Khoảng 1000 ca F0/ngày: Cuộc sống người Sài Gòn kiếm tiền, thư giãn giữa đại dịch thế nào?
Sau 7 tuần bình thường mới, số ca F0 vẫn xấp xỉ gần 1000 ca/ngày. Vẫn đang là địa phương có số ca F0 cao mỗi ngày, vậy cuộc sống của người Sài Gòn thế nào để thích nghi với đại dịch. Đó là câu hỏi, thắc mắc mà nhiều người đang sống, làm việc ở Sài Gòn nhận được từ người thân, bạn bè tỉnh khác.
Vậy, cuộc sống của người Sài Gòn từ ngày 1.10 đến nay ra sao? F0 và F1 ứng phó thế nào?
Số ca F0 và liệu pháp vắc xin
Sau gần 2 tháng kể từ ngày TP.HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, người dân bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”, từng bước thích ứng với dịch bệnh. Nhịp sống Sài Gòn trở lại như nó vốn thế. Theo thống kê của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM hôm qua 22.11 toàn TP.HCM có 1547 ca dương tính (F0). Trước đó 1 ngày (21.11), số ca F0 ở mức 1265 ca, ngày 20.11 là 1046 ca. Trong 30 ngày gần nhất, thì chỉ có ngày 2.11 là số ca đạt mức thấp nhất: 682 ca.
Số ca F0 ở TP.HCM dao động khá đều trong 30 ngày gần đây nguồn: dữ liệu covid-19 (Pc Covid)
|
So với nhiều tỉnh, thành địa phương khác thì số ca F0 ở TP.HCM vẫn rất cao. Thế nhưng, so với mốc TP.HCM bình thường mới trở lại (ngày 30.9 có 4372 ca) thì số ca đã giảm sâu chỉ còn xấp xỉ 1/4. Đồ thị đi xuống hẳn và đang dao động khá đều.
Từ mốc mở cửa, thích nghi trở lại với đại dịch (từ 1.10) có thể thấy số ca nhiễm giảm mạnh, giảm sâu nguồm: dữ liệu covid-19 (Pc Covid)
|
Số ca nhiễm vẫn ở mức cao so với nhiều tỉnh thành nhưng người dân ở TP.HCM đã trở lại với cuộc sống của mình: đi làm, ra đường kiếm tiền, nhiều hoạt động được mở cửa trở lại, từ việc ăn uống tại chỗ, bán đồ uống có cồn, xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ bắt đầu được chở khách... Từ đó, nhịp sống Sài Gòn trở nên nhộn nhịp hơn, đường phố đông đúc, nhiều thời điểm ùn ứ vào giờ tan tầm.
Điều gì khiến cho nhịp sống này vẫn diễn ra giữa dịch bệnh, có lẽ đó là độ phủ vắc xin. Tính đến hôm qua, toàn TP.HCM đã có 13,194 triệu liều vắc xin được tiêm, chỉ trong một ngày 22.11 TP đã tiêm được 15.161 liều (nguồn: Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM). Chính vì độ phủ vắc xin rộng và nhanh, đa số người trên 18 tuổi ở TP.HCM đều đã tiêm 2 mũi. Theo thống kê trên PC Covid-19, 83,98% dân số (trên 18 tuổi) đã được tiêm 2 mũi. Tỉ lệ tiêm chủng 1 mũi đạt 109,65% dân số khi hiện nay trẻ em (từ 12-17 tuổi) đang được triển khai chích vắc xin mỗi ngày.
Người Sài Gòn đi làm sáng 23.11, dòng phương tiện đông đúc trên đường 3 Tháng 2 (Q.10). Cao An Biên
|
Sau gần 2 tháng nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được TP.HCM cho phép hoạt động lại. Người dân ra đường đi làm, mưu sinh đông đúc hơn. CAO AN BIÊN
|
Chị Hoài Hương (48 tuổi, nhân viên công sở ở Q.Bình Thạnh) cho biết từ ngày được đến công ty đi làm sau nhiều tháng làm việc online tại nhà cũng là lúc chị thấy nhịp sống TP đang dần hồi sinh khi xe cộ tấp nập trên đường, quán ăn, quán cà phê đông đúc khách. Buổi trưa, chị vẫn thường hẹn bạn bè, đồng nghiệp đến các hàng quán quen thuộc để ăn uống. Theo chị Hương, không chỉ bản thân chị mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp không còn quá ám ảnh với Covid-19 như trước kia. Nhớ lại lúc mới bùng dịch hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7, chị kể ai cũng hoang mang kinh khủng vì lúc đó ít người bị nhiễm, chưa có vắc xin, nhưng giờ thì khác rồi. “Sau ngần ấy thời gian ở nhà, tôi đã có cái nhìn khác về dịch bệnh, chúng ta không thể nào cách ly, phong tỏa mãi mà phải sống chung với nó thôi. Đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ xem Covid-19 như một căn bệnh cần kiên quyết phòng ngừa, nhiễm thì điều trị, tiêm vắc xin đủ và không phải quá lo lắng”, chị nêu quan điểm.
Phương tiện ùn ứ tại đoạn Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) chiều tối 22.11. Anh Lê Anh Khoa (27 tuổi, trọ Q.Bình Thạnh) cho biết dù không còn cảnh kẹt xe hàng giờ liền như trước dịch, tuy nhiên những ngày gần đây trên đường này vẫn diễn ra tình trạng ùn ứ trong thời gian ngắn. Cao An Biên
|
"Người ta về quê hết nên bây giờ Sài Gòn không còn đông nghẹt xe như trước kia. Nhưng mà phố xá vẫn khá đông đúc. Tôi có cảm giác như nhịp sống đang dần trở về bình thường, ai cũng ra đường kiếm tiền chứ ở nhà mấy tháng rồi", anh Khoa tâm sự. CAO AN BIÊN
|
Sở dĩ nhận xét như vậy vì chị Hương cho rằng mình đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 nên trường hợp xấu nhất là trở thành F0 chị cũng không quá nặng nề. Thêm vào đó, lúc nào chị cũng ý thức tốt 5K nên khá yên tâm. Chị Hương nói thêm thời gian qua Sài Gòn mở cửa, không còn vùng cam cho thấy vắc xin có hiệu quả. Tự tin, nhưng với chị ai cũng cần phải có ý thức 5K thì mới có thể sớm chiến thắng Covid-19.
5K của người dân
Sinh hoạt, làm việc, giao thương, thể dục thể thao, thư giãn ở một TP đông dân nhất cả nước giữa đại dịch Covid-19 không phải là một điều dễ dàng nhưng trên hết đó là ý thức 5K của người dân.
Nhiều người dân đeo khẩu trang ra công viên tập thể dục sáng nay 23.11, trong đó có bà Ngọc (56 tuổi, ở Q.1). Bà cho biết ngày TP.HCM mới nới lỏng, bà vẫn chưa dám ra ngoài. Tuy nhiên gần 1 tháng trở lại đây, thấy tình hình dịch bệnh tạm lắng bà cùng những người bạn của mình ra công viên quen thuộc rèn luyện sức khỏe. "Xung quanh tôi mọi người cũng dần thích nghi với cuộc sống mới, tôi tin nếu ai cũng ý thức 5K thì sẽ sớm thôi mọi thứ sẽ trở lại bình thường", bà nói. Cao An Biên
|
Người dân khu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) thong dong tập thể dục, mua đồ ăn sáng. CAO AN BIÊN
|
Khẩu trang hiện là vật bất ly thân của người Sài Gòn, đi làm, đi ra đường, mua bán, giao tiếp đều đeo khẩu trang. Nhiều công ty còn quy định phòng làm việc để máy lạnh nhiệt độ cao, mở cửa, nhân viên làm việc đeo khẩu trang để hạn chế tối đa những đường lây của Covid. Có những công sở đã phát sẵn bộ kit test định kỳ cho nhân viên, để mỗi người thử định kỳ mỗi tuần nhằm chủ động phát hiện sớm để phòng bệnh và ngăn ngừa.
Đeo khẩu khi làm việc trong công sở tuần hà
|
Chơi sang hơn, công ty của chị Nguyễn Trang (Q.1) còn cho nhân viên test PCR định kỳ vì công ty chị thuộc lĩnh vực làm đẹp và đa số nhân viên đều tiếp xúc khá gần với khách hàng.
Tự test nhanh Covid-19 định kỳ để yên tâm công việc là một trong những ý thức 5k đáng chú ý của người Sài Gòn
|
Người Sài Gòn đi cà phê vỉa hè vẫn giữ khoảng cách tối đa theo phong cách 5K ở Q.1. Cao An Biên
|
Từ ngày bán hủ tiếu trở lại, nhiều người thân ở quê cũng hay gọi điện thoại hỏi bà Trần Kim Hoa (73 tuổi, Q.Bình Thạnh) với tâm trạng lo lắng: “Alo! Sài Gòn giờ sao rồi? Nói bớt dịch mà sao ngày nào cũng cả ngàn ca, không biết có lên được không?”. Bà giải thích cuộc sống ở Sài Gòn đang “bình thường mới”, người dân sống và thích nghi với đại dịch chứ không còn sợ hãi như trước. Đó cũng là tâm trạng của bà hiện tại.
Suốt mùa dịch qua, nhờ tuân thủ tốt quy định về giãn cách mà cả gia đình của bà Hoa đều bình yên, không ai bị nhiễm Covid-19. Thế nhưng thời điểm đầu, bà hoang mang, lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi lúc nào cũng ám ảnh về Covid-19 vì “chưa biết mặt mũi nó ra sao”.
Bà Hoa ung dung đọc báo, bắt đầu một ngày mới với xe hủ tiếu gõ hơn 20 năm. Sau nhiều tháng phong tỏa, Covid-19 không còn là nỗi ám ảnh của bà như trước kia. CAO AN BIÊN
|
Một quán cà phê ở Q.1 tối cuối tuần đông đúc khách. Đây là điểm đến quen thuộc của nhiều bạn trẻ ở TPHCM. Cao An Biên
|
Nhiều hàng quán trở lại mưu sinh sau dịch Covid-19. TUẤN HÀ
|
Nhiều người họp mặt bạn bè, giải trí ở những quán cà phê được sắp xếp bàn ghế giãn cách. CAO AN BIÊN
|
“Tôi lớn tuổi rồi, có nhiều bệnh nền mà lúc đó chưa tiêm gì hết nên sợ lắm, không dám ló mặt ra khỏi nhà. Nhưng giờ thấy cuộc sống ở Sài Gòn bình thường trở lại, mọi người bắt đầu ra đường làm ăn, có vắc xin phủ rộng nên yên tâm hơn. Sống với con virus lâu rồi nên cũng không còn hoang mang, sợ hãi như mấy tháng trước. Nhưng mà nhiều bà con xa ở quê vẫn còn rất sợ khi nhắc đến Sài Gòn, tôi cũng không hiểu sao vì cuộc sống, tâm lý người dân đã dần ổn định”, bà nói.
Từ ngày bán trở lại, thu nhập từ hàng hủ tiếu gõ của bà và con gái giảm nhiều so với trước dịch vì lác đác khách đến mua, nỗi lo về mưu sinh của cụ bà lại ngày càng lớn hơn. Vắng khách, nhưng bà nói mình vẫn rất ý thức 5K để thích nghi an toàn với cuộc sống mới.
Nhân ngày cuối tuần, chị Thủy Dương (25 tuổi) và chị Thiết Vũ (28 tuổi) hẹn nhau đi uống cà phê sau thời gian làm việc căng thẳng. Chị cho biết mình thường chọn những quán không quá đông, có bàn ghế giãn cách để đảm bảo an toàn. "Bình thường mới mình đâu thể ở nhà hoài, sống chung với dịch rồi, kỹ một tí là được chứ cũng không quá lo lắng. Mấy tháng qua tôi vẫn hay rủ bạn bè đi ăn uống như vậy, vừa thoải mái vừa xả stress", chị nói. CAO AN BIÊN
|
Nhiều người ra đường chụp ảnh. TUẤN HÀ
|
Kèm với khẩu trang, người Sài Gòn còn mang kè kè theo "chai rượu đế 70 độ" (cồn xịt khuẩn). Từ anh shipper, đến người bán hàng ăn, tạp hóa, khi cầm nắm, trao đổi hàng hóa, hay nhận tiền từ khách đều phải lấy chai cồn ra "xịt xịt" vào vật chủ mình cầm vào và rửa ngay đôi bàn tay của mình. Những vách ngăn tại quán ăn, màn kính, cái rổ đựng tiền khi mua bán (người mua, người bán bỏ đồ và tiền vào đó) dần trở nên thói quen của nhiều người. Khẩu trang, sát khuẩn, khoảng cách là những điều mà đại đa số người Sài Gòn đang tâm niệm và nhắc nhớ nhau mỗi ngày.
Nhịp sống Sài Gòn sau gần 2 tháng bình thường mới vẫn đông, vẫn nhộn nhịp, vẫn cần mẫn mưu sinh và vẫn luôn cẩn trọng, e dè phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân mình.
Tuấn Hà
Thanh niên
|