Singapore: Tỷ lệ tiêm chủng tăng từ 31% lên 80% chỉ trong 3 tháng
Với tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên cả nước đạt 80%, Singapore đang mong muốn tái mở cửa biên giới và nới lỏng các lệnh hạn chế nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế.
Hôm 29/08, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết trên Facebook: “Chúng tôi đã vượt qua một cột mốc quan trọng khác. 80% dân số trong cả nước đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19”.
Hồi đầu tháng 6/2021, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Singapore chỉ mới đạt 31%. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 tháng, 80% dân số của đảo quốc sư tử đã được tiêm chủng đầy đủ.
Đó là kết quả của việc rút ngắn thời gian tiêm chủng giữa 2 mũi vắc-xin Covid-19, từ 6 – 8 tuần xuống còn chỉ 4 tuần, từ cuối tháng 6/2021. Trong tháng 7/2021, quốc gia 5.7 triệu dân cũng thông báo việc triển khai các điểm tiêm chủng di động nhằm tạo điều kiện cho những người lớn tuổi tại các vùng ngoại ô dễ tiếp cận vắc-xin.
Hồi tháng 12/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore cũng đã chi hơn 1 tỷ SGD (tương đương 742 triệu USD) để đặt mua trước vắc-xin Pfizer và Moderna. Theo thông tin từ Channel News Asia, Singapore là quốc gia châu Á đầu tiên tiếp nhận lô vắc-xin Pfizer trong tháng 12 năm ngoái.
Bộ trưởng Y tế Ong cho rằng, việc Singapore gia tăng tốc độ tiêm chủng có nghĩa rằng nước này đã tiến thêm một bước xa hơn trong việc chống chọi với Covid-19.
Thay đổi chiến lược sang "sống chung với dịch bệnh"
Nhằm ứng phó với đại dịch, Singapore đã áp dụng mô hình “triệt tiêu Covid-19”. Chính phủ nước này đã áp lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt, truy vết tiếp xúc diện rộng và kiểm soát biên giới chặt chẽ nhằm ngăn chặn mức độ lây nhiễm.
Hôm 22/07, Đảo quốc sư tử đã áp lại các quy định hạn chế ăn uống bên ngoài và tụ tập đông người sau khi phát hiện các ổ dịch mới. Đến ngày 10/08, các quy định này đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhằm khuyến khích việc tiêm chủng, Chính phủ Singapore hiện chỉ cho phép những công dân đã được tiêm chủng được ăn uống bên ngoài và tụ tập không quá 5 người.
Sau nhiều tháng áp lệnh giới nghiêm, Bộ trưởng Ong hồi tháng 7/2021 cho biết Singapore không duy trì mô hình “Không Covid-19” nữa mà bắt đầu chuyển sang điều trị Covid-19 giống như điều trị bệnh cúm.
Ông nói: "Chúng tôi không thể tiếp tục áp dụng các quy trình chăm sóc sức khỏe hiện tại trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nữa. Họ cần chuyển sang gần hơn với cách chúng ta điều trị bệnh cúm ngày nay mà không cần truy vết tiếp xúc diện rộng và cách ly y tế tại cơ sở cách ly Covid-19. Chỉ những trường hợp bệnh nặng mới phải nhập viện”.
Sau khi chứng kiến mức sụt giảm GDP 5.5% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, Singapore đang mong muốn dỡ bỏ các lệnh hạn chế và tái mở cửa biên giới nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Hiện quốc gia Đông Nam Á này đang triển khai chương trình du lịch không cách ly theo mô hình “Làn đi lại cho những người đã tiêm chủng” với Đức và Brunei, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08/09.
Singapore, Australia và New Zealand đều là những quốc gia từng nỗ lực áp dụng chiến lược “Không Covid-19”. Tuy nhiên, khó khăn trong việc ngăn chặn biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã buộc Chính phủ các nước này phải xem xét lại chiến lược phòng chống Covid-19.
Tại Australia, hiện một nửa dân số đang phải thực hiện lệnh phong tỏa sau đợt bùng phát mới nhất do biến thể Delta. Hôm 29/08, xứ sở chuột túi ghi nhận số ca nhiễm Covid cao kỷ lục là 1,323 ca, theo báo cáo của Reuters.
New Zealand cũng áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc hôm 17/08 sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm mới Covid-19. Hôm 29/08, nước này ghi nhận 83 ca nhiễm mới sau vài tháng không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo The Guardian
Theo Bộ Y tế Singapore, hôm 29/08 nước này ghi nhận 124 ca nhiễm Covid-19. Tính từ đầu đại dịch, Singapore ghi nhận 67,000 nhiễm, trong đó có 55 tử vong.
Khai Tâm (Theo Business Insider)
FILI
|