Thứ Tư, 03/11/2021 08:50

Châu Âu bị xáo trộn vì năng lượng

Ngày 26-10 vừa qua, các Bộ trưởng phụ trách năng lượng của EU đã nhóm họp bất thường ở Luxembourg để cùng tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng, một mối nguy lớn đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Và thêm một lần nữa, 27 nước châu Âu này lại không tìm được tiếng nói chung.

Ảnh minh họa.

Ngựa chứng giá năng lượng

Chỉ mới năm ngoái thôi, khi đại dịch bắt đầu bùng phát thì nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới giảm mạnh đột ngột, khiến cho giá của một số loại nhiên liệu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều thập niên. Nhưng triển vọng kinh tế hồi phục nhanh, thời tiết bất thường ở Bắc bán cầu, và nguồn cung không được như kế hoạch đã khiến cho giá nhiên liệu vùng lên như ngựa chứng.

Cụ thể là giá nhiên liệu bị đẩy lên cao xuất phát từ cả 2 đầu cung và cầu. Từ phía cung đó là việc giảm đầu tư vào ngành công nghiệp gas và dầu hỏa trong những năm vừa qua khi giá nhiên liệu giảm, trong khi đó các chính phủ không phát triển đủ các nguồn năng lượng sạch khác để lấp vào chỗ trống.

Thời tiết bất thường cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho nguồn cung bị hạn chế: lạnh bất thường ở Bắc bán cầu, khô hạn ở Brazil làm giảm nguồn cung của thủy điện, và lượng gió trung bình ở châu Âu cũng bị giảm.

Không những thế, giãn cách xã hội do Covid-19 đã làm cho các dự án bảo trì bảo dưỡng lớn trong ngành năng lượng bị gián đoạn và tiến độ bị chậm. Thí dụ như trong ngành khí gas hóa lỏng, những gián đoạn ngoài kế hoạch đã làm giảm nguồn cung đến 27% trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng thời điểm ở giai đoạn 2015-2020.

Nhiều đầu mối cung cấp khí gas hóa lỏng lớn trên thế giới đã bị ngừng hoạt động vì bảo trì, sửa chữa, thậm chí hỏa hoạn trong năm 2020 và 2021.

Từ phía cầu đó là sự hồi phục trở lại của nền kinh tế, các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng tăng dần công suất để đáp ứng theo nhu cầu đã được dự báo. Nhưng nguyên nhân khiến cho nhu cầu nhiên liệu tăng trước mắt đó là mùa đông đang đến ở châu Âu và lạnh bất thường ở Bắc bán cầu.

Khi cầu tăng mà cung lại giảm, giá cả không có lựa chọn nào khác là phải tăng nhanh. Giá gas tự nhiên tăng đến mức cao nhất từ trước đến giờ, có thời điểm gần 10 lần so với lúc thấp nhất. Cùng với đó là giá than tăng cũng khoảng 5 lần so với 1 năm trước  và nguồn dự trữ của những nước tiêu thụ nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ là không còn nhiều trong khi mùa đông đang đến.

Hệ lụy của khủng hoảng năng lượng

Giá gas tăng, kéo theo giá than tăng, và riêng châu Âu còn có giá của khí thải CO2 cũng tăng, dẫn đến giá điện tăng là điều tất yếu. Nhưng khi giá điện tăng nhanh đã khiến cho nhiều doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng trên đe dưới búa.

Giá điện và năng lượng tăng khiến cho người dân phải thắt chặt chi tiêu, làm nhu cầu một số mặt hàng khác bị giảm, trong khi chi phí của doanh nghiệp thì tăng lên đáng kể. Một số doanh nghiệp ở châu Âu đã phải cắt sản lượng hoặc tạm dừng sản xuất vì chi phí cho điện sản xuất tăng chóng mặt, biên lợi nhuận giảm mạnh và doanh nghiệp không còn động lực để sản xuất.

Với dân chúng thì những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là tầng lớp có thu nhập thấp, bởi chi phí cho năng lượng như tiền điện, tiền gas, tiền xăng dầu chiếm một tỷ trọng đáng kể trong chi tiêu hàng tháng của họ. Đó là chưa kể giá nhiên liệu tăng, mà nhiêu liệu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất khác, nên giá cả hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo.

Thực tế cho thấy nhiều người dân châu Âu đang phải chật vật xoay sở với các hóa đơn cũng như danh mục chi tiêu hàng tháng của mình.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu không chỉ dẫn đến những hệ lụy về kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị. Câu chuyện đầu tiên là ở chỗ Nga, một nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu, bởi chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu khí gas tự nhiên của cộng đồng chung này.

Nhưng trong quan hệ với Nga thì các nước thành viên EU lại có những thái độ hoàn toàn khác nhau. Đơn cử như Ba Lan là một nước có mối quan hệ không mấy thân thiện với Nga, từ trong lịch sử cho đến các vấn đề hiện tại như người nhập cư.

Giá năng lượng tăng còn chia rẽ các nước EU trong việc tìm ra chính sách ứng phó. Sau cuộc họp ngày 26-10, vẫn chưa có giải pháp nào được ưu tiên vì 3 nhóm đều bảo vệ quan điểm của mình.

Nhóm đầu tiên là các nước bắc Âu như Áo, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và các nước này cho rằng khủng hoảng chỉ là tạm thời, thị trường sẽ tự điều chỉnh nhanh sau đó.

Nhóm thứ hai là nhóm muốn có sự cải cách thị trường điện và khí đốt để có thể can thiệp được nguồn cung ứng, đại diện là Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, và Cộng hòa Séc.

Nhóm cuối cùng là các nước Đông Âu cũ, đại diện là Ba Lan muốn thay đổi mục tiêu trung hòa khí thải CO2 của EU vào năm 2050, hoặc cho họ sử dụng nhiều than đá hơn, hoặc phải hỗ trợ họ về tài chính nhiều hơn trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Thách thức về chính sách

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cú sốc giá năng lượng ở châu Âu chỉ là ngắn hạn bởi vì giá các hợp đồng giao sau (futures) khi qua đỉnh điểm của mùa đông dịu dần, và đến giữa năm 2022 sẽ trở lại bằng hoặc cao hơn một chút so với mốc tháng 1-2019.

Hiện EU vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch, nên cũng có nhiều rủi ro khi giá năng lượng tăng làm cho vòng xoáy lạm phát khó kiểm soát hơn.

Các chính phủ cũng cần nhanh chóng hỗ trợ những ngành sản xuất mà chi phí đầu vào là năng lượng chiếm tỷ trọng lớn, bởi vì khi biên lợi nhuận không đảm bảo thì họ sẽ dừng sản xuất, như đang diễn ra ở Pháp và một số nước khác. Nguồn cung hàng hóa giảm trong khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm sắp đến thường tăng theo chu kỳ mùa vụ, không khéo lại làm cho mặt bằng giá tăng thêm.

Lúc này, nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất và cần được hỗ trợ là nhóm có thu nhập thấp. Một số chính phủ đã thực hiện giảm gánh nặng thông qua giảm thuế và phí trên giá xăng dầu.

Hy vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thực sự là nhất thời và sẽ kết thúc sớm. Vì nếu giá năng lượng cứ ở mức cao kéo dài cùng với quyết tâm dùng cả chính sách tiền tệ và tài khóa để vực dậy nền kinh tế mà không như mong đợi, thì tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp sẽ làm cho EU bất ổn hơn, cả về kinh tế vẫn chính trị.

TS. VÕ ĐÌNH TRÍ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Sài Gòn Đầu Tư Tài chính

Các tin tức khác

>   Trung Quốc đang xuất hiện dấu hiệu đình lạm? (02/11/2021)

>   Cuộc khủng hoảng niềm tin đe dọa các tập đoàn địa ốc Trung Quốc (02/11/2021)

>   Lạm phát Hàn Quốc vượt 3% lần đầu tiên trong gần 10 năm (02/11/2021)

>   Apple khiến các mạng xã hội tổn thất gần 10 tỷ USD (02/11/2021)

>   Các nước Đông Nam Á đua nhau mở cửa để không bị bỏ lại phía sau (01/11/2021)

>   Tổng thống Biden kêu gọi các nước chung tay tháo gỡ rắc rối về chuỗi cung ứng (01/11/2021)

>   ''Cách mạng xanh'' tác động thế nào đến giá đồng? (01/11/2021)

>   Trung Quốc: Nhà đất suy yếu, kinh tế giảm tốc (01/11/2021)

>   Mỹ và EU đạt thỏa thuận nới lỏng thuế quan thép và nhôm (31/10/2021)

>   Microsoft mua lại công ty kiểm duyệt nội dung Two Hat (31/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật