Khi doanh nhân nói lời xin lỗi!
Ngày 23/05, nghệ sĩ, MC Quyền Linh đã chính thức gửi lời xin lỗi sau khi giới thiệu sản phẩm S trên trang cá nhân. "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình".
Ngày 27/05, ông Trần Như Tùng - Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Elepharma, đại diện nhãn hàng Scurma Fizzy New cũng lên tiếng: “Chúng tôi chân thành gửi lời xin lỗi người tiêu dùng và nghệ sĩ Quyền Linh. Vì chưa giải thích rõ ràng, tỉ mỉ ngôn ngữ nghiên cứu khoa học gây ra sự hiểu lầm cho nghệ sĩ. Chúng tôi xin lỗi người tiêu dùng về khâu quản lý thông tin và quảng cáo… Quý khách hàng có thể liên hệ công ty bồi hoàn 100% nếu sử dụng sản phẩm không hiệu quả và không đạt chất lượng".
Đây là một trong những “case study” điển hình về xử lý khủng hoảng truyền thông khá hiệu quả của những-người-trong-cuộc. Từ đó, cũng cho thấy phần nào văn hóa ứng xử của doanh nghiệp và doanh nhân - nghệ sĩ trước những sản phẩm lỗi với cộng đồng khách hàng - công chúng.
Những hình ảnh, công trình vật chất hiện diện trong cộng đồng được xem là thành tựu về văn minh. Nhưng ứng xử của con người với chúng, của chính con người với con người mới là chất văn hóa hiện hữu, làm nên giá trị bền vững của những thành tựu văn minh nói trên. Trong hầu hết tình huống xảy ra sự cố với các nhãn hàng, sản phẩm, ngoại trừ lộ rõ “bàn tay lông lá” không thể cứu vãn thì xem xét để sớm có một thái độ rõ ràng, thiện chí, trách nhiệm với dư luận luôn là một lựa chọn khôn ngoan, ít để lại hậu quả nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sự kiệm lời (khác với sự im lặng) đi cùng hành động khắc phục, sửa chữa cũng là một cách thức ứng phó thông minh. Nhưng không dễ làm, làm trong tâm thế bản lĩnh, thành thật và quyết tâm khắc phục.
Còn thái độ chần chừ, chậm trễ, thậm chí đối đế mới phải đối diện, càng cho thấy sự đối phó để “qua sông” có khi còn phản tác dụng.
Còn nhớ tháng 10/2019, cuộc sống của hơn 300,000 hộ dân với khoảng 1 triệu nhân khẩu thuộc 6 quận, 4 huyện trên địa bàn TP Hà Nội bị đảo lộn nghiêm trọng do nguồn nước của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) bán cho người dân trên địa bàn có chứa dầu thải. Thế nhưng những người đứng đầu đơn vị này lại chày cối “còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra” chứ không chịu đưa ra một lời xin lỗi với khách hàng. Mãi cho đến khi “vết dầu loang” không thể dừng được thì đại diện Viwasupco mới lên tiếng “vâng, thì xin lỗi” và xin được bồi thường cho dân miễn phí một tháng tiền nước!
Thái độ và cách thức ứng xử của lãnh đạo Viwasupco thổi bùng sự bất bình của cả các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: “Lời xin lỗi của Công ty nước sông Đà là muộn màng và cách bồi thường của công ty này cũng không thể chấp nhận được”.
Để thấy, nên và chỉ nên đưa ra lời xin lỗi (cùng lời cảm ơn) một cách chân thành, thấu đáo và trách nhiệm sửa lỗi đi cùng - tức giải pháp khắc phục. Bằng không, hậu quả sẽ càng khôn lường. Có quá nhiều ví dụ cho lời xin lỗi… muộn và lộ rõ sự lấp liếm, dẫn tới doanh nghiệp tự chất chồng thêm khó khăn, khủng hoảng, có khi đi tới triệt tiêu chính mình.
Khaisilk là một bài học “mất mát đau đớn” để từ sự thiếu thành thật trong ghi nhãn xuất xứ hàng hóa, cách thức đối phó khủng hoảng đến sự biến mất trong thoáng chốc khỏi thị trường, trong khi trước đó phủ sóng trên diện rộng với hình ảnh sang trọng, hào nhoáng, đẳng cấp.
Trăm năm trước, cụ Ôn Như Lương Văn Can, người thầy của các bậc doanh nhân Việt Nam đã dạy “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là, nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy… Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!”.
Nó là điểm khởi đầu và cũng là đích cuối cùng - nơi văn hóa là hồn cốt của mọi phép ứng xử, tính toán. Một lời xin lỗi đúng việc, đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm là thước đo văn hóa của người xin lỗi mà người nhận lời xin lỗi ấy buộc phải… ngước nhìn!
* An cư trước khi lạc nghiệp!
Quốc Học
FILI
|