Lãi vay có thể xuống dưới 4% được không?
Các doanh nghiệp mong lãi vay giảm dưới 4% thì họ còn có thể “chiến đấu” được nhưng đa số các nhà băng lại lắc đầu. Để tháo nút thắt này, cả 2 phía đều đang trông chờ vào gói hỗ trợ từ phía nhà nước.
Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm xuống 4 - 5%/năm
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực TP.HCM, cho biết từ đầu dịch đến nay, một vài doanh nghiệp (DN) trong hội được giảm lãi suất vay 1%/năm, mức này không có ý nghĩa gì so với tình trạng khó khăn hiện nay. “Họ mong muốn ít nhất giảm thêm khoảng 2%/năm nữa mới có thể sống còn để “chiến đấu”. Nhưng để có được điều này, cần có một chính sách từ phía nhà nước chứ ngân hàng thương mại (NHTM) về bản chất cũng là một DN nên chắc chắn chẳng tội gì họ phải giảm sâu về mức này”, bà Lý Kim Chi nói và nhấn mạnh, giảm lãi vay cho DN về mức 4%/năm tính cả gói vay cũ và mới thì DN mới có thể sản xuất kinh doanh được, trên mức này thì rất khó.
Doanh nghiệp mong chờ giảm lãi suất. Ngọc Thắng
|
“NH muốn tiếp sức DN thì ngay thời điểm này phải nói rõ giảm 2% hay 3% chứ cứ “để nghiên cứu và giảm lãi suất” thì không có mức giảm chung, nên nhiều NH giảm không đáng kể. Vừa rồi, những nhà băng giảm lãi nhiều nhất cũng thuộc các NH có vốn nhà nước chi phối nhưng mức giảm lãi suất vay chung cũng khoảng 1%/năm”, bà Chi nói thêm.
Thực tế, việc giảm lãi vay công bố khá nhiều nhưng các khoản vay cũ lãi cao vẫn nhiều. Để giảm bớt gánh nặng này, nhiều DN phải tìm mọi cách trả nợ cũ rồi vay lại khoản mới với lãi suất thấp hơn.
Bà Ánh Tuyết, chủ một DN dệt may có trụ sở tại Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết cũng vừa xoay xở đủ kiểu để trả xong hợp đồng vay cũ hơn 50 tỉ đồng với lãi suất vay 10,5%/năm để chuyển sang vay NH khác với mức lãi suất ưu đãi 8%/năm. “Phải nỗ lực xoay chuyển vốn rẻ để cầm cự qua đợt khó khăn này nhưng lãi vay 8% vẫn là quá cao so với sức chịu đựng của DN. Chỉ mong NH giảm bớt để DN còn thở được, còn tính phương án làm ăn”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM, tỷ lệ DN chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm gần 40%; từ 1 tháng đến dưới 3 tháng đều quanh mức 46%. Thế nhưng, các chính sách hỗ trợ vẫn rất khiêm tốn. Đơn cử, Thông tư 14 của NH Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chỉ cho gia hạn những khoản giải ngân trước ngày 1.8.2021. Bà Lý Kim Chi nhận xét quy định này là “chưa phù hợp và bỏ sót đối tượng”. Một số DN làm các mặt hàng như trứng, gạo… chỉ được vay 4 tháng nên những hợp đồng ngắn hạn giải ngân sau ngày 1.8 không được gia hạn như Thông tư 14 quy định đến 30.6.2022.
“Thay vì cho cơ cấu nợ vay trước ngày 1.8, cần cho thực hiện những hợp đồng trước 30.12.2021 vì dịch vẫn còn tác động đến DN. Ngoài ra, các DN chuẩn bị vào mùa hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm, cần dự trữ hàng hóa nhưng vốn bị suy kiệt. Những khoản vay mới, nên cho cấp thêm tín dụng từ những tài sản đã thế chấp NH được đánh giá lại, chứ yêu cầu DN đưa thêm tài sản vào thì DN cũng bó tay. Bên cạnh đó, NH cần tiếp tục cho vay bổ sung nguồn vốn mới đối với những DN đang làm ăn tốt, không có nợ xấu hay đọng nợ tại NH”, bà Chi phân tích.
Ngân hàng hết dư địa giảm lãi vay?
Tính từ giữa tháng 7 đến nay, 16 ngân hàng đã giảm khoảng 10.000 tỉ đồng tiền lãi cho khách hàng trong số hơn 20.600 tỉ đồng.
|
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH, các NH đều muốn giảm lãi suất vay hỗ trợ khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng dư địa giảm lãi suất vay hiện nay là khó. Muốn giảm lãi vay thì phải giảm lãi suất huy động, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang giảm nên việc giảm lãi suất gặp khó khăn.
“Lãi suất huy động khoảng 4,5 - 4,8%/năm kỳ hạn 6 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng toàn trên 5%/năm, nên cộng với chi phí khoảng 2% thì lãi vay cũng phải khoảng 6 - 8%/năm. Đó là chưa kể tỷ lệ sử dụng vốn huy động cho vay bị khống chế tùy theo NH, quanh mức 80% nên dư địa giảm ở thời điểm hiện tại là khó”, ông Hùng lý giải và phân tích thêm, khi Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu vốn sẽ rất lớn bởi DN sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Thế nên trước mắt, họ rút vốn đã gửi thời gian qua cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các cá nhân cũng rút tiền đầu tư lĩnh vực khác… Nguồn tiền sụt giảm, NH muốn đáp ứng đủ vốn cho DN phải tăng lãi suất huy động. Thế nên để có được mức lãi suất vay 7% hiện nay đã là khó.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận mức lãi suất này chưa đạt được sự kỳ vọng của DN. Chính vì vậy mà Chính phủ vừa qua mới đặt vấn đề về gói hỗ trợ lãi suất cho một số đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.
“Nếu không có gói hỗ trợ lãi suất thì NH hiện khó có thể giảm lãi suất được nữa”, ông Hùng nói và cho biết thêm, tình thế hiện nay vừa khó cho NH vừa khó cho cả DN. NH muốn cho vay nhưng không thể hạ chuẩn được. DN do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có những khoản nợ dưới chuẩn tạm thời được xếp ở nhóm 1. Muốn vay mới sẽ bị NH xem xét rất kỹ các yếu tố. “Thế nên cả NH và DN đều chờ gói hỗ trợ lãi suất từ nhà nước để có thể tháo được “nút thắt” này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thanh Xuân
Thanh niên
|