Thứ Tư, 24/11/2021 13:46

10 giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam

Nhận định Việt Nam đứng trước thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra các giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Báo cáo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra sáng 24/11, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo ông, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Dù vậy, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ tới bản sắc và văn hóa dân tộc.

Trước những thách thức này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ nhất, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Theo ông Nghĩa, việc xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Theo đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa; nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người.

phát triển văn hóa và con người Việt Nam ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11. Ảnh: Việt Linh.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ ba, hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn, hướng tới chân - thiện - mỹ; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ tư, phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng những yếu tố trên sẽ phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khơi dậy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, mê tín, dị đoan.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù.

Thứ sáu, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Trong đó, trọng tâm là củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện sâu, rộng văn hóa tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thứ bảy, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới.

“Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ tám, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới.

Thứ chín, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hóa gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Thứ mười, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh việc cần phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.

Mỹ Hà

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Khi doanh nhân nói lời xin lỗi! (24/11/2021)

>   Sở Y tế TP.HCM trình 6 chiến lược lớn để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (24/11/2021)

>   Kiệt quệ tiền bạc sau dịch (24/11/2021)

>   TP.HCM ra văn bản khẩn: Tăng cường kiểm soát di biến động dân cư (24/11/2021)

>   Ngày 23/11 ghi nhận 11.132 ca mắc COVID-19, Bình Dương bổ sung thêm 28.000 ca nhiễm trước đó (23/11/2021)

>   TP.HCM: Nhiều thay đổi quan trọng trong hướng dẫn chăm sóc F0 cách ly tại nhà (23/11/2021)

>   Kiến nghị tiêm vaccine mũi 3 cho 320.000 công nhân ở TP.HCM (23/11/2021)

>   Tiêu hóa khỏe mỗi ngày - 'chìa khóa' hỗ trợ phòng bệnh từ xa (24/11/2021)

>   Khoảng 1000 ca F0/ngày: Cuộc sống người Sài Gòn kiếm tiền, thư giãn giữa đại dịch thế nào? (23/11/2021)

>   Bình Dương bất ngờ công bố bổ sung 28.000 ca dương tính Covid-19 (23/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật