Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới e dè trước đà tăng của lạm phát
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích khẩn cấp đã đưa ra trong đại dịch Covid-19.
Giữa lúc lạm phát tăng nhanh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải siết chương trình mua tài sản, trong khi các ngân hàng trung ương tại Na Uy, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và New Zealand đều tăng lãi suất.
Dự báo của Bloomberg về khả năng thay đổi lãi suất của các nước trong năm 2022. Nguồn: Bloomberg
|
Đằng sau xu hướng chuyển dịch này là nỗi e dè trước đà tăng của lạm phát. Họ cho rằng lạm phát sẽ không sớm biến mất trong bối cảnh căng thẳng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng cao, nhu cầu tăng sau phong toả và tình trạng thiếu lao động.
Điều khiến các lãnh đạo NHTW đau đầu là tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu bị chững lại và một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo về môi trường lạm phát đình đốn.
Tình trạng này đặt các lãnh đạo ngân hàng trung ương vào thế khó khi phải quyết định xem rủi ro nào cần được ưu tiên. Việc kìm chế lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ có thể làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế và có thể đẩy giá cả leo thang.
Tại thời điểm này, cảm giác của nhiều chuyên gia là lạm phát có thể đeo bám trong khoảng thời gian dài hơn. Huw Pill, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết vào tuần trước, "cán cân rủi ro đang nghiêng về lo ngại lạm phát kéo dài hơn so với dự đoán ban đầu".
Tại Mỹ, NHTW cũng lên tiếng siết chương trình mua tài sản. Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng ngay sau tháng 11. Bên cạnh việc siết chương trình mua tài sản, ông Powell cũng ra sức thuyết phục người dân Mỹ rằng Fed sẽ để mắt tới lạm phát nhiều hơn.
Ông cố gắng truyền tải thông điệp đó mà không mang lại cho người ta cảm giác Fed sắp nâng lãi suất trở lại. Tuy vậy, tại cuộc họp tháng trước, các quan chức Fed tỏ ra bất đồng về thời điểm nâng lãi suất trong năm 2022.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra lo ngại hoặc muốn thay đổi xu hướng chính sách. Các quan chức tại NHTW châu Âu và NHTW Nhật Bản nằm trong nhóm muốn tiếp tục duy trì kích thích kinh tế quyết liệt. IMF cũng dự báo lạm phát sẽ sớm trở về ngưỡng 2% ở các nước phát triển (ít nhất là thế).
Tom Orlik, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho hay: “Nói lạm phát đình đốn thì hơi quá. Dù vậy, các cú sốc nguồn cung sẽ nâng giá hàng hóa và giảm sản lượng tại các quốc gia. Điều này sẽ đẩy các nhà hoạch định chính sách vào thế khó”.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị công bố những thông tin cập nhật về chính sách trong tháng 12/2021. Các chuyên gia dự báo tình trạng tắc nghẽn cung ứng và hàng loạt yếu tố khác có thể khiến lạm phát tăng vượt mục tiêu 2% của ECB.
Tại Trung Quốc, NHTW đã hạn chế dần việc mở rộng tín dụng để kiểm soát rủi ro tài chính trong năm nay khi kinh tế hồi phục mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy yếu trong nửa cuối năm, khiến các nhà chức trách phải thực hiện một sự thay đổi bất ngờ trong tháng 7 bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại - một phần để giúp các ngân hàng có nhu cầu thanh khoản, đồng thời thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi giá hàng hóa tăng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|