ECB vẫn duy trì chính sách kích thích kinh tế bất chấp lạm phát tăng
ECB đã quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và tiếp tục chương trình mua trái phiếu hằng tháng, song ở mức thấp hơn so với quý 2 và quý 3 trước đó.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ngày 28/10, tại cuộc họp thường kỳ về chính sách tiền tệ diễn ra tại Frankfurt, Đức, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất và chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn bất chấp áp lực lạm phát dai dẳng.
Hội đồng lãnh đạo gồm 25 thành viên của ECB đã quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và tiếp tục chương trình mua trái phiếu hằng tháng, song ở mức thấp hơn so với quý 2 và quý 3 trước đó. ECB nêu rõ chương trình mua trái phiếu sẽ vẫn tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 3/2022.
Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
Chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) được xem là "công cụ" chiến lược của ECB nhằm duy trì chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó thúc đẩy kinh tế nội khối Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng.
Theo kế hoạch, chương trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2022, song ECB sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về PEPP trong cuộc họp thường kỳ vào tháng 12 năm nay.
Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn còn quá yếu để các nhà hoạch định chính sách rút lại chương trình kích thích kinh tế.
Liên quan đến khả năng điều chỉnh lãi suất mà giới đầu tư kỳ vọng vào đầu năm tới, bà cũng khẳng định nền kinh tế Eurozone chưa thỏa mãn các điều kiện để ECB nâng lãi suất cơ bản và kế hoạch này cũng sẽ không diễn ra trong tương lai gần.
Bà chỉ rõ tình trạng "thắt nút cổ chai" trong chuỗi cung ứng cùng với giá nhiên liệu tăng và những tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến mức lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến.
Không chỉ vậy, bà Lagarde cũng đề cập đến các yếu tố cản trợ hoạt động sản xuất như tình trạng thiếu hụt các vật liệu thô, linh kiện và nhân lực.
Cuộc họp của ECB diễn ra chỉ một tuần trước cuộc họp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra từ ngày 2-3/11 tới. Cuộc họp này mang ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ khả năng thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản./.
Thanh Hương
Vietnam+
|