Thứ Ba, 28/09/2021 08:29

Cứu doanh nghiệp phải thực chất

Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là dòng tiền, thị trường và công nhân quay trở lại nhà máy... trong khi các chính sách hỗ trợ thời gian qua quá nhỏ về quy mô, thiếu sách lược và tầm nhìn dài hạn.

Cứu doanh nghiệp phải thực chất
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thực chất hơn. Ảnh: Ngọc Thắng

Từ vị trí ngôi sao xuống dưới trung bình

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại phiên “Tọa đàm tham vấn chuyên gia kinh tế về KT-XH” do Văn phòng Quốc hội (QH) phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng 27.9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm. Ảnh: Gia Hân. 

“Chính sách tài khóa, tiền tệ phải cân bằng hơn, còn dư địa để mở rộng tài khóa. Quan trọng hơn là phải cứu cả DN thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang thua lỗ; giảm chi phí đầu vào cho họ. Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho DN, hỗ trợ dòng tiền.”

Dù mới tổ chức lần đầu (trong nhiệm kỳ QH khóa XV) song bài tham luận, thảo luận của các chuyên gia độc lập đều rất chất lượng. Phiên tọa đàm kéo dài tới hơn 12 giờ trưa. Vấn đề đầu tiên mà các chuyên gia thẳng thắn đánh giá là chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa qua còn khá yếu và thiếu. Yếu nằm ở quy mô, gói miễn giảm thuế thì chỉ các DN vẫn còn khỏe có doanh thu, lợi nhuận được hưởng, còn các DN thua lỗ gần thì “lấy gì để giảm, để miễn”.

Các gói giảm lãi suất của các ngân hàng tuyên bố vài chục nghìn tỉ đồng cũng chưa thực chất, bởi chỉ DN khỏe và đủ điều kiện mới được vay, giảm. Trong khi cả nền kinh tế 97% là DN vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo không có, doanh thu sụt giảm thua lỗ thì làm sao có thể vay vốn được. Đó là lý do mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết về việc có tới 85.000 DN đóng cửa, phá sản trong giai đoạn từ tháng 1 - 8.2021. Phía nam, nơi đại dịch đang hoành hành, các DN đang thoi thóp và DN tốt nhất cũng chỉ có thể cầm cự được thêm 6 tháng nữa.

Nổi bật trong hàng chục ý kiến đề xuất liên quan tới giải pháp là của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB). Ông Jacquest Morisset, Kinh tế trưởng của WB, đưa ra các nguyên nhân khiến Việt Nam từ vị trí ngôi sao tăng trưởng toàn cầu năm 2020, sau 4 đợt dịch Covid-19 rơi xuống dưới mức trung bình thế giới năm 2021. Trong đó, lý do chính là tỷ lệ tiêm chủng nói chung vẫn còn thấp, đứng sau nhiều nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhất; các chính sách ứng phó về tài khóa và tiền tệ thiếu cân bằng và chi trợ giúp xã hội quá ít.

4 bài học mà WB kiến nghị để giúp Việt Nam lấy lại ánh hào quang: Thứ nhất, cần tăng quy mô tiêm chủng song song với xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch. Thứ hai, Việt Nam cần hạn chế di chuyển một cách thông minh hơn, qua đó giúp cân bằng sự an toàn và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. “Chính phủ tuyên bố đơn giản hóa các quy trình mặc dù đã kiểm soát biên giới. Tại sao vẫn cần 5 tuần để xử lý các thủ tục hành chính trước khi phê duyệt cho du khách”, chuyên gia này đặt câu hỏi.

Thứ ba, Việt Nam cần tái cân bằng bằng cách hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và sang chính sách tiền tệ ít hơn bởi tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn và trung hạn. Theo tính toán của WB, dư địa tài khóa của Việt Nam lớn hơn tất cả các nước vào năm 2020. Ngoài ra, việc sử dụng chính sách này giúp minh bạch vì các thủ tục được QH giám sát. Trong khi đó, chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ tạm thời cho các DN, tương đối kém hiệu quả vì lãi suất thực rất thấp và khoảng một nửa dân số không có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, nó làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính (nợ xấu tăng cao) và thiếu minh bạch trong gói giải cứu do các ngân hàng cung cấp.

Cuối cùng, Việt Nam cần có chương trình trợ giúp xã hội hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Bởi hiện tại, mức chi của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và thế giới nói chung.

1 - 2 ca nhiễm là “khóa cứng”

Với góc nhìn rộng hơn, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào, khi vừa qua chúng ta khóa cứng lại kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội.

“Vừa rồi rất mừng là Thủ tướng nói sẽ chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19. Còn như trước, chúng ta cứ đặt mục tiêu “Zero Covid-19” phong tỏa cứng cả đất nước, mỗi lần từ 7 - 10 ngày. Nếu cứ phong tỏa nửa năm trời như thế thì đổ vỡ hết”, ông Dũng lo ngại.

Vẫn theo chuyên gia này, các địa phương đang áp dụng cách chống dịch rất khác nhau, nó như “vòng kim cô” cho các lãnh đạo đứng đầu. “Chúng ta áp đặt nếu để bùng dịch, người đứng đầu chịu trách nhiệm thì người ta cứ có 1 - 2 ca là sẽ khóa cứng thôi. Như TP.HCM khóa cứng không cho chợ dân sinh, đầu mối… chỉ cho mỗi siêu thị hoạt động thì người nghèo không tiếp cận được, sẽ sống khốn khổ như thế nào?”, ông Dũng băn khoăn và đề nghị cần xóa bỏ ngay quy định mỗi tỉnh mỗi kiểu, đòi hết giấy này giấy kia, tỉnh cho qua, tỉnh lại không, thì nền kinh tế không thể lưu thông được.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, yêu cầu các ủy ban tổng hợp tiếp thu để nghiên cứu khi thẩm tra chính sách và đặc biệt lưu ý rủi ro kép; nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong dài hạn được cảnh báo.

Thứ nhất, chiến lược vắc xin trên toàn cầu chậm hơn dự kiến và độ bao phủ không đồng đều. Thứ hai, chính sách tài khóa, tiền tệ có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước phát triển thắt chặt các chính sách này nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm phát do áp dụng chính sách “siêu nới lỏng”. Vấn đề này QH và Chính phủ phải tính toán rất kỹ vì khi chúng ta bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô.

Về ý kiến của WB, Chủ tịch QH thừa nhận chính sách hỗ trợ còn khiêm tốn do thực lực của Việt Nam còn hạn chế. Giải pháp thời gian tới, Chủ tịch QH cho rằng vẫn phải đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, xem như điều kiện tiên quyết, đồng thời giảm thiệt hại về KT-XH. Cần tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển phải thông minh hơn bằng giải pháp công nghệ, chủ động, nhất quán, phân cấp ủy quyền, liên kết vùng… tức phải thay đổi về sách lược, khôn ngoan hơn...

Tiêu Phong

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op trong vụ án thứ 2 (28/09/2021)

>   “Thông đường” cho thủy sản vào EU (28/09/2021)

>   Bộ GTVT đề xuất không thu phí đăng kiểm xe ô tô mới (27/09/2021)

>   Bất ngờ về các đề nghị bồi thường thiệt hại vụ án Ethanol tại Phú Thọ (27/09/2021)

>   Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: 'Áp giá sàn có thể giết chết hãng hàng không' (27/09/2021)

>   Vụ án Saigon Co.op: Bạn gái cán bộ công an làm lộ bí mật điều tra cho Diệp Dũng (27/09/2021)

>   Hơn 300.000 tỷ phát triển cảng biển đến năm 2030 (27/09/2021)

>   Đề xuất không phân biệt doanh nghiệp khi ban hành chính sách giải cứu (27/09/2021)

>   Xử vụ Ethanol Phú Thọ: Vì sao tòa không triệu tập ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh? (27/09/2021)

>   Maersk Việt Nam kỷ niệm 30 năm: Đặt mục tiêu lên tầm cao mới trên bản đồ logistics thế giới (27/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật