Thứ Bảy, 25/09/2021 21:15

“Cấp cứu” dòng tiền cho doanh nghiệp thời Covid-19

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn và hiện đã tới hạn, nếu không có thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài, khả năng giải thể vì cạn kiệt dòng tiền là rất cao...

 

Hiện tại, 5 khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tài chính mà doanh nghiệp đang phải đối diện bao gồm: trả lương cho người lao động, trả lãi vay/trả nợ gốc cho ngân hàng, trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân và đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

TỔNG LỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế-xã hội trong nước, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách ban hành trong năm 2020 là khoảng 129.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng...

Ước tính, các giải pháp đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp tại dự thảo mà Bộ Tài Chính đang đề xuất thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2021 vào khoảng 140.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này cho biết, toàn ngành ngân hàng vẫn đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay bằng chính nguồn lực của ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Điển hình nhất, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu nguồn để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch). Luỹ kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng lên tới 26.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhờ có Thông tư 01, Thông tư 03 và bây giờ là Thông tư 14, đã có 215.320 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Luỹ kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Một số chính sách hỗ trợ khác của Ngân hàng Nhà nước có thể kể đến như: Tái cấp vốn lãi suất 0%/năm cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay trả lương người lao động; Tái cấp vốn cho 4.000 tỷ đồng cho tổ chức tín dụng hỗ trợ Vietnam Airlines

"CẤP CỨU" BẰNG BÙ LÃI SUẤT?

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp và tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp như trên, nhưng sức khoẻ của các doanh nghiệp vẫn cho thấy sự suy giảm trầm trọng.

Tại một cuộc khảo sát với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện tháng 8 vừa qua, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

Cụ thể, có đến gần 40% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch cho biết chỉ còn có thể cầm cự ít hơn 1 tháng. Đây cũng là ngưỡng chịu đựng của khoảng 17,7% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc giảm lãi vay chỉ phù hợp đối với doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, dòng tiền chưa bị suy kiệt. Hoặc như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp còn ghi nhận lãi, trong khi các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng đóng cửa thì việc giảm thuế không còn ý nghĩa.

Do đó, điều mong mỏi nhất của họ bây giờ là tiếp tục được “cấp cứu” dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ như giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới…

Đáng chú ý, trong văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có đề xuất: “Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%”.

Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Đánh giá về giải pháp này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Chính phủ phải rất cẩn trọng khi thực hiện chính sách này. Bởi lẽ, bài học năm 2008-2009 vẫn còn, chính sách cấp bù nảy sinh hàng loạt vấn đề như: Tạo sự mất cân bằng giữa các doanh nghiệp; Khó phân định đối tượng được hưởng; Gây sự móc nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại; Dòng tiền lớn được bơm vào thị trường có thể đẩy lạm phát lên cao…

CẦN THÊM NHIỀU GIẢI PHÁP

Vậy đâu mới là chính sách mạnh hơn, trúng đích hơn để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt?

Theo một chuyên gia kinh tế, do diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, khoanh nợ cho doanh nghiệp đang vay ngân hàng là giải pháp phù hợp nhất. Tức, người dân không những chưa phải trả nợ gốc, đồng thời không phát sinh thêm một đồng nào tiền lãi nữa. Thời gian khoanh nợ có thể kéo dài 3 -6 tháng hoặc đến khi nào dịch được kiểm soát.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho rằng nhiều ngân hàng đã có tiếng nói chung về việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Nhưng thực tế, hạ lãi suất là một chuyện và chuyện bơm được vốn cho doanh nghiệp hay không, lại là chuyện khác.

“Các ngân hàng bắt đầu cho doanh nghiệp vay mới. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, tín dụng đang tăng trưởng chậm lại, ngân hàng vẫn còn trận trọng khi cho vay. Do dịch bệnh Covid-19, khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngân hàng sẽ khó khăn hơn khi đưa ra quyết định”, ông Andrew Jeffries nói.

Một nghịch lý khác cũng được vị này chỉ ra là các ngân hàng thương mại lớn dồi dào vốn giá rẻ thì e dè khi cho vay. Trong khi, ngân hàng thương mại nhỏ hơn muốn cho vay cũng chả được vì đang lo gia cố sức khỏe bản thân, đảm bảo đủ tỷ lệ an toàn theo quy định mới, các ngân hàng này buộc phải huy động lãi suất cao thì không thể cho vay với lãi suất thấp.

Để giải quyết vấn đề này, ông Andrew Jeffries gợi ý, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay nhưng doanh nghiệp không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng ở đây là bảo lãnh tín dụng. Cụ thể, Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng nào đó để cho phép ngân hàng cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu vay. Hiểu đơn giản, Chính phủ có thể thực hiện đảm bảo rủi ro cho những đối tượng này.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, chia sẻ thêm Việt Nam đang dồn gánh nặng lên vai ngân hàng với 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác? Và đã được huy động hết chưa?

“Có nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng xanh nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại chưa thông. Việt Nam nên có những cơ chế mới trong bối cảnh đặc thù hiện nay”, vị chuyên gia của ADB chia sẻ.

Một gợi ý được đưa ra đó là giải pháp  huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Theo Moody's thống kê, bất chấp Covid-19, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững năm 2020 đạt mức kỷ lục 491 tỷ USD. Và hàng trăm tỷ USD trái phiếu xanh có thể mang về cơ hội vốn cho các doanh nghiệp có các dự án quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây.

Vũ Phong -

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Đường sắt dự kiến chạy lại tàu từ 1.10 (25/09/2021)

>   Tìm đủ 'lao động xanh' để tái sản xuất: Doanh nghiệp gặp khó (25/09/2021)

>   TP.HCM sau ngày 30.9: Đơn vị, ngành nghề kinh doanh hoạt động như thế nào? (25/09/2021)

>   Doanh nghiệp 'đuối' với xét nghiệm (25/09/2021)

>   Thu hút FDI 9 tháng 2021 vẫn tăng 4.4% so với cùng kỳ (24/09/2021)

>   Kiến nghị loại bỏ các dự án nhiệt điện than chưa triển khai xây dựng (24/09/2021)

>   TP Thủ Đức cần thử nghiệm bình thường mới để nhân rộng toàn TP.HCM (24/09/2021)

>   Mở cửa lại du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng hết “ngủ đông”? (24/09/2021)

>   Dệt may căng thẳng vì thiếu đơn hàng dịp cuối năm (23/09/2021)

>   Chuẩn bị các điều kiện đón làn sóng đầu tư (23/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật