Chuyện cư dân bị lừa đảo khi mua bán đồ dùng từng xảy ra không ít lần. Kẻ lừa đảo mạo danh người sống trong chung cư khiến người mua mất cảnh giác.
Chiều 17/11, chị L.T.T.N. (cư dân tòa P2 chung cư Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) bị lừa đảo khi mua một chiếc gương thanh lý, người bán tự xưng sống cùng chung cư. Chị T.N. đã chuyển trước 50% tiền cọc theo yêu cầu của người bán rồi hẹn gặp lấy đồ sau.
Tâm lý người mua đồ thanh lý thường ham rẻ, lo người khác mua mất nên sẽ vội chuyển tiền cọc để giữ hàng. Số tiền cọc không nhiều, thường dưới vài trăm nghìn đồng nên người mua không do dự. Đặc biệt, nếu thêm “cái mác” ở cùng chung cư thì cư dân càng dễ tin.
Mạo danh cư dân nội khu
"Người đó cung cấp thông tin là sống trong chung cư Vinhomes nhưng không nói ở tòa nào căn nào, chỉ nói đối diện tiệm cơm tấm Cali. Tôi đinh ninh họ là cư dân nên không cảnh giác, gửi tiền cọc luôn và hẹn tối đi làm về sang lấy”, chị N. thuật lại.
Ảnh chiếc gương thanh lý chị N. muốn mua do kẻ lừa đảo cung cấp. Ảnh: NVCC.
|
Lúc nhắn tin giao dịch trên trang mạng xã hội, chị N. đề nghị để bạn cùng nhà ở tòa P2 ra tiệm cơm tấm đợi người kia dẫn lên nhà lấy hàng luôn. Chị N. muốn nhận hàng sớm do lo quy định vận chuyển thang hàng ở chung cư phải xin giấy và theo giờ. Tuy nhiên, người lừa đảo nói chiếc gương to và nặng, cần 2 người vận chuyển, đã từ chối để bạn chị N. qua lấy.
Chị N. nhận thấy dấu hiệu lừa đảo khi xin số điện thoại nhưng người bên kia từ chối, khoảng 2 giờ sau thì bài đăng bán đồ kèm mọi thông tin bị xóa mất. Đi làm về, chị kiểm tra vị trí đối diện tiệm cơm tấm là bệnh viện Vinmec chứ không có tòa nhà cư dân nào.
Chị N. nhận ra không gian trong ảnh kẻ lừa đảo đăng không phải căn hộ của Vinhomes, vì trần nhà ở chung cư dùng máy lạnh âm trần không thể gắn quạt được. Do lúc giao dịch chị này vội vàng không để ý.
“Cũng do người kia nói chuyện giống kiểu người thanh lý đồ chuyên nghiệp nên tôi tin. Tôi cũng có kinh nghiệm nhiều lần mua kiểu này trong 10 năm ở thành phố, lần nào cũng cọc trước, có khi đi công tác cả tuần mới về lấy mà chưa từng bị gì. Đây là lần đầu tiên tôi bị lừa, đáng buồn là bị trong chính khu mình ở”, chị N. giãi bày.
Trước đó, chị P.Q. ở chung cư Luxcity (quận 7) tìm mua cũi em bé và được một người đề nghị bán lại. Người bán yêu cầu chị Q. đặt cọc 500.000 đồng trước khi sang lấy, chị đã chuyển khoản số tiền này. Đến ngày hẹn, chị Q. thấy tài khoản mời bán đã khóa, số điện thoại Zalo bị chặn.
“Lúc nhắn tin giao dịch tôi vào Facebook của người đó xem thì thấy có đăng ảnh hai đứa con, làm việc ở một công ty bảo hiểm lớn, nên tôi không nghi ngờ gì”, chị Q. kể lại nguyên nhân mất cảnh giác.
Chị này tìm mua đồ trên một nhóm mua bán nội khu chung cư nên càng tin mọi người đều là cư dân. Chị có phản ánh với các thành viên trong nhóm và đề nghị trưởng nhóm cần xét duyệt kỹ hơn những người bán hàng trong này.
Địa chỉ email lạ giả mạo đơn vị của chung cư. Ảnh: NVCC.
|
Một kiểu lừa đảo khác mà cư dân trong và ngoài chung cư gặp phải là giả mạo ban quản lý hay đơn vị mang tên của khu chung cư để thu phí, rao bán căn hộ.
Thời gian trước, một cư dân chung cư Vinhomes Central Park từng nhận được thư điện tử tự xưng là “bộ phận hỗ trợ Vinhomes” rao bán dịch vụ. Song cư dân này đã nghi ngờ và thận trọng kiểm tra thì thấy địa chỉ email không đáng tin nên không bị mắc bẫy. Đồng thời người này cũng đăng bài cảnh báo trong cộng đồng cư dân.
Tương tự, đội ngũ quản trị nhóm cư dân chung cư Vinhomes từng cảnh báo tình trạng mọi người đổ xô tìm mua voucher của trường học Vinschool hoặc ưu đãi nghỉ dưỡng từ Vingroup với mức giá hấp dẫn.
Kẻ xấu lợi dụng tâm lý "ham rẻ" của cư dân, tạo tài khoản ảo và rao bán voucher giả. Nhiều cư dân mua online đã chuyển tiền cọc hoặc thanh toán hết, song không thấy giao voucher như thỏa thuận, người bán thì “biến mất”. Khi cư dân phản ánh thì bài đăng bán nhanh chóng bị xóa.
Một số kinh nghiệm tránh lừa đảo
Anh T.N. là nhân viên môi giới căn hộ ở TP.HCM từng nhận được nhiều phản ánh từ khách thuê nhà ở các chung cư bị lừa tương tự trường hợp trên. “Vụ nhỏ thì như máy giặt, máy lạnh, nôi em bé, bàn ghế… được bán với giá ‘hời’. Vụ lớn thì có kiểu thanh lý trọn gói, toàn bộ nội thất do kẻ gian lấy cớ chuyển nhà nên bán rẻ”, anh T.N. cho hay.
Kẻ gian có thể trà trộn vào cộng đồng cư dân và tìm hiểu quy cách mã căn hộ, vị trí tòa nhà, một số quy định ở chung cư để cung cấp thông tin khiến cư dân dễ tin. Ảnh minh họa: Hải Nam.
|
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo thường mạo danh là cư dân ở các khu chung cư lớn, cao cấp để người khác tin tưởng, như Vinhomes, Saigon Pearl, Pearl Plaza, Masteri, The Manor, City Garden, Sunrise City… Người mua có thể nghĩ “cư dân ở đó giàu chẳng lẽ lại đi lừa vài trăm nghìn”.
Tổng hợp bài học từ các vụ lừa đảo mua bán như trên, anh T.N. đăng trong các nhóm cộng đồng cư dân về một số kinh nghiệm, cảnh báo cư dân không cọc tiền nếu thấy một số dấu hiệu.
Nếu họ đăng bài bán đồ ở trên Facebook, người mua bấm vào tên để xem tài khoản có hoạt động thường xuyên không, các bài khác gần đây có bình luận rõ nội dung trao đổi qua lại hay toàn ký hiệu khó hiểu để tăng tần suất hiện lên trang. Thường khi nhắn tin, gọi điện họ không trả lời, không cung cấp thông tin nhận hàng hoặc thấy giá bán thấp hơn nhiều so với giá trị thật của hàng, thì cư dân cần thận trọng.
Trước khi giao dịch, người mua có thể yêu cầu người bán quay video, chụp hình nhiều góc khác nhau của món hàng, tốt nhất là gọi điện video. Người lừa đảo thường lấy cắp hình ảnh từ nguồn khác sẽ không làm được điều này.
Ngoài ra, cư dân mua bán ở nội khu chung cư cần yêu cầu tự mình đến căn hộ lấy hàng trực tiếp hoặc người bán giao tận căn hộ rồi mới thanh toán.
Trong các nhóm mua bán của cộng đồng cư dân Vinhomes Central Park và một số chung cư khác ở TP.HCM, đội ngũ quản trị chỉ duyệt các thành viên là cư dân nội khu. Đối với nhân viên kinh doanh căn hộ, môi giới, mua bán, cho thuê không phải cư dân thì được lập một nhóm khác để cư dân nào có nhu cầu sẽ tham gia vào, tránh trường hợp trà trộn.
Ý Linh
Zing