Hơn 300.000 tỷ phát triển cảng biển đến năm 2030
Khánh Hòa, Sóc Trăng, Đà Nẵng và Thanh Hóa là 4 địa phương được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt trong chiến lược phát triển 2021-2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn; năng lực vận tải hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.
Vân Phong (Khánh Hòa) được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Ảnh: H.P.
|
Theo quy hoạch được duyệt, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành 2 cảng biển đặc biệt. Các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Sóc Trăng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Ngoài ra, đến năm 2030, Việt Nam có 15 cảng biển loại một, gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh.
6 cảng biển loại hai, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp và 13 cảng biển loại 3, gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo Chính phủ, để thực hiện quy hoạch cảng biển trên cần khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa). Nguồn vốn này chủ yếu được huy động ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong quy hoạch cảng biển, Chính phủ cũng cho phép xây dựng bến cảng ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bến cảng này có nhiệm vụ kết nối giữa đất liền với các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và có vai trò phục vụ phát triển kinh tế, xã hội huyện đảo kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Xuân Hoát
Zing.vn
|