Đà tăng của USD sẽ chững lại giúp doanh nghiệp vay ngoại tệ hưởng lợi
Sự phục hồi của USD trong nước còn đến từ xu hướng mạnh trở lại của đồng USD trên thị trường quốc tế. Dù vậy, với thị trường lao động chưa đạt được mức độ toàn dụng, không loại trừ khả năng Fed có thể sẽ tìm cách hoãn lại thời điểm thắt chặt. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đủ điều kiện vay USD có thể tiếp tục hưởng lợi, khi vừa được hưởng lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn rất nhiều so với tiền đồng.
USD trong nước phục hồi nhẹ
Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã mua thành công 150 triệu USD từ 30 ngân hàng thương mại. Lượng ngoại tệ này sẽ được sử dụng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước. Được biết việc chào mua ngoại tệ giao ngay là một trong những nghiệp vụ mới được KBNN áp dụng dựa trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính chủ động mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ của ngân sách nhà nước. Khả năng cơ quan này sẽ còn tiếp tục đấu thầu để mua vào trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá USD trong nước thời gian qua đi xuống, nhưng các NHTM vẫn chấp nhận bán ngoại tệ lại cho cơ quan quản lý ở mức giá thấp như hiện nay, phản ánh những kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ khó có thể sớm đi lên mạnh trở lại trong giai đoạn tới. Báo cáo của CTCK VCBS mới đây dự báo VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm 2021. Trước đó vào giữa tháng 9, HSBC cũng đưa ra dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm tiếp, cuối năm chỉ còn 22,525 đồng/USD.
Tuy nhiên, tính đến ngày 11/10, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đã tăng trở lại 8 đồng so với tháng trước, tiếp nối mức tăng 32 đồng trong tháng 9, lên mức 23,170, theo đó cũng đang ghi nhận mức tăng 39 đồng so với đầu năm. Giá USD tự do cũng bám sát diễn biến của tỷ giá trung tâm khi bật tăng trở lại, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng dường như đang gần với mức dự báo của HSBC hơn, hiện xoay quanh vùng 22,660 ở giá mua vào.
Cung ngoại tệ cải thiện
Đáng lưu ý là đà phục hồi của USD trong nước diễn ra giữa lúc nguồn cung ngoại tệ có dấu hiệu cải thiện hơn trong tháng 9, với cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 xuất siêu trở lại 0.5 tỷ USD, giúp con số nhập siêu 9 tháng đầu năm giảm xuống chỉ còn 2.13 tỷ USD. Đây là diễn biến khá bất ngờ, vì về cơ bản tỷ giá thường chỉ chịu áp lực khi cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng cầu ngoại tệ trong thời gian qua cũng suy giảm đáng kể, khi dịch bệnh đã khiến các hoạt động du học, chữa bệnh, du lịch nước ngoài sụt giảm mạnh trong gần 1 năm rưỡi qua. Giai đoạn trước đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động này khá lớn, nhưng kể từ khi các chuyến bay quốc tế tạm dừng, chính sách đi lại bị thắt chặt, rõ ràng các hoạt động trên gần như không còn phát sinh. |
Ở hoạt động đầu tư, nếu như thời điểm tháng 8 còn đang ghi nhận tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang giảm 2.1% so với cùng kỳ năm trước, thì đến tháng 9 đã chuyển sang mức tăng trưởng 4.4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 9 tháng vẫn đang giảm 3.5% so cùng kỳ, trước ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế.
Dù vậy, nhìn chung tổng thể 9 tháng đầu năm nay, bất chấp nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động thương mại và đầu tư có suy giảm so với cùng kỳ năm trước, tiền đồng vẫn không bị mất giá quá mạnh so với USD, thậm chí có những thời điểm còn tăng giá, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ đạt được một thỏa thuận tiền tệ vào trung tuần tháng 7.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng cầu ngoại tệ trong thời gian qua cũng chứng kiến xu hướng suy giảm đáng kể, khi dịch bệnh đã khiến các hoạt động du học, chữa bệnh, du lịch nước ngoài sụt giảm mạnh trong gần 1 năm rưỡi qua. Giai đoạn trước đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động này khá lớn, nhưng kể từ khi các chuyến bay quốc tế tạm dừng, chính sách đi lại bị thắt chặt, rõ ràng các hoạt động trên gần như không còn phát sinh.
Doanh nghiệp vay ngoại tệ hưởng lợi
Sự phục hồi của USD trong nước còn đến từ xu hướng mạnh trở lại của đồng USD trên thị trường quốc tế, với chỉ số USD Index đã tăng hơn 2.5% tính từ đầu tháng 9 đến nay, hiện đã vượt mốc 94 điểm và đang năm tại vùng cao nhất trong vòng 1 năm qua, trước những kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ sớm thắt chặt chính sách trở lại, mà khởi đầu là động thái thu hẹp chương trình mua tài sản ngay từ cuối năm nay.
Chuỗi tăng của USD Index kéo dài từ đầu tháng 9 liệu có tiếp tục?
|
Nhưng với thị trường lao động chưa đạt được mức độ toàn dụng, không loại trừ khả năng Fed có thể sẽ tìm cách hoãn lại thời điểm thắt chặt. Dữ liệu việc làm tại Mỹ công bố cuối tuần qua cho thấy chỉ có 194 nghìn việc làm mới được tạo ra, thấp hơn rất nhiều so với dự báo là 490 nghìn và con số của tháng trước là 366 nghìn. Đáng lưu ý là làn sóng lao động nghỉ việc tại Mỹ tiếp tục gia tăng dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại.
Với việc Fed sẽ chậm lại trong quá trình thắt chặt chính sách cộng thêm khủng hoảng trần nợ công của Mỹ trở thành tâm điểm gần đây, đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian còn lại của năm nay. Thực tế là một số ngân hàng trung ương (NHTW) lớn khác như New Zealand hay Na Uy cũng đã hoãn việc tăng lãi suất điều hành do biến thể Delta lan rộng làm trì hoãn đà hồi phục của nền kinh tế.
Điều này cũng đồng nghĩa với đà phục hồi của đồng USD ở thị trường trong nước có thể sẽ chững lại và tiền đồng có thể quay lại xu hướng tăng giá so với USD. Cũng cần lưu ý dù quý 4 này thường là giai đoạn cao điểm vay vốn ngoại tệ để phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, nhưng với nền kinh tế và thương mại vẫn trì trệ, đối tượng vay lại có chọn lọc và kiểm soát, cầu vay tín dụng ngoại tệ là không lớn như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền từ một số dự án lớn như LG Display đầu tư thêm 1.4 tỷ USD vào nhà máy sản xuất tại Hải Phòng hay hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của FE Credit hay SHB Finance, từ đó sẽ giúp tỷ giá duy trì ở mức thấp.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp đủ điều kiện vay USD có thể tiếp tục hưởng lợi, khi vừa được hưởng lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn rất nhiều so với tiền đồng, lại vừa hạn chế được rủi ro tỷ giá – nỗi ám ảnh thường trực trong những năm trước đây vì thường gây ra thiệt hại về tỷ giá rất lớn cho các doanh nghiệp.
Nhung Võ
FILI
|