Thứ Ba, 23/11/2021 18:31

TP.HCM: Nhiều thay đổi quan trọng trong hướng dẫn chăm sóc F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn chỉ cấp gói thuốc A (các loại vitamin, hạ sốt), gói thuốc C (thuốc kháng vi rút) cho F0 cách ly tại nhà. Còn gói thuốc B (kháng đông, kháng viêm) chỉ cho uống 1 liều duy nhất khi có chỉ định.

Ngày 23.11, Sở Y tế TP.HCM ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà (phiên bản 1.6).

Người dân đến Trạm Y tế lấy ô xy về cho F0 cách ly tại nhà thở DUY TÍNH

F0 quản lý tại nhà như thế nào, điều kiện ra sao?

Theo hướng dẫn, F0 là người mắc Covid-19 (F0) mới, có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh dương tính, đủ 2 điều kiện cách ly tại nhà: Không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96% khi thở khi trời, nhịp thở bằng hoặc dưới 20 lần/phút ).

F0 cách ly tại nhà có độ tuổi từ 1-50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Đối với những trường hợp không thỏa điều kiện này vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên.

F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh... ); biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai... ).

Chăm sóc F0 cách ly tại nhà ra sao?

Có 2 hoạt động liên quan đến chăm sóc F0 cách ly tại nhà. Hoạt động thứ nhất là xác định, lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn. Hoạt động thứ 2 là hướng dẫn F0 tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Với hoạt động xác định, lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn, Sở Y tế yêu cầu Trạm Y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau: phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm (CDS) - phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”; UBND phường, xã, thị trấn; Tổ Covid cộng đồng; Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và do người dân khai báo (do tự làm xét nghiệm).

Nhập thông tin F0 trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid- 9”. Chuyển thông tin F0 (họ tên, số điện thoại của F0, số điện thoại của người nhà F0, địa chỉ cư trú, tình trạng hiện tại, tiền sử tiêm vắc xin, bệnh nền nếu có) cho các cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công trên phần mềm hoặc file excel trong vòng 4-6 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin F0.

Với hoạt động hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Sở Y tế yêu cầu, trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải tiếp cận F0 hoặc gia đình F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà. Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ; tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định (cấp ngay gói A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói A - C nếu F0 có triệu chứng nhẹ ). Cụ thể như sau:

Chuẩn bị các vật dụng cần thiết khi cách ly tại nhà gồm : Nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi; vật dụng cá nhân, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà gồm: Thuốc điều trị Covid-19 tại nhà do Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà cấp phát; thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản... ) đủ để sử dụng trong 1 tháng.

F0 cách ly tại nhà nên và không nên làm gì?

Những điều F0 cần làm khi cách ly tại nhà: Không bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa.

Tự theo dõi sức khỏe: đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu đo được) ít nhất hai lần/ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở.

Mang khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe. Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.

Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.

Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh.

Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo ... Phân loại chất thải đúng quy định.

Có số điện thoại của nhân viên y tế Cơ sở đang quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ “tổng đài 1022 " hoặc Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện.

Những điều không nên làm. Đó là không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Không sử dụng chung vật dụng với người khác. Không ăn uống cùng với người khác. Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.

Dấu hiệu nào cần báo cho cơ quan y tế?

  • Người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà nếu F0 có 1 trong các dấu hiệu sau đây:
  • Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khó thở, thở rít.
  • Nhịp thở tăng trên 21 lần/phút đối với người lớn; trên 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi; trên 30 lần/phút đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
  • Độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi (SpO2) dưới hoặc bằng 96% (nếu đo được).
  • Mạch nhanh hơn 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút.
  • Huyết áp thấp (huyết áp tối đa là 90 mmHg, huyết áp tối thiểu là 60 mmHg (nếu đo được).
  • Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bỏ thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
  • Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
  • Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Khám bệnh, kê đơn cho F0 tại nhà ra sao? 

Theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.

Luôn sẵn sàng tiếp nhận điện thoại của F0 để tư vấn hoặc khám chữa bệnh tại nhà trong trường hợp cần can thiệp y tế hoặc không liên hệ được.

Các thuốc điều trị tại nhà gồm 3 gói ( A, B, C). Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Gói thuốc C là thuốc kháng vi rút được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.

Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất phiên bản 7 do Bộ Y tế ban hành ngày 6.10.

Theo đó, khi F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ của Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Trong trường hợp F0 có chỉ định dùng thuốc, nhân viên của Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà cho người bệnh ký cam kết và cấp phát thuốc tại nhà cho F0 (gói C).

Khi F0 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO dưới 96%) phải liên hệ ngay với Cơ sở đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.

Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (RT-PCR hoặc test nhanh) cho F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly . Nếu kết quả xét nghiệm âm tính , cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly.

Cấp cứu F0 tại nhà

Khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho F0, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP.Thủ Đức để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Dấu hiệu chuyển nặng như sau:

Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 94%.

Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (1 - 5 tuổi: 240 lần/phút; 5 - 12 tuổi: hơn 30 lần/phút ; trên 12 tuổi: hơn 20 lần/phút ), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi đầu chi, SpO2 dưới 95% (nếu có đo).

Tính đến hết ngày 23.11, TP.HCM đang chăm sóc, điều trị cho 76.070 ca F0. Trong đó có 13.721 ca F0 điều trị tại tầng 2, 3; 6.024 ca F0 cách ly tại các khu cách ly tập trung và 56.325 ca F0 cách ly tại nhà.

Duy Tính

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Kiến nghị tiêm vaccine mũi 3 cho 320.000 công nhân ở TP.HCM (23/11/2021)

>   Tiêu hóa khỏe mỗi ngày - 'chìa khóa' hỗ trợ phòng bệnh từ xa (24/11/2021)

>   Khoảng 1000 ca F0/ngày: Cuộc sống người Sài Gòn kiếm tiền, thư giãn giữa đại dịch thế nào? (23/11/2021)

>   Bình Dương bất ngờ công bố bổ sung 28.000 ca dương tính Covid-19 (23/11/2021)

>   TP.HCM: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức trả lại tiền thu sai cho 286.785 lượt BN (23/11/2021)

>   Nhiều quán nhậu ở miền Tây đóng cửa (23/11/2021)

>   Ngày 22/11, ghi nhận 10.321 ca mắc và 190 bệnh nhân COVID-19 tử vong (22/11/2021)

>   TP.HCM không còn quận, huyện thuộc vùng cam (22/11/2021)

>   An cư trước khi lạc nghiệp! (22/11/2021)

>   Nhiều người Nhật khó sống vì lạm phát (22/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật