Thứ Ba, 28/09/2021 06:42

“Thông đường” cho thủy sản vào EU

Dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thuỷ sản những tháng đầu năm sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn đạt kết quả tương đối tích cực. Thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thị trường EU được kỳ vọng sẽ được mở rộng hơn nữa nếu các khó khăn được hoá giải.

6 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 25/27 thị trường EU

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 25/27 thị trường EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 104,3 nghìn tấn, đạt trị giá 485,3 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

RÀO CẢN TỪ XUẤT XỨ HÀNG HOÁ

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong đó, những thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu thuỷ sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2021 đang có nguy cơ bị chững lại khi làn sóng Covid lần thứ 4 bùng phát ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thêm nữa, diễn biến của dịch Covid-19 tại thị trường ngoài nước cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn nhất đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đặc biệt, EU là thị trường xuất khẩu lớn của ngành thủy sản Việt Nam và được kỳ vọng sẽ mở rộng và phát triển hơn nữa khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA, nhưng quy tắc xuất xứ đối với thủy sản trong Hiệp định này cũng đang là một thách thức đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,5%. Đây là kết quả khả quan đối với ngành thủy sản khi Việt Nam khi mà EVFTA mới được thực thi chưa đầy một năm.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, thuỷ sản của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Những mặt hàng thuỷ sản có kim ngạch sử dụng C/O mẫu EUR.1 đều là những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu truyền thống và chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU, như tôm sơ chế, tôm chế biến, cá phi lê đông lạnh, cá ngừ chế biến...

Dẫu vậy, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý: tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong EVFTA vẫn đang là một rào cản lớn đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cụ thể, EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU.

Điều này đồng nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy sản chế biến hiện nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là tôm và EU không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất xuất khẩu trong nước.

Thống kê của Cơ quan quan sát thị trường thủy sản châu Âu (EUMOFA) cũng cho thấy rõ điều này, khi kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ các nước ngoài khối của EU đạt 27,21 tỷ Euro trong năm 2019 với sản lượng nhập khẩu lên đến 6,34 triệu tấn, thì Việt Nam chỉ chiếm 4% trong thị phần nhập khẩu thủy sản tại EU với mặt hàng nhập khẩu chính là tôm.

Hơn nữa, dù chất lượng tôm của Việt Nam được đánh giá tốt tại thị trường EU nhưng giá cả lại kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác như Ecuado và Ấn Độ. Các sản phẩm cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất mạnh với các nguồn cung cấp khác cho EU. Điều này đang tạo ra nhiều thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới EU.

CẦN HỖ TRỢ CHO PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Nhiều thách thức là vậy, nhưng các chuyên gia lạc quan cho rằng nhờ cú hích từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng khá tại thị trường này.

Cụ thể, với cam kết giảm thuế về 0% cho các mặt hàng thủy sản (trong đó có tôm) của EU dành cho Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, thời gian sắp tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan nên có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi này, việc mở rộng, duy trì nguồn cung nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19 là yếu tố then chốt.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, hiện hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh tại hàng loạt địa phương trên cả nước.

Do vậy, cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tận dụng tốt cơ hội thị trường.

Trong đó, vấn đề quan trọng vẫn là tiêm vaccine đầy đủ cho toàn bộ người lao động ngành thủy sản. Bên cạnh đó, giao thông đi lại trong nước phải được thông suốt; các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào như điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... cho doanh nghiệp cũng cần được khẩn trương thực hiện.

Để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng Nhà nước cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến về các cơ hội và cách tận dụng cơ hội từ EVFTA cho cộng đồng doanh nghiệp.

Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của doanh nghiệp thủy sản, như rà soát các loại phí đối với phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để chủ động giảm phí đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương cũng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị theo dõi việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc.

Đồng thời yêu cầu các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu tăng cường công tác thông tin thị trường, kịp thời cung cấp thông tin về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, các rủi ro của thị trường.

Về phía các các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Bộ Công Thương đề nghị cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về EVFTA, đặc biệt là các cam kết liên quan đến ngành hàng thủy sản để tận dụng triệt để các cơ hội, hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp, tham gia với Tham tán thương mại Việt Nam ở thị trường EU trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường lớn khu vực EU; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối hàng thủy sản tại thị trường EU. Đây là những kênh xúc tiến xuất khẩu thực sự hiệu quả.

Hương Loan

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ GTVT đề xuất không thu phí đăng kiểm xe ô tô mới (27/09/2021)

>   Bất ngờ về các đề nghị bồi thường thiệt hại vụ án Ethanol tại Phú Thọ (27/09/2021)

>   Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: 'Áp giá sàn có thể giết chết hãng hàng không' (27/09/2021)

>   Vụ án Saigon Co.op: Bạn gái cán bộ công an làm lộ bí mật điều tra cho Diệp Dũng (27/09/2021)

>   Hơn 300.000 tỷ phát triển cảng biển đến năm 2030 (27/09/2021)

>   Đề xuất không phân biệt doanh nghiệp khi ban hành chính sách giải cứu (27/09/2021)

>   Xử vụ Ethanol Phú Thọ: Vì sao tòa không triệu tập ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh? (27/09/2021)

>   Maersk Việt Nam kỷ niệm 30 năm: Đặt mục tiêu lên tầm cao mới trên bản đồ logistics thế giới (27/09/2021)

>   ‘Bùng dịch bị xử lý, lãnh đạo đứng đầu họ sẽ khóa cứng thôi’ (27/09/2021)

>   TP.HCM đề xuất điều chỉnh hàng loạt tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 (27/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật