Mỹ và EU đạt thỏa thuận nới lỏng thuế quan thép và nhôm
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí nới lỏng hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm, với mục đích giải quyết tình trạng xung đột thương mại đã đeo bám mối quan hệ Mỹ-EU kể từ thời chính quyền Donald Trump.
“Chúng tôi đã nhất trí với Mỹ tạm ngưng xung đột thương mại về thép và nhôm, đồng thời khởi động sự hợp tác về Thỏa thuận Thép và Nhôm Bền vững trên toàn cầu”, Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại EU, cho hay. Ông cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen sẽ công bố thông tin chi tiết về thỏa thuận trong ngày 31/10.
Chính quyền Biden và EU đã đàm phán giải quyết xung đột thương mại về thép và nhôm trong nhiều tháng qua. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng lý do an ninh quốc gia để áp hàng rào thuế quan với các sản phẩm kim loại trong năm 2018.
Theo nguồn tin từ FT, thỏa thuận mới giữa Mỹ và EU sẽ triển khai hệ thống hạn ngạch thuế quan, qua đó cho phép xuất khẩu kim loại giữa Mỹ và EU với mức thuế quan thấp hơn ở một mức hạn ngạch nhất định.
Thỏa thuận trên được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 trong ngày 30/10 và các quan chức Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ giảm bớt lượng khí thải carbon trên toàn cầu và tình trạng dư thừa công suất sản xuất kim loại của Trung Quốc, đồng thời xoa dịu tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong các ngành kim loại.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết bên cạnh việc EU loại bỏ động thái áp thuế đáp trả với Mỹ, “chúng tôi đã đồng ý tạm ngưng các tranh chấp tại WTO với các bên liên quan tới tranh chấp theo Chương 232”.
“Nhìn về phía trước, Mỹ và EU sẽ phân tích khối lượng thép và nhôm nhập khẩu từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và các thông lệ tốt nhất về biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời đảm bảo sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không hưởng lợi từ thỏa thuận này”, bà nói.
Bà Tai nói với các phóng viên rằng “thỏa thuận này cũng sẽ giải quyết tình trạng dư thừa công suất toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc và củng cố cơ chế thực thi để ngăn chặn tình trạng buôn bán nhôm thép không công bằng từ Trung Quốc và các nước khác vào thị trường Mỹ”.
EU cũng đang chịu áp lực khổng lồ từ các nhà sản xuất thép trong việc thúc giục Mỹ gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Trước khi áp hàng rào thuế quan, Mỹ mua từ EU khoảng 3.2 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng sau đó đã giảm đi 1/3 vì hàng rào thuế quan.
Thỏa thuận giữa Mỹ và EU cũng tương tự với thỏa thuận với Canada và Mexico. Trong đó, Canada và Mexico đồng ý hạn chế lượng thép xuất khẩu tới Mỹ, nhưng đổi lại họ được gỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Kevin Dempsey, Chủ tịch và CEO của Viện Sắt Thép Mỹ - một hiệp hội các nhà sản xuất kim loại, cho biết ông đánh giá cao việc chính quyền Biden công nhận ngành thép đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Việc triển khai và thực thi đúng các hạn ngạch thuế quan sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo các biện pháp mới có hiệu quả”.
Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của ông Biden, nói với các phóng viên rằng thỏa thuận đã loại bỏ “một trong những tác nhân gây khó chịu lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ-EU”.
“Xét cho cùng, thỏa thuận về thương mại nhôm thép dựa trên lượng khí thải carbon này sẽ giải quyết cả tình trạng sản xuất quá mức của Trung Quốc và mức độ phát thải khí carbon từ lĩnh vực thép và nhôm; nó cho thấy rằng chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời bảo vệ tốt hơn cho người lao động của mình", ông nói.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|