Dịch bệnh và những cải thiện so với quá khứ
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc tìm kiếm những giải pháp mới ở các nước phương Tây, với nhiều đề xuất cải cách triệt để cấu trúc kinh tế và chính trị lâu đời. Nhưng chúng ta nên tạm dừng một lát để xem xét những lợi ích chưa từng có trong lịch sử mà hệ thống hiện tại đã mang lại cho chúng ta.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Anne O.Krueger
Không một ai muốn trải nghiệm lại khoảng thời gian 18 tháng qua khi mà COVID-19, biến đổi khí hậu và các diễn biến chính trị toàn cầu đã khiến hàng chục triệu người rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn cả về mặt thể chất và tài chính. Tin tức tràn ngập các số liệu tiêu cực về tỷ lệ tử vong, biến chủng của virus, tác động của đại dịch, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế khó khăn, xung đột chính trị và gần đây nhất - sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan vốn được phương Tây hậu thuẫn trong thời gian dài.
Tuy nhiên, bất chấp mức độ nghiêm trọng của những khó khăn hiện tại, dường như có sự thiếu hiểu biết hoặc ảnh hưởng bởi trí nhớ ngắn hạn của tập thể về những điều tồi tệ hơn trong quá khứ. Đã có những đại dịch trong suốt lịch sử và chưa bao giờ có đại dịch nào được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng như những gì chúng ta đang làm hiện nay nhờ vào nền y học hiện đại. Ngay cả sau khi tính đến những hậu quả khác nhau về địa lý và nhân khẩu học của Covid-19, thực tế vẫn là con người ngày nay vẫn có cho mình cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với những lần đại dịch trước đó.
Hãy xem xét về chất lượng cuộc sống, nó vốn dĩ rất thấp ở khắp mọi nơi trên thế giới cho đến khoảng năm 1800, khi chúng bắt đầu có sự cải thiện đáng kể ở phương Tây. Mãi đến năm 1870 - chỉ 150 năm trước - tăng trưởng kinh tế mới thực sự bắt đầu tăng tốc. Như Robert J. Gordon của Đại học Northwestern thuật lại trong cuốn Sự trỗi dậy và sụp đổ của tăng trưởng Mỹ:
“Thế kỷ của cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ sau Nội chiến là kinh tế chứ không phải chính trị và cuộc cách mạng ấy đã giải phóng các hộ gia đình khỏi sự mệt nhọc, khổ cực của lao động chân tay và những cái chết sớm vì bệnh tật. Nhưng chỉ 100 năm sau, cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã thay đổi một cách không thể tưởng tượng nổi”.
Từ năm 1870 đến năm 2020, tuổi thọ trung bình của Hoa Kỳ đã tăng từ khoảng 45 tuổi lên 77 tuổi. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 215 trên 1,000 ca sinh năm 1880 xuống dưới 6 trên 1,000 ca vào năm 2020. Những tiến bộ lớn này về chất lượng cuộc sống là kết quả của những cải thiện về cả dinh dưỡng và y tế cộng đồng. Dinh dưỡng được cải thiện không chỉ đến từ tăng thu nhập (được điều chỉnh theo lạm phát), nhờ đó cho phép chế độ ăn uống tốt hơn, mà còn vì ứng dụng của quy trình làm lạnh, đổi mới cách bảo quản (chẳng hạn như rau đóng hộp) và những khám phá khác giúp thực phẩm an toàn hơn và bổ dưỡng hơn trong suốt cả năm mà không phụ thuộc vào vấn đề thời tiết.
Đồng thời, những tiến bộ y học như lý thuyết vi trùng của bệnh tật, phương pháp cấy bệnh đậu mùa, và việc phát hiện ra penicillin đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại bệnh tật và giảm tử vong sớm. Và những đóng góp bổ sung đến từ các biện pháp vệ sinh hiện đại, nhà vệ sinh trong nhà, nước tinh khiết, đường phố sạch sẽ hơn (vì ô tô thay thế ngựa), và cửa sổ trên các ngôi nhà (làm giảm mối đe dọa của các bệnh do côn trùng gây ra).
Ngày nay người dân ở các nước giàu có khó có thể hiểu được cuộc sống sẽ thành ra như thế nào nếu không có nước sạch, hệ thống cấp thoát nước trong nhà, các dịch vụ y tế công cộng và điện năng. Sống trong tình trạng khóa cửa ở nhà cả ngày trong đại dịch cúm năm 1918 hẳn sẽ rất tồi tệ đối với các hộ gia đình không có điện thoại, ti vi hoặc lò vi sóng (chưa kể đến hy vọng có vắc xin). Mức sống ngày nay đã tốt hơn rất nhiều đến mức gần như không thể so sánh được.
Khu vực công và khu vực tư nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình này. Hệ thống kinh tế tổng thể cung cấp các động lực cho sự đổi mới và tăng năng suất trong khu vực tư nhân, trong khi nhà nước cung cấp môi trường kinh doanh phù hợp, cơ sở hạ tầng và nhiều hạng mục công khác.
Bây giờ hãy chúng ta nên xem xét khách quan về đại dịch COVID-19. Trong quá khứ, Mỹ đã từng trải qua các đợt dịch bệnh sốt vàng da, đậu mùa, bại liệt, cúm, cùng các bệnh dịch khác. Vào năm 1906-1907, chỉ riêng một đợt bùng phát bệnh sốt thương hàn đã dẫn đến gần 26,000 ca tử vong. Dịch cúm Tây Ban Nha ước tính đã giết chết 50 triệu người trên toàn thế giới - bao gồm 675,000 người ở Mỹ - trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1918 đến tháng 4 năm 1920.
Theo thời gian, vắc-xin và các phương pháp điều trị hiệu quả đã được phát triển và qua đó giúp kiểm soát tốt bệnh đậu mùa, thương hàn, sởi, tả, bại liệt và nhiều bệnh khác dịch khác. Mỗi sáng chế y học trên đem đến sự cải thiện nhanh chóng cho chất lượng cuộc sống của toàn xã hội. Nhưng không có loại vắc-xin nào được phát triển nhanh như vắc-xin COVID-19 vào năm ngoái.
Xét tới những khó khăn trước đây - dù là thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh - một trong những đặc điểm nổi bật của nước Mỹ là sự gắn kết xã hội khi đối mặt với nghịch cảnh. Các biện pháp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác hại đã được chấp nhận rộng rãi khi mọi người đứng lên thực hiện phần việc của mình. Đây là một thành phần quan trọng dẫn đến sự vĩ đại của đất nước.
Tuy nhiên, trong đại dịch hiện nay, dù sở hữu cho mình điều kiện vật chất và chất lượng cuộc sống tốt hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, nước Mỹ không thể có cho mình sự đoàn kết cần thiết trong cộng đồng để có thể kiểm soát dịch bệnh tốt. Nước Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn số người chết khủng khiếp không đáng có, cùng lúc đó để cho virus lây lan nhanh chóng. Nhiều nhà quan sát cho rằng thất bại này là do chia rẽ chính trị. Trong khi đó, những người khác lại chỉ trích chính hệ thống kinh tế mà chính nó đã mang lại cải thiện đáng kể cho chất lượng cuộc sống và kiến thức y học hơn qua từng năm.
Khi xem xét các đề xuất thay đổi hệ thống kinh tế và chính trị của Mỹ, không được quên hoặc xem nhẹ những lợi ích sâu rộng mà hệ thống mang lại. Điều nên tránh trong quá trình cải thiện hệ thống là không nên có những chính sách tác động tiêu cực đến một hệ thống kinh tế và chính trị đã giúp cho nhân loại trải qua một đại dịch ít tồi tệ nhất cho tới thời điểm này.
Giới thiệu về tác giả Anne O.Krueger
Anne O.Krueger (sinh ngày 12 tháng 2 năm 1934) là Phó Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2001 đến năm 2006. Trước đó, bà đã giảng dạy tại các trường Đại học Stanford và Đại học Duke. Từ năm 1982 đến năm 1986, bà là Phó Chủ tịch tại Ngân hàng Thế giới (WB). Trước đó bà là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Minnesota.
Giáo sư Krueger còn là một thành viên xuất sắc và từng là Chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, thành viên nghiên cứu cấp cao của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, và là thành viên của Học viện Khoa học Quốc gia, Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, Hiệp hội Kinh tế lượng, và Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ. Bà đã xuất bản nhiều về nghiên cứu về phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và cải cách chính sách kinh tế.
Nguồn: Project Syndicate
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|