Thứ Ba, 28/09/2021 09:09

Khôi phục sản xuất, giữ chân FDI

Mở lại các hoạt động giao thương kinh tế, từng bước phục hồi sản xuất sau thời gian dài tạm ngừng do dịch Covid-19 tái bùng phát, là cách duy nhất để giữ chân các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) lúc này.

Công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI.

FDI chững lại

Trong những tháng đầu năm 2021, trước đợt bùng phát khốc liệt của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, việc thu hút vốn FDI ở Việt Nam đã có sự chững lại. Sau khi có sự tăng chậm trong 7 tháng, sang tháng 8 việc thu hút vốn FDI đã có sự cải thiện đáng kể.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại Việt Nam tính đến 20-8 đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9%, giảm 2% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt gần 11,33 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2020 với, 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 36,8%).

Vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD (tăng 2,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, NĐTNN đã góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp 2.720 lượt (giảm 43,4%), tổng giá trị 2,81 tỷ USD (giảm 43,4% so với cùng kỳ).

Xét về lĩnh vực đầu tư, khối ngoại đầu tư vào 18 lĩnh vực, ngành  nghề. Trong đó khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với vốn đầu tư 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn.

Theo sau lần lượt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, bán buôn, bán lẻ với vốn đăng ký trên 734 triệu USD.

Nguyên nhân đầu tiên làm lượng thu hút FDI giảm nhẹ trong 8 tháng năm 2021 do sự bùng phát của chủng virus Delta trên toàn cầu và ở Việt Nam gây lo ngại cho NĐT, đã làm lượng vốn FDI trên toàn cầu giảm mạnh. Trước sự nguy hiểm của chủng virus mới, Việt Nam và nhiều quốc gia đã duy trì các biện pháp hạn chế đối với việc đi lại qua biên giới của nhau.

Các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác bị tạm dừng, hoặc thủ tục cũng rất phức tạp khi nhập cảnh, cũng phần nào hạn chế NĐT trong việc tiếp cận, khảo sát thị trường, đưa ra các quyết định đầu tư.

Mặt khác, trong vài năm gần đây Việt Nam đã chuyển sang thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, năng suất cao, có khả năng liên kết với các DN trong nước. Do vậy, các dự án đầu tư FDI đã có số vốn bình quân tăng lên đáng kể so với các năm trước.

Bên cạnh đó, một số thủ tục đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện NĐT đặt ra, là rào cản làn sóng đầu tư mới khi NĐT yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu với thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh…

Cùng với đó, sự thiếu chủ động, thiếu linh hoạt và cứng nhắc trong cách tiếp cận truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt, đang làm giảm hiệu quả trong thu hút FDI của Việt Nam.

Tái khởi động các hoạt động kinh tế

Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều địa phương, đặc biệt tác động nặng nề các tỉnh phía Nam, khiến nhiều nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng DN nước ngoài về việc Việt Nam áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh.

Các DN FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng. Khi dịch bùng phát, việc thực hiện giãn cách quá lâu cần được xem là điều quan ngại có thể gây đứt gẫy chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho sản xuất và kinh doanh không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà có thể gây hậu quả trong tương lai.

FDI là nguồn vốn rất quan trọng của nền kinh tế, là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. Tìm các biện pháp để đẩy mạnh thu hút FDI là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển động tái cấu trúc và phát triển trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trước hết, phải triển khai tiêm vaccine rộng rãi trong cộng đồng tại các TP lớn, có mật độ dân cư cao, các khu công nghiệp, DN có lượng lao động tập trung đông, tốt nhất phải tiêm đủ 2 mũi và có đủ thời gian để vaccine phát huy hiệu quả. Muốn làm được điều này, cần bị nguồn lực vaccine đủ cho các đợt tiêm chủng.

Trong thời gian trước mắt có thể cho phép người dân, công nhân tiêm mũi 1 từ 3 tuần trở lên được đi lại, kinh doanh bình thường và được xét nghiệm định kỳ. Điều này sẽ giúp DN FDI sớm trở lại hoạt động, giúp các chuỗi cung ứng sớm trở lại bình thường, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển của các DN trong nền kinh tế.

Đây cũng là thời điểm Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NĐTNN trong đầu tư và thực hiện các dự án FDI.

Các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tới mức tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý và luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho NĐTNN.

Trên cơ sở phát triển công nghệ số, cần đa dạng hóa, tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo yêu cầu lựa chọn, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

GS.TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE):

Đừng can thiệp bằng chính sách cứng nhắc

Hiện tại, khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 là TPHCM và 18 tỉnh phía Nam, nơi chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI vào Việt Nam. Khi khu vực này bị ảnh hưởng, nhà đầu tư nước ngoài lo lắng là đương nhiên. Nhưng tôi cho rằng việc DN FDI có ý định rời khỏi Việt Nam hay cắt giảm các hoạt động kinh doanh sẽ không xảy ra.

So với nhiều nước trong khu vực, tình hình tại Việt Nam vẫn đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, khi đưa ra biện pháp liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN, Chính phủ và các địa phương nên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của DN để thực sự hiểu được tình hình cũng như vướng mắc họ đang gặp phải. Cơ quan chức năng không nên đưa ra các biện pháp máy móc, không thích hợp với tình hình thực tiễn, gây khó dễ cho DN, đặc biệt không làm ảnh hưởng, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng số dự án FDI mới vào Việt Nam vẫn được duy trì, không sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Yếu tố chúng ta quan tâm không phải là số lượng mà là chất lượng. Cụ thể, chúng ta cần thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, big data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển…

Muốn thay đổi được chất lượng dự án FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, cần đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

TS. VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng CIEM:

Tháo gỡ ngay những vướng mắc

Đúng là dịch Covid-19 làm sản xuất kinh doanh của DN FDI sụt giảm. Về bản chất DN FDI luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu, nên họ không thể chờ đợi được. Chúng ta vừa phải chống dịch quyết liệt, vừa phải cho họ có niềm tin để mở rộng, giữ dòng vốn. Kinh tế Việt Nam nhìn về trung và dài hạn vẫn được đánh giá khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, và trên thực tế đã chứng minh điều ấy. Việc tạm chuyển đơn hàng sang các nước khác, trước mắt do chúng ta gặp phải khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Hiện có 3 vấn đề cơ bản Việt Nam đang cố gắng làm và phải làm được để giữ chân nhà đầu tư ngoại, dòng vốn ngoại. Thứ nhất, Chính phủ nên cho DN, doanh nhân nước ngoài thấy rõ các kế hoạch chống dịch, biện pháp từng giai đoạn. Bởi việc nhìn được kế hoạch chống dịch của Chính phủ sẽ hỗ trợ rất tốt về kế hoạch của DN. Hiện các chuỗi sản xuất đứt gẫy đang ở trên bình diện thế giới, khu vực và rõ nhất đối với các nền sản xuất mở cửa. Vì vậy, lộ trình kế hoạch cần được đưa ra để cộng đồng hiểu được việc họ quay trở lại với sản xuất bình thường.

Thứ hai, bên cạnh cam kết hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, không thể vì dịch để trì hoãn cải cách kinh tế. Thứ ba, dịch Covid-19 có quy mô tính chất toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định. Vì vậy, Chính phủ, ban ngành và địa phương luôn phải chia sẻ, lắng nghe DN để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh. Đây là yếu tố giúp Việt Nam giữ được việc làm, giải quyết khó khăn sau dịch.

Lưu Thủy (ghi)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bắt đầu kế hoạch 'sống chung với Covid' (28/09/2021)

>   Cứu doanh nghiệp phải thực chất (28/09/2021)

>   Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op trong vụ án thứ 2 (28/09/2021)

>   “Thông đường” cho thủy sản vào EU (28/09/2021)

>   Bộ GTVT đề xuất không thu phí đăng kiểm xe ô tô mới (27/09/2021)

>   Bất ngờ về các đề nghị bồi thường thiệt hại vụ án Ethanol tại Phú Thọ (27/09/2021)

>   Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: 'Áp giá sàn có thể giết chết hãng hàng không' (27/09/2021)

>   Vụ án Saigon Co.op: Bạn gái cán bộ công an làm lộ bí mật điều tra cho Diệp Dũng (27/09/2021)

>   Hơn 300.000 tỷ phát triển cảng biển đến năm 2030 (27/09/2021)

>   Đề xuất không phân biệt doanh nghiệp khi ban hành chính sách giải cứu (27/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật