Thứ Hai, 27/09/2021 08:22

Phòng chống dịch linh hoạt, phong tỏa diện hẹp

Chỉ phòng chống dịch hay phong tỏa theo diện hẹp như một dây chuyền sản xuất, một phân xưởng mà không phong tỏa diện rộng cả nhà máy như trước đây.

Các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi quy định phòng chống dịch linh hoạt để mở cửa kinh tế. ẢNH: ĐỘC LẬP

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” vào sáng 25.9 thì tối cùng ngày, 8 hiệp hội ngành hàng cùng ký vào bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và 5 bộ ngành liên quan dự thảo này.

Dự thảo của Bộ Y tế chưa hoàn toàn “sống chung với Covid”

Theo kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng (gồm các hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Lương thực - thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp (DN) hàng VN chất lượng cao, Dệt may VN, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Nhựa VN và DN Nhật Bản tại VN), dự thảo còn thiếu tính linh hoạt và nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero Covid” chứ chưa hoàn toàn là “Sống chung với Covid” nên chưa phù hợp.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, chẳng hạn dự thảo quy định hơn 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin thì TP.HCM phải ở cấp độ 4, nghĩa là còn rất lâu (2 - 3 tháng nữa) mới có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế không chỉ riêng TP.HCM mà còn của cả nước, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm. Hay dự thảo vẫn quy định cách ly tập trung với F1, cách ly y tế với người từ vùng khác; ngừng hoạt động với trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4; điều trị tập trung F0, chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; cấm người ở vùng dịch 4 đến vùng dịch khác… là quá chặt như quy định trước đây.

“Tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ hôm qua với DN, Thủ tướng cho biết đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19… Chúng tôi rất ủng hộ việc này nhưng phải xác định là cách tiếp cận phương án chống dịch phải thay đổi. Trong dự thảo mà Bộ Y tế công bố vẫn còn nhiều quy định thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết. Khi đã tiêm đủ vắc xin thì việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng là không cần thiết. Một số quy định thì chỉ phù hợp với chủ trương cũ Zero Covid, chưa phù hợp với chủ trương sống chung với dịch”, ông Hòe chia sẻ.

Phòng chống dịch theo điểm

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Dệt may VN cũng cho rằng một số quy định do Bộ Y tế đang soạn thảo chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi từ tình hình hiện nay sang trạng thái bình thường mới. Khi đã sang giai đoạn sống chung với Covid-19 và đã tiêm vắc xin đủ thì tại sao phải sợ F1, F0? Cần phải có một chiến lược riêng trong một giai đoạn chuyển tiếp ngắn độ 3 - 5 tháng cho các tỉnh, thành phố đang kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng phương châm phòng chống dịch theo điểm.

Vị đại diện này nhấn mạnh: Chỉ phòng chống dịch hay phong tỏa theo diện hẹp như một dây chuyền sản xuất, một phân xưởng mà không phong tỏa diện rộng cả nhà máy như trước đây. Do đó, các hiệp hội đồng thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

Đó là Chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022, vùng nào phủ vắc xin sớm hơn thì mở cửa sớm hơn), tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp. Vùng 1 gồm các địa phương đang bùng phát dịch phải áp dụng Chỉ thị 16 thì quy định cho phép người đã tiêm đủ liều vắc xin, F0 đã lành được đi làm; điều chỉnh biện pháp áp dụng giãn cách phù hợp; bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế; có quy trình hướng dẫn cụ thể DN xử lý F0 trong mỗi giai đoạn; không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0...

Vùng 2, dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch thì áp dụng giai đoạn chuyển tiếp 3 - 5 tháng đến khi tiêm đủ vắc xin và phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng. Vùng nào tiêm đủ vắc xin sớm theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa.

Sau đó là giai đoạn sống chung với Covid-19 dự kiến từ giữa quý 1/2022 hoặc sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn. Giai đoạn này cần mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 (gồm hơn 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ vắc xin) như dự thảo của Bộ Y tế. Có giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch và có điều chỉnh nới rộng như sản xuất - kinh doanh, giao thông công cộng được mở lại 100%. Bỏ toàn bộ giới hạn đi lại giữa các vùng; bỏ cách ly; cho phép F0 điều trị tại nhà...

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Những hoạt động, dịch vụ nào dự kiến có thể được TPHCM cho phép từ 1/10? (26/09/2021)

>   TP.HCM sẽ công bố chỉ thị mới trước ngày 1/10 (26/09/2021)

>   “Cấp cứu” dòng tiền cho doanh nghiệp thời Covid-19 (25/09/2021)

>   Đường sắt dự kiến chạy lại tàu từ 1.10 (25/09/2021)

>   Tìm đủ 'lao động xanh' để tái sản xuất: Doanh nghiệp gặp khó (25/09/2021)

>   TP.HCM sau ngày 30.9: Đơn vị, ngành nghề kinh doanh hoạt động như thế nào? (25/09/2021)

>   Doanh nghiệp 'đuối' với xét nghiệm (25/09/2021)

>   Thu hút FDI 9 tháng 2021 vẫn tăng 4.4% so với cùng kỳ (24/09/2021)

>   Kiến nghị loại bỏ các dự án nhiệt điện than chưa triển khai xây dựng (24/09/2021)

>   TP Thủ Đức cần thử nghiệm bình thường mới để nhân rộng toàn TP.HCM (24/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật