Người dân nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ như thế nào
Tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân người lao động đăng ký với doanh nghiệp. Nếu đã nghỉ làm, người dân đăng ký nhận hỗ trợ ở địa phương.
Sáng 28/9, ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, thông tin về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vừa được Chính phủ ban hành. Theo Nghị quyết, mức hỗ trợ dao động từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng, phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Tiền hỗ trợ chuyển thẳng vào tài khoản
Theo ông Sơn, sau khi có chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ liên quan, BHXH Việt Nam đã dự kiến quy trình, thủ tục để triển khai gói hỗ trợ, trên tinh thần hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.
Cụ thể, 38.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.
Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu bảo hiểm của đơn vị sử dụng lao động, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, BHXH sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.
Tổng số tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động là 8.000 tỷ đồng.
Tiền hỗ trợ trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của người lao động. Ảnh: Nam Khánh.
|
Đối với gần 13 triệu người lao động thụ hưởng chính sách từ 30.000 tỷ còn lại, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời xác định thời gian tham gia.
Tất cả thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam.
Về hình thức chi trả, ông Sơn cho biết đối với người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, cơ quan BHXH sẽ chi trả qua tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động.
Theo đó, người dân đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần phối hợp để cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân của mình để doanh nghiệp bổ sung vào danh sách gửi cơ quan BHXH. Với những thông tin cá nhân như số CMND/CCCD và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ in sẵn để doanh nghiệp và người lao động đối soát.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho người lao động qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người dân, vừa đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, tránh tiếp xúc trực tiếp", lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.
Ông cũng cho biết trường hợp người lao động không thể mở được tài khoản ngân hàng cá nhân, cơ quan BHXH sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống ngân hàng để nhận hỗ trợ nhanh và chính xác.
Lao động ngừng việc nhận hỗ trợ ra sao?
Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9 và đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc không còn ở doanh nghiệp, cơ quan BHXH của tỉnh, huyện, thành phố nơi cư trú sẽ tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Ông Sơn cho biết phía BHXH Việt Nam đã sẵn sàng hệ thống dữ liệu cùng nguồn kinh phí để triển khai, nhưng có khó khăn nhất định là khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tản mạn về các địa phương.
Vì vậy, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền địa phương để phổ biến cho người lao động chủ động đến cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện là rất quan trọng. Đây là nhân tố quyết định việc có hoàn thành triển khai gói hỗ trợ đúng tiến độ hay không.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trừ đi khoảng 2 triệu người làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... không được quy định nhận hỗ trợ, gần 13 triệu lao động và 38.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lần này.
Ngày 25/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền sử dụng là 30.000 tỷ đồng cho người lao động và 8.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể:
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: 1,8 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: 2,1 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: 2,4 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: 2,65 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: 2,9 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: 3,3 triệu đồng/người.
Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.
|
Mỹ Hà
ZING
|