Thứ Hai, 11/10/2021 13:50

'Tiền di động' - Mobile Money vẫn chờ ngày ra mắt

Nhà mạng viễn thông đã sẵn sàng, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định thí điểm, sau nhiều năm chờ đợi, “tiền di động” Mobile Money đang đứng trước cơ hội để được chính thức khai sinh.

Đi chợ không phải mang tiền mặt

Đi chợ mua rau, mua cá không phải mang tiền mặt, chuyển tiền cho bố mẹ ở quê không phải ra ngân hàng... là một vài trong số rất nhiều tiện ích mà dịch vụ tiền di động Mobile Money hướng tới. Từng nhận được nhiều kỳ vọng, song dịch vụ này tới nay vẫn chưa thể ra mắt, do trải qua thời gian chờ đợi cấp phép kéo dài nhiều năm.

Được cấp phê duyệt triển khai thí điểm từ tháng 3.2021, sau hơn nửa năm, Mobile vẫn đang chờ đợi ngày ra mắt chính thức. Ngọc Thắng

Cuối tháng 9, tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết để thanh toán điện tử được phủ toàn dân, thì Mobile Money là giải pháp tốt nhất. Hiện, những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để trong tháng 10, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

Theo thống kê, 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt các tháng đầu năm có tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các kênh, như internet tăng 65,9%; điện thoại di động tăng 86,3%; QR code tăng 95,7%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dư địa thị trường còn nhiều.

Theo ông Đoàn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media, sau đại dịch, nhu cầu thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt càng trở nên cấp thiết. Các điều kiện chuẩn bị để ra mắt chính thức Mobile Money đã sẵn sàng về công nghệ, mạng lưới, mạng lõi, các tiêu chuẩn xác thực eKYC. VNPT và các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone cũng đã có giấy phép trung gian thanh toán và có một giai đoạn chuẩn bị về quy trình, con người.

“Về thử nghiệm, VNPT đã thử nghiệm Mobile Money trên chính hệ thống nhân viên với khoảng 40.000 người và rất thành công. Bất kỳ khi nào Chính phủ ký giấy phép, chúng tôi sẽ cung cấp được ngay dịch vụ cho người dùng”, ông Hải nói.

Trước đó, nhiều ý kiến dự báo Mobile Money sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng, ông Hải cho rằng, Mobile Money sẽ là cánh tay nối dài cho chính hệ thống ngân hàng. Tại nhiều nước, Mobile Money cung cấp dịch vụ cho những khách hàng không có tài khoản ngân hàng, ở vùng sâu vùng xa. Song, với điều kiện Việt Nam hiện nay, Mobile Money sẽ là công cụ bổ trợ cho hệ thống ngân hàng như mobile banking. Ngoài những khách hàng truyền thống như vùng sâu, vùng xa, không có tài khoản ngân hàng, thì những khách hàng đã có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng Mobile Money.

“Nói cách khác, tệp khách hàng của Mobile Money rất rộng, với hạn mức thanh toán 10 triệu đồng/tháng cho các dịch vụ nhỏ mà không cần thông qua mobile banking, sẽ thích hợp với tất cả mọi người. Ví dụ, chính VNPT có lượng khách hàng rất lớn sử dụng các phần mềm, giải pháp như VnEdu (giáo dục), hệ thống bệnh viện VNPT HIS... Khi Mobile Money ra mắt, người dân có thể sử dụng để thanh toán hoặc kết hợp với các phương tiện thanh toán khác”, ông Hải nói.

Đề xuất liên thông giữa các nhà mạng

Trước đó, tương tự VNPT, nhà mạng Viettel, MobiFone cũng khẳng định đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, bảo mật để ra mắt dịch vụ tiền di động.

“Mong muốn của VNPT là được cấp phép để chính thức triển khai Mobile Money ra thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh dự thảo chính sách kinh doanh liên quan tới triển khai dịch vụ, như nới thêm hạn mức giao dịch cho khách hàng (hiện quy định 10 triệu đồng/tháng/khách hàng), mở rộng tiêu chí lựa chọn các điểm kinh doanh”, ông Hải nói.

Một yếu tố nữa khiến nhiều người lo ngại khó thuận tiện sử dụng dịch vụ là quy định người dân dùng dịch vụ nhà mạng nào chỉ dùng được Mobile Money của nhà mạng đó. Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, cần ban hành chính sách, cơ chế hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money để người dùng có thể liên thông giữa các nhà mạng khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng.

Tại hội thảo trực tuyến Future Banking 2021 do IDG tổ chức mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng hiện mới chỉ có khoảng 60% người dân có tài khoản ngân hàng, nên với 40% người dân còn lại chưa có tài khoản. Đa số người dân Việt Nam vẫn còn thói quen dùng tiền mặt, khoảng 80% dân số Việt Nam vẫn dùng tiền mặt như đi chợ, đổ xăng, mua đồ ăn...

Theo ông Hiếu, để khỏa lấp khoảng trống đó, tiền di động sẽ thúc đẩy thanh khoán không dùng tiền mặt, hướng đến 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa, không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể dùng điện thoại để thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưy ý khi Mobile Money được triển khai, cần kiểm soát các chức năng của Mobile Money, trong đó số tiền người dân gửi vào Mobile Money sẽ chỉ được dùng cho thanh toán, nhà mạng cũng không được triển khai các sản phẩm như cấp tín dụng, cho vay... tránh rủi ro.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày 9.3.2021 và sẽ được thực hiện trong 2 năm, kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Mai Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Cấp bách cấp bù lãi suất (11/10/2021)

>   Phản ứng chính sách tài khóa tiền tệ đối với các rủi ro mới của kinh tế toàn cầu (11/10/2021)

>   Sacombank đạt giải thưởng môi trường làm việc tốt nhất châu Á năm 2021 (11/10/2021)

>   Gánh nặng nợ xấu có ảnh hưởng lên khả năng phục hồi kinh tế? (10/10/2021)

>   Điểm danh một số ngân hàng Việt tiên phong áp dụng chuẩn mực quốc tế (11/10/2021)

>   Ngàn deal ưu đãi - Triệu lời yêu thương với Sacombank  (09/10/2021)

>   Phó TGĐ Dương Xuân Quang: Ngân hàng số là chiến lược trọng tâm của PVcomBank (11/10/2021)

>   Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm nhẹ (11/10/2021)

>   Cổ đông HDBank đã nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% (08/10/2021)

>   Giá USD ‘treo cao’ (08/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật