Sắp xếp lại quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với nguồn lực ngân sách quốc gia hiện nay, việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khởi đầu ở mức 30.000 tỷ đồng và phải thiết kế các chính sách hoàn toàn mới.
Thực trạng hiện nay
Vừa qua, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã có Thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp này, hạn mức lên đến 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải nhìn vào thực trạng hiện nay về quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang ra sao.
Hiện nay, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đều không hiệu quả, số dư bảo lãnh thấp, tỷ lệ trả thay cao, buộc các SME phải nhận nợ bắt buộc... (ảnh minh hoạ)
|
Thứ nhất, Nghị định số 34 của Chính phủ về thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng với những tỉnh lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì không sao, nhưng những tỉnh nhỏ, nghèo là rất khó khăn. Bên cạnh đó, Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cũng có thực hiện bảo lãnh tín dụng, nhưng cả 2 dạng quỹ này đều không hiệu quả, số dư bảo lãnh thấp, tỷ lệ trả thay cao, buộc các SME phải nhận nợ bắt buộc..
Thứ hai, số quỹ bảo lãnh địa phương đến nay là 28 quỹ, tổng vốn khoảng 1500 tỷ đồng, cho nên bị tản mát và quy mô rất nhỏ, không đủ sức để bảo lãnh cho doanh nghiệp SME. Đây là điểm đầu tiên cần phải nhìn lại, khi những tỉnh lớn có ngân sách thì có thể tăng cường để ủng hộ, hay cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ có phần quỹ dôi ra để đưa sang quỹ, còn những tỉnh nhỏ bé thì không có điều kiện.
Vì vậy, tổ chức quỹ bảo lãnh theo Nghị định 34 đến nay là chưa ổn ở cấp quốc gia, do không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong 5 điều kiện phải đáp ứng đủ tại Điều 16 của Nghị định 34 là bảo lãnh nhưng phải có tài sản thế chấp, còn trong trường hợp bảo lãnh tín chấp, thì Chủ tịch của quỹ hay hội đồng tín dụng cấp bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và chịu trách nhiệm bảo toàn vốn, cũng như các nguyên tắc về quản lý tài chính.
Thực sự, quy định này mang tính “đánh đố” nhiều hơn, vì không vị Chủ tịch nào dám bảo lãnh cho vay, còn nếu cho vay có thế chấp, thì doanh nghiệp có thể vay thẳng từ ngân hàng mà không cần mất thêm phí bảo lãnh.
Giải pháp mới
Việc đặt ra quỹ bảo lãnh nhưng không đi được vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải rút kinh nghiệm nếu muốn triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Nên xây dựng một chính sách hoàn toàn mới, quỹ bảo lãnh mới, và nên học theo kinh nghiệm từ các nước, đã là bảo lãnh thì gần như phải tín chấp 100%, thế chấp chỉ là một phần hết sức nhỏ trong đó. Đã là bảo lãnh tín dụng thì không thể hủy ngang và các tổ chức tín dụng mới dám xem xét cho vay. Trước đây tôi cũng đã từng khổ về món bảo lãnh từ VDB mãi mới xử lý được vì cán bộ tác nghiệp tại ngân hàng này còn... mách doanh nghiệp cứ khai ngân hàng là sử dụng vốn sai mục đích để từ chối nghĩa vụ bảo lãnh (!).
Với bài toán “khó” này, cần phải có một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, quỹ bảo lãnh này được thống nhất trong toàn quốc, có thể phải trực thuộc thẳng Chính phủ, không trực thuộc bộ ngành nào. Ví dụ như ở Mỹ, tồn tại một Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng trực thuộc Tổng thống và có quỹ bảo lãnh cho SME. Toàn bộ bảo lãnh đó là tín chấp, có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, có hệ thống xếp hạng tín dụng để đánh giá các doanh nghiệp SME, trong đó có phần thông qua bộ thông tin của các Hiệp hội là người bình bầu đánh giá, chấm điểm cho doanh nghiệp. Các Hiệp hội là những tổ chức sát sườn với doanh nghiệp nhất, trong khi công nghệ 4.0 đã cho phép chúng ta có thể thu thập được thông tin xếp hạng tín nhiệm, cho ra được kết quả, ai có thể được bảo lãnh và được bảo lãnh đến mức nào.
Giả sử doanh nghiệp do nữ giới làm chủ được bảo lãnh tín chấp đến 80% các khoản vay, còn các doanh nghiệp do nam giới thì chỉ được bảo lãnh 50-60%, do năng lực quản trị tài chính của phụ nữ chắc chắn hơn đàn ông.
Từ kinh nghiệm đó, quỹ bảo lãnh phải được hình thành và trực thuộc thẳng Thủ tướng (nằm trong Văn phòng Chính phủ), thành lập Cục chính sách SME để quản lý.
Thứ hai, về tổ chức nên là quỹ của toàn quốc gia, các quỹ địa phương nên sắp xếp lại là một chi nhánh trực thuộc Quỹ Trung ương, từ đó mới hợp nhất thành sức mạnh của tất cả nguồn lực toàn quốc nâng mức vốn điều lệ cao lên. Một số địa phương như ở TP.HCM hay Hà Nội sẽ phát sinh những khoản bảo lãnh lớn, còn các tỉnh nhỏ thì phát sinh những khoản bảo lãnh nhỏ, nhưng tổng nguồn lực của các tỉnh gộp lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Tất cả các sản phẩm bảo lãnh như thế nào, quy chế, quy trình ra sao phải do Trung ương ban hành và quản lý.
Thứ ba, Nghị định của Chính phủ phải công bố ngay hoạt động của quỹ bảo lãnh là nhằm bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp SME, vốn đối ứng của doanh nghiệp cho phương án, dự án vay vốn khoảng 20%. Nếu có tài sản bảo đảm thì chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Cùng với đó, khi đã giao vốn thì Quỹ phải chịu trách nhiệm khoản bảo lãnh đúng đối tượng, đúng tôn chỉ mục đích và phải gia tăng được khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Đây là quỹ không vì lợi nhuận nhưng phải an toàn, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ trong các chu kỳ bảo lãnh nếu có phát sinh.
Thứ tư, trong quá trình hoạt động, việc thu phí bảo lãnh phải được công khai, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp SME khi tiếp cận quỹ. Ví dụ mức phí từ 1,5-2,5% một năm, phải có quy định mức tối đa, nhưng ở mức 2% là hợp lý.
Chi phí của quỹ theo nguyên tắc thị trường, phải trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở thu nhập từ phí bảo lãnh, để bảo đảm có thể có những món rủi ro xảy ra, sẽ bù đắp được. Nếu doanh nghiệp SME phá, sản giải thể, không còn nguồn để hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, thì sẽ được xóa bỏ. Còn nếu tiếp tục yêu cầu Chủ tịch quỹ chịu trách nhiệm bảo toàn vốn, không hình thành cơ chế trích lập dự phòng, thì sẽ không ai dám làm.
Thứ năm, trước mắt quỹ bảo lãnh không cần thiết đến 100.000 tỷ đồng, mà nên có vốn ban đầu khoảng 30.000 tỷ đồng, sau đó hằng năm sẽ tăng dần vốn điều lệ, tích lũy từ các nguồn lực do Nhà nước tính toán, như từ chênh lệch giữa thu chi, sau khi trích quỹ khen thưởng cho nhân viên hoạt động quỹ thì còn lại sẽ đưa vào vốn điều lệ luôn, để bảo đảm mở rộng khả năng bảo lãnh.
Toàn bộ phí dịch vụ của quý bảo lãnh cũng không phải nộp thuế, không tính thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, vì đó là bảo lãnh tín dụng không thuộc dịch vụ nên không phải hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Bộ Tài chính.
Thứ sáu, về nguồn lực cho quỹ, Nhà nước sẽ phải nghiên cứu các nguồn lực tài chính từ các quỹ dự trữ khác nhau, hoặc từ một phần tái cấp vốn của Ngân hàng Trung ương để hỗ trợ quỹ này ra đời, hoạt động thì mới khả thi. Tránh tình trạng hô khẩu hiệu nhưng không thực hiện.
Một điều cần nhắc lại đó là, việc xếp hạng tín nhiệm phải khẩn trương được thành lập, triển khai. Trong chiến lược tài chính quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có năm công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tuy nhiên đến nay hoạt động mới có 01 đơn vị nhưng cũng chưa hiệu quả. Rất cần sự xắn tay tham gia của các Hiệp hội vào hoạt động này, Hiệp hội phải thể hiện được vai trò, sứ mạng của mình trong việc hỗ trợ thành viên của mình một cách tốt nhất.
ThS. PHẠM XUÂN HOÈ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|