Dịch vụ
Điểm danh một số ngân hàng Việt tiên phong áp dụng chuẩn mực quốc tế
Trong thời đại hội nhập với thế giới, việc áp dụng các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế là điều không thể thiếu nhằm đảm bảo các ngân hàng tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực cao nhất trong quản trị, vận hành và kinh doanh. Hiện nay, một trong những chuẩn mực quan trọng mà nhiều ngân hàng đã và đang hướng tới áp dụng chính là Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và Basel III.
Áp dụng IFRS 9 và Basel III giúp Ngân hàng Việt gia tăng giá trị cho cổ đông và tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài
Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Tài chính, hạn chót là sau năm 2025, tối thiểu tất cả các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn và một số loại hình doanh nghiệp khác theo quy định phải áp dụng Chuẩn mực IFRS. Dù chưa đến thời điểm áp dụng theo quy định, nhưng nhiều ngân hàng Việt đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị triển khai các chuẩn mực IFRS, đặc biệt chuẩn mực IFRS 9 để giúp cải thiện phương thức báo cáo quản trị, quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tổ chức kiểm toán quốc tế PwC, IFRS 9 được thiết kế để giải quyết điểm yếu của các chuẩn mực trước đây khi tổn thất tài chính thường được phát hiện và ghi nhận muộn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. IFRS 9 khắc phục điều này bằng cách đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (Expected Credit Loss-ECL), theo đó các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, ngược với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, chuẩn mực này sẽ giúp phản ánh hợp lý giá trị của ngân hàng, mở ra cơ hội cho các ngân hàng gia tăng mức độ tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế.
Basel III là phiên bản mới của tiêu chuẩn hoạt động ngân hàng toàn cầu, được ban hành vào năm 2010, ngay sau khi xảy ra sự kiện khủng hoảng tài chính 2008-2009 và được các tổ chức quốc tế khuyến nghị nên áp dụng từ ngày 01/01/2023. Được xây dựng dựa trên nền tảng của Basel I và Basel II, Basel III giúp cải thiện năng lực của ngành ngân hàng để đối phó với tình huống rủi ro về tài chính, kinh tế và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Trọng tâm của Basel III là thúc đẩy khả năng phục hồi cao hơn để giảm nguy cơ các cú sốc trên toàn hệ thống thị trường tài chính và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai.
Đây là những lợi ích trực tiếp gia tăng giá trị cho cổ đông và thu hút mạnh mẽ dòng vốn từ nước ngoài cho các ngân hàng áp dụng thành công các chuẩn mực này.
Các ngân hàng Việt tiên phong áp dụng IFRS 9 và Basel III
Không thể chối cãi các lợi ích to lớn đem lại từ việc áp dụng IFRS 9 và Basel III, tuy vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế này có thể không dễ dàng với đại bộ phận các ngân hàng. Tại Việt Nam, có thể thấy một số ít ngân hàng đã triển khai và áp dụng thành công một hoặc cả hai tiêu chuẩn này, hoặc đang trong quá trình để áp dụng.
Về việc áp dụng Basel, VIB và VCB là 2 ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. VIB cũng là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn tất 3 trụ cột Basel II vào tháng 11/2019, kế đến là các ngân hàng như VCB, VPBank, TPBank và MSB. Tiếp theo, VIB đã triển khai áp dụng các chỉ số quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III từ 2020. Một ngân hàng khác là TPBank cũng vừa công bố hoàn thành các yêu cầu của Basel III vào cuối tháng 9 năm nay.
Về IFRS 9, VIB và Techcombank là hai ngân hàng đã tiên phong hoàn thành báo cáo tài chính năm 2020 theo chuẩn mực này trong nửa đầu năm 2021. TPBank cũng công bố hoàn thành các yêu cầu IFRS 9 vào cuối tháng 9 vừa qua. Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đang triển khai dự án, như VCB đã khởi động dự án triển khai IFRS 9 từ cuối 2020 và kỳ vọng hoàn thành trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai nhanh, sớm và thuận lợi các chuẩn mực quốc tế, VIB cho biết lý do nhà băng này thường chủ động áp dụng các chuẩn mực quốc tế khá sớm so với thị trường một phần vì đó là chiến lược phát triển bền vững và dài hạn của VIB. Mặt khác hệ thống dữ liệu của VIB đã được quản trị theo chuẩn mực quốc tế từ nhiều năm trước nên việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế khắt khe hơn không còn là thử thách với ngân hàng này. Do vậy, các dự án như IFRS, VIB đã có thể hoàn thành trong vòng 6 tháng - thời gian ngắn chỉ bằng một nửa hoặc một phần tư so với thời lượng từ một đến hai năm trung bình của ngành.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết ngân hàng đã có được nhiều lợi ích lớn cho việc tiên phong áp dụng sớm và đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu: “Việc áp dụng IFRS 9 hay Basel II và III giúp ngân hàng thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá lại giá trị của tài sản tài chính, giúp khoản vay được đánh giá kỹ lưỡng hơn đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ minh bạch trong công tác quản trị. Với VIB, áp dụng chuẩn mực IFRS cũng giúp ngân hàng gia tăng lợi ích cho cổ đông khi vốn chủ sở hữu của chúng tôi được đánh giá tăng hơn 1,000 tỷ đồng so với khi áp dụng chuẩn mực VAS. Các chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung phát triển bền vững và bản chất hơn, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cổ đông“.
Việc triển khai và áp dụng sớm các chuẩn mực quốc tế chắc chắn sẽ giúp các ngân hàng đi trước nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị và cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể nhanh chóng gia tăng sự tiếp cận với thị trường vốn quốc tế để thu hút những nguồn vốn cạnh trạnh và bền vững, đảm bảo tập trung nguồn lực cho hoạt động của mình. Với tổng số 31 ngân hàng TMCP trên toàn thị trường, các điểm sáng như VIB, VCB, TCB… cần được nhân rộng nhiều hơn để tăng cường sự lành mạnh, an toàn, và tối ưu trong hoạt động tài chính và kinh tế, đồng thời giúp gia tăng giá trị cho các cổ đông trong dài hạn, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động của nền kinh tế.
FILI
|