Kích thích tín dụng cần những giải pháp đột phá
Song song với việc kiểm soát dòng vốn tín dụng, nỗ lực thúc đẩy giảm lãi suất cho vay, Chính phủ, NHNN nên có cơ chế, giải pháp giúp cung cầu vốn liên thông hơn, chứ như tình trạng hiện nay doanh nghiệp cần vốn nhưng lại khó tiếp cận, ngân hàng thừa vốn nhưng vẫn không thể nới lỏng các điều kiện cho vay.
Cho vay bất ngờ chậm lại
Số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê mới đây cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9 tăng trưởng 7.17% so với đầu năm, tuy cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2020 là 4.99%, nhưng nếu so với thời điểm tháng 8 năm nay thì đang cho thấy sự sụt giảm trở lại. Trước đó, thời điểm đầu tháng 9, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng chia sẻ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 đã đạt 7.4%. Nếu tính theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã giảm hơn 21,000 nghìn tỷ đồng trong 20 ngày đầu tháng 9.
Đây dường như là hệ quả của chính sách giãn cách xã hội chặt chẽ tại các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, khi nhu cầu vay vốn không chỉ ngày càng suy yếu vì tình hình dịch bệnh mà việc giãn cách đã khiến các hoạt động thẩm định, đăng ký tài sản bảo đảm hay ký kết hợp đồng vay mới với khách hàng cũng bị ảnh hưởng. Thực tế, các ngân hàng vừa qua cũng chỉ được phép duy trì hoạt động một số đơn vị nhất định trước các quy định về giãn cách xã hội, và phải đáp ứng được quy định làm việc 3 tại chỗ.
Trong khi đó, một số ngân hàng có lẽ cũng rơi vào tình huống sử dụng hết hạn mức cho vay nên phải chờ được nhận chính thức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quý 4. Đây cũng là điều đã từng xảy ra hồi quý 2, khi các ngân hàng hết hạn mức nên buộc phải chấp nhận cho vay chậm lại để chờ được nới thêm hạn mức, do trong năm nay NHNN đã chuyển sang giao chỉ tiêu tăng trưởng hàng quý thay vì là cả năm như những năm trước.
Dù vậy, có lẽ các ngân hàng hàng đã tích cực cho vay hơn trong giai đoạn cuối tháng 9 vừa qua để chốt số báo cáo tài chính quý 3, cũng như sẽ tăng cường phát triển tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay, nhất là sau khi chính sách giãn cách xã hội đã được nới lỏng hơn, hoạt động của nhiều doanh nghiệp được khôi phục trở lại, trong khi hoạt động của các ngân hàng cũng quay về lại tình trạng bình thường.
Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đầy rủi ro như hiện nay, chính sách phát triển tín dụng hay tái cơ cấu nợ cho khách hàng của các nhà băng có thể sẽ thận trọng hơn. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay nhiều hơn, ban hành các gói hỗ trợ lãi suất, tăng cường cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, nhưng đứng về phía các nhà băng, các lựa chọn không phải là dễ dàng.
Cần một cơ chế đột phá
Đơn cử như trường hợp với các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và cần phải có nguồn tài chính bơm thêm mới có thể phục hồi, rõ ràng nếu ngân hàng không cho vay thêm ngay vào lúc này để hỗ trợ thì khả năng doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi, nguy cơ phá sản hiển hiện. Lúc này, các khoản đã cho vay trước đây sẽ thành nợ xấu có nguy cơ mất vốn là tất yếu.
Tuy nhiên, nếu như quyết định cho vay thêm nhưng doanh nghiệp vẫn không thể phục hồi thì lại càng làm gia tăng thêm hậu quả. Nhìn vào dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua và chưa chắc chắn sẽ còn đi đến đâu, không ai có thể nói trước được điều gì. Số liệu thống kê mới đây cũng cho thấy đã có 45.1 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng qua, tăng 16.7% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng câu chuyện nguy cơ phá sản của Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc là Evergrande, mà có thể khiến hàng loạt ngân hàng cho tổ chức này vay rơi vào tình trạng thua lỗ, đang là tâm điểm sẽ càng làm tăng tâm lý e ngại rủi ro. Với những quả bom nổ chậm như thế, các tổ chức tài chính có lý do để lo ngại về một viễn cảnh không mấy tươi sáng phía trước. Mới đây, NHNN cũng đưa ra dự báo tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm nay có thể xấp xỉ 8%, cho thấy những lo ngại của nhà điều hành về nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trong giai đoạn tới.
Vì vậy, khó nhất hiện nay là phải có chính sách phù hợp để lựa chọn những doanh nghiệp nào có thể được cứu để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và sống sót được. Nhưng muốn cứu thì cũng phải có những chính sách đột phá, mạnh dạn, còn nếu sợ trách nhiệm thì rất khó làm. Thực tế hiện nay là như vậy, khi quá khứ cũng từng cho thấy các gói hỗ trợ lãi suất được đưa ra nhưng sau đó làm không đúng đã khiến nhiều người phải gánh trách nhiệm.
Vì vậy, có thể thấy dù lãi suất cho vay thời gian qua đã giảm đáng kể, nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn cho vay ra từ ngân hàng. Giới phân tích cũng đã chỉ ra rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, thiếu dự án khả thi, nếu ngân hàng cho vay sẽ rất rủi ro. Trong khi đó, theo luật Tổ chức tín dụng, các ngân hàng không được cho vay doanh nghiệp thua lỗ, còn luật Quản lý nợ công thì quy định Chính phủ không được bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp.
Thực tế không loại trừ khả năng tín dụng thời gian qua tăng lên phần lớn rót vào các lĩnh vực như nhà đất hay chứng khoán nhưng ẩn sau các mục đích vay vốn khác, hay việc các ngân hàng rót vốn đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn và cần vốn để phục hồi lại có những hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, khi mà các phương án sản xuất, phục hồi cũng không thật sự rõ ràng trong bối cảnh kinh tế đầy rủi ro như hiện nay, nên đứng về phía các ngân hàng cũng rất khó cho vay để hỗ trợ.
Do đó, song song với việc kiểm soát dòng vốn tín dụng, nỗ lực thúc đẩy giảm thêm lãi suất cho vay, Chính phủ, NHNN nên có cơ chế, giải pháp giúp cung cầu vốn liên thông hơn, chứ như tình trạng hiện nay doanh nghiệp cần vốn nhưng lại khó tiếp cận, ngân hàng thừa vốn nhưng vẫn không thể nới lỏng các điều kiện cho vay để tránh hậu họa cũng như trách nhiệm trong tương lai, vì rủi ro kinh tế hiện nay là quá lớn, hầu hết các doanh nghiệp không thể đáp ứng các điều kiện, chuẩn mực vay vốn.
Một số cơ chế cũng đã được đề xuất, như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mới đây cho rằng Chính phủ cần bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng nào đó để cho phép ngân hàng cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu vay. Hiểu đơn giản, Chính phủ có thể thực hiện đảm bảo rủi ro cho những đối tượng này, giúp ngân hàng củng cố niềm tin khi cho vay. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tận dụng các nguồn vốn tài trợ từ quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và giới phân tích gần đây cũng đề xuất ý tưởng nên sớm có một gói hỗ trợ lãi suất như năm 2009, đồng thời phải có các chính sách tạm thời nới các điều kiện tín dụng, khuyến khích cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp.
Khó nhất hiện nay là phải có chính sách phù hợp để lựa chọn những doanh nghiệp nào có thể được cứu để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và sống sót được. Nhưng muốn cứu thì cũng phải có những chính sách đột phá, mạnh dạn, còn nếu sợ trách nhiệm thì rất khó làm. Thực tế, hiện nay là như vậy, khi quá khứ cũng từng cho thấy các gói hỗ trợ lãi suất được đưa ra nhưng sau đó làm không đúng đã khiến nhiều người phải gánh trách nhiệm.
|
Phan Thụy
FILI
|