Vì sao nữ đầu tư đại tài Cathie Wood cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ giảm sau dịp lễ?
Ngày 25/10, bà Cathie Wood lên tiếng phản đối quan điểm về siêu lạm phát của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey, cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ suy giảm sau mùa lễ cuối năm.
Bà Cathie Wood
|
Vào ngày 22/10, ông Dorsey tweet rằng “siêu lạm phát sẽ làm thay đổi mọi thứ và nó đang diễn ra”. Tuy nhiên, bà Wood, nhà sáng lập kiêm CEO Ark Invest, cho rằng lạm phát sẽ suy giảm sau dịp lễ.
“Trong năm 2008-2009, khi Fed bắt đầu nới lỏng định lượng, tôi đã nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng vọt. Tôi đã sai. Thay vào đó, vòng quay tiền lại giảm và lạm phát cũng giảm. Hiện tại, vòng quay tiền cũng đang giảm”, bà Wood cho biết.
Mặc dù nhiều thành phần tham gia thị trường tỏ ra lo ngại về đà tăng của giá hàng hóa, nhưng nữ đầu tư đại tài này lại đưa ra quan điểm trái ngược: Lạm phát sẽ giảm. Ba lý do chính mà bà đưa ra là sự sụt giảm của giá hàng hóa, sự thất bại của các công ty thiếu đổi mới và tình trạng đầu cơ tích trữ.
“Hiện tại, chúng tôi tin rằng 3 nguồn lực gây giảm phát sẽ lấn át tác động gây lạm phát từ chuỗi cung ứng. Trong đó, 2 yếu tố mang tính lâu dài và 1 yếu tố mang tính chu kỳ. Các đổi mới mà công nghệ mang lại sẽ gây giảm phát và là nguồn gây giảm phát mạnh nhất”, bà Wood cho biết.
Nhà quản lý danh mục của ARK Innovation lưu ý rằng chi phí sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giảm đáng kể 40-70% mỗi năm và đây là yếu tố gây ra giảm phát sau này.
“Khi chi phí và giá giảm, vòng quay tiền và sự chững lại của lạm phát – nếu không muốn nói là giảm phát – sẽ diễn ra kế tiếp. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tin rằng giá sẽ giảm trong tương lai, họ sẽ chờ đợi chứ không mua hàng hóa và dịch vụ lập tức, từ đó khiến vòng xoay tiền giảm”, bà nói thêm.
Bà Wood cũng cho rằng các công ty thuộc S&P 500 đã không đầu tư đủ cho tương lai và đây là yếu tố gây ra giảm phát trong nền kinh tế. Bà gọi yếu tố này là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” (creative destruction).
“Kể từ sau bong bóng dot-com và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nhiều công ty đã chuyển sang hướng đáp ứng nhu cầu của các cổ đông mang tư duy ngắn hạn – những người muốn lợi nhuận/cổ tức trong ngắn hạn. Các công ty tăng cường vay nợ để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ, ‘sản xuất’ ra EPS cao. Họ cũng không đầu tư đủ cho đổi mới và có lẽ sẽ bị buộc phải trả nợ bằng cách bán hàng hóa với giá chiết khấu: Yếu tố gây ra giảm phát”, trích từ dòng tweet của bà.
Bà Wood gọi những công ty này là “những cái bẫy giá trị”. Trước đó, bà cũng cho rằng các chỉ số chứng khoán Mỹ đang gặp nguy cơ vì những công ty kiểu này.
Yếu tố cuối cùng gây ra giảm phát là tình trạng tích trữ hàng hóa giữa đại dịch Covid-19 và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Nhiều công ty đã đặt hàng quá mức ngay khi người tiêu dùng sắp chuyển hướng sang dịch vụ khi nền kinh tế tái mở cửa, bà Wood lý giải.
“Vì các doanh nghiệp bị đóng cửa, ngừng sản xuất, họ bị chậm chân trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng vọt giữa lúc nền kinh tế tái mở cửa. Họ vẫn đang cố đáp ứng, có lẽ tăng đặt hàng gấp đôi và gấp 3 so với mức cần thiết”, bà nói thêm.
“Kết quả là một khi mùa lễ hội qua đi, các công ty sẽ đối mặt với tình trạng dư cung, giá rồi sẽ giảm. Một số hàng hóa – gỗ và quặng sắt – đã giảm 50%, các đợt kiểm soát của Trung Quốc là một trong những lý do gây ra điều này. Giá dầu lại là một trường hợp ngoại lai, có tác động về mặt tâm lý”, bà Wood nói.
Bà Wood trở nên nổi tiếng sau khi công bố thành tích ấn tượng trong năm 2020 (quỹ Ark Innovation tăng gần 150%). Trong năm 2021, quỹ này đang giảm 2%, nhưng lại hút ròng 5.7 tỷ USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|