng trong ngắn hạn. Đó là khoản giá mà họ đang sắp xếp và dự trù kinh phí cho vụ mùa tiếp theo. Riêng vụ lúa mì xuân năm 2021, dù giá có tăng lên đến hơn 8 USD/giạ nhưng cũng không đủ để bù đắp các khoản chi phí tăng cao, như giá phân bón – vốn đã tăng mạnh vì đà leo dốc của giá khí thiên.
Ông nói: “Hiện chúng ta đang nhận thấy giá nhiên liệu, phân bón, hóa chất có mức tăng từ 25% đến 30%. "Tuy nhiên, khi xem xét đến vụ mùa mới, tôi chỉ thấy mức tăng khoảng 10%."
Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)
FILI
|