Nhiều mỏ than tại Trung Quốc đóng cửa, giá than lại tăng mạnh
Mưa nặng hạt cùng với tình trạng lũ lụt đã khiến 9 mỏ khai thác than phải tạm ngừng hoạt động. Điều này đã đẩy giá than lên mức kỷ lục và làm rối loạn nỗ lực tăng nguồn cung năng lượng của Bắc Kinh.
Tại tỉnh Sơn Tây – khu vực cung ứng 30% lượng than cho Trung Quốc trong năm nay, tình trạng lũ lụt đã khiến 60 trong số 682 mỏ than đá phải tạm ngưng hoạt động, qua đó càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc ngày càng tệ hơn. Hợp đồng tương lai than nhiệt (thermal coal) tăng lên mức kỷ lục sau khi mở phiên ngày 11/10.
Tình trạng đóng cửa một số mỏ khai thác than đang hủy hoại nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng sản lượng than đá và đảm bảo nguồn cung điện cho mùa đông. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 08/11 cho biết sẽ cho phép tăng giá điện để thúc đẩy sản xuất giữa lúc chi phí gia tăng.
Hội đồng cũng cho biết sẽ dần dần cho phép giao dịch lượng điện năng sản xuất từ than đá trên thị trường, thay vì phải chịu giá quy định sẵn. Đồng thời, Trung Quốc cho phép các công ty nâng công suất khai thác than. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty khai khoáng nâng nguồn cung than đá bằng mọi giá, đồng thời cho phép họ hoạt động toàn công suất ngay cả khi đã đạt hạn ngạch hàng năm.
Thậm chí với nỗ lực đó, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt cung khoảng 30-40 triệu tấn than trong quý 4/2021, các chuyên viên phân tích tại Citic Securities cho biết trong báo cáo ngày 08/10. Tình trạng thiếu hụt than có thể kéo giảm lượng điện năng tiêu thụ trong các ngành công nghiệp khoảng 10-15% trong tháng 11-12/2021. Điều này có thể khiến hoạt động trong các lĩnh vực tiêu thụ điện năng nhiều nhất, như thép, nhôm, hóa chất và xi măng, phải giảm 30% công suất, theo UBS Group AG.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết giá điện sẽ được phép tăng tối đa 20% so với giá tham chiếu. Trước đó, họ áp mức tăng tối đa là 10%. Các chyên viên phân tích ước tính việc nâng giới hạn tăng giá điện sẽ khiến lạm phát tổng thể tăng 0.91%.
Hợp đồng tương lai than tại sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu tăng tới 12% trong ngày 11/10, lên mức 1,408.2 Nhân dân tệ/tấn (218.54 USD), một kỷ lục mới.
Khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc gây tác động ra toàn cầu
Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, gây thiệt hại cho tất cả các bên, từ tập đoàn Toyota đến người nuôi cừu Australia hay sản xuất hộp các-tông.
Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới không chỉ gây ảnh hưởng riêng đến tăng trưởng của chính đất nước này. Tác động trực tiếp của nó đến chuỗi cung ứng có thể làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn để vượt lên cú sốc đại dịch COVID-19.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện diễn ra ngay khi ngành công nghiệp vận tải biển đang phải đối mặt với việc các nguồn cung cấp trì hoãn giao hàng quần áo và đồ chơi cho những ngày lễ cuối năm. Tình trạng này cũng diễn ra ngay khi Trung Quốc bắt đầu mùa thu hoạch, làm dấy lên lo ngại nông sản sẽ đội giá.
“Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp diễn, chúng có thể trở thành một nhân tố gây rắc rối cho nguồn cung toàn cầu, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu”, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, cho biết.
Chuyên gia kinh tế Craig Botham, Giám đốc kinh tế Trung Quốc của tổ chức tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận xét điều này giống như một cú sốc lạm phát đình trệ đối với ngành sản xuất, không chỉ với Trung Quốc mà còn với thế giới. "Việc tăng giá hiện nay xảy ra trên diện khá rộng - hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Botham nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|