Ông lớn quản lý nợ xấu Trung Quốc báo lỗ 16 tỷ USD, đòn bẩy lên tới 1,333 lần
Ngày 29/08, China Huarong Asset Management đã công bố báo cáo tài chính năm 2020 bị trì hoãn bấy lâu, trong đó cho thấy khoản lỗ kỷ lục cùng đòn bẩy lên tới 1,333 lần, tấm đệm vốn an toàn thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu của Chính phủ.
Thông tin này được đưa ra chỉ hơn 1 tuần sau khi công ty này nhận được một kế hoạch giải cứu do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn để tránh bờ vực sụp đổ.
Huarong ghi nhận lỗ 102.9 tỷ Nhân dân tệ (15.9 tỷ USD) trong năm 2020, qua đó giảm 85% vốn chủ sở hữu. Giá trị tài sản của Huarong bị cắt giảm 107,8 tỷ Nhân dân tệ, và công ty thua lỗ tài chính 12.5 tỷ Nhân dân tệ. Trong nửa đầu năm, công ty này lãi nhẹ 158 triệu Nhân dân tệ, Chủ tịch Huarong Wang Zhanfeng cho biết Công ty sẽ nộp đơn xin phép cơ quan điều hành cho các chỉ số an toàn vốn quan trọng tạm thời thấp hơn mức yêu cầu của Chính phủ.
Sau 5 tháng đầy thăng trầm kể từ khi trì hoãn công bố báo cáo năm 2020 trong tháng 3/2021, Huarong mới đây nhận được gói giải cứu từ một số công ty tài chính lớn nhất Trung Quốc. Huarong đã trở thành “bài kiểm tra” lớn nhất trong nhiều thập kỷ về việc liệu Bắc Kinh có nhảy vào bảo vệ các doanh nghiệp quốc doanh khỏi các lực lượng thị trường. Điều này diễn ra giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực giảm đòn bẩy khi tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp ở nước này lên tới mức kỷ lục.
“Công ty này có lẽ chỉ mới bước 1 bước đầu tiên ra khỏi rắc rối”, Jason Tan, Chuyên viên phân tích tại Creditsights Singapore, cho hay. Hành trình trở lại trạng thái “lành lặn hoàn toàn” có lẽ là một hành trình gian truân và khó khăn, phụ thuộc vào việc vực dậy các mảng kinh doanh cốt lõi về quản lý nợ xấu và thoái vốn khỏi các mảng không phải cốt lõi”, ông nói.
Hôm 29/08, Huarong cho biết họ có kế hoạch thoái vốn các công ty không nằm trong mảng kinh doanh cốt lõi của công ty “trong tương lai gần” để bổ sung vốn. Họ đã cắt giảm số công ty phi tài chính ở trong và ngoài nước từ 27 xuống còn 13 trong năm 2020.
Huarong vẫn đang phối hợp với các nhà đầu tư chiến lược về các chi tiết của kế hoạch tái cấp vốn, ông Wang cho biết trong cuộc họp ngày 22/08.
Các tổ chức Nhà nước bao gồm Citic Group, China Insurance Investment Co. và China Life Asset Management ngày 18/08 đã nhất trí rót vốn vào Huarong. Công ty sẽ nhận 7.7 tỷ USD như một phần của kế hoạch cải tổ, với sự kiểm soát chuyển từ Bộ Tài chính Trung Quốc sang Citic. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn trong quá trình hoàn tất và có thể thay đổi, dựa trên nguồn tin thân cận.
Đòn bẩy lên tới 1,333 lần tại cuối năm 2020
Một đợt rà soát tài sản và đánh giá rủi ro vào năm 2020 “đã có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh và là một bài học lớn trong lịch sử phát triển của công ty”, Chủ tịch Wang Zhanfeng của Huarong nói trong báo cáo. “Việc đã qua đã qua, nhưng gì đến sẽ đến. Chúng tôi sẽ học được bài học này và xem đó như một kinh nghiệm đắt giá và khao khát tiến lên phía trước”.
Huarong hiện gánh 238 tỷ USD nghĩa vụ nợ, trong đó bao gồm 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế, và đã thu hút ánh mắt dò xét từ cộng đồng nhà đầu tư toàn cầu thời gian qua. Khoản nợ của công ty lên tới 782 tỷ Nhân dân tệ tại ngày 30/06, trong đó số nợ đáo hạn trong vòng 1 năm là 578 tỷ Nhân dân tệ. Huarong cảnh báo rằng sự suy giảm mạnh mẽ về kết quả kinh doanh và điều kiện tài chính có thể dẫn tới việc công ty phải thanh toán ngay số nợ khoảng 17.9 tỷ Nhân dân tệ.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Huarong giảm xuống 4.16% vào cuối năm 2020, nhưng đã tăng lên 6.32% vào cuối tháng 6. Tuy vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 13.2% cùng kỳ năm ngoái. Quy định của Trung Quốc yêu cầu tỷ lệ đủ vốn tối thiểu 12.5% đối với các công ty quản lý nợ xấu và vốn cấp 1 ít nhất 9%.
Tỷ lệ đòn bẩy – được tính dựa trên nợ có tính lãi trên vốn chủ sở hữu – lên tới 1,333 lần tại cuối năm 2020, nhưng sau đó đã giảm về 37.1 lần tại cuối tháng 6. Con số này vẫn còn cao gấp 4 lần so với cuối năm 2019 và cao hơn nhiều so với mức 6.8 lần của công ty đối thủ China Cinda Asset Management Co.
Tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cắt giảm định hạng tín nhiệm của Huarong và cảnh báo có thể tiếp tục hạ tín nhiệm công ty này trên cơ sở tình trạng xấu đi về vốn và khả năng lợi nhuận. Khoản lỗ năm 2020 “có thể dẫn tới tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn so với quy định và đòn bẩy cao hơn nhiều. Điều này cho thấy công ty không thể duy trì hoạt động mà không có sự trợ giúp từ Chính phủ”.
Cổ phiếu Huarong hiện vẫn đang bị tạm ngừng giao dịch và giảm 67% so với giá chào sàn. Khi lên sàn chứng khoán vào năm 2015, Huarong nhận được sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư nước ngoài lớn gồm Warburg Pincus và Goldman Sachs.
Huarong đã không thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu kể từ quý 2 năm nay, cho dù công ty này vẫn trả nợ đúng hạn và đạt thoả thuận với các ngân hàng quốc doanh để đảm bảo rằng công ty có thể thực hiện đúng các nghĩa vụ cho tới ít nhất cuối tháng 8. Tháng 8 này, Huarong trấn an nhà đầu tư rằng công ty không có kế hoạch tái cơ cấu nợ và đã chuẩn bị cho các đợt thanh toán trái phiếu sắp tới.
Mặc dù việc công ty quốc doanh vỡ nợ trở thành chuyện bình thường hơn trong những năm gần đây, nhưng không có công ty nào trong số đó có tầm quan trọng hệ thống lớn như Huarong. Ngoài mối qua hệ gần gũi với Chính phủ Trung Quốc và mạng lưới mối quan hệ phức tạp với các định chế tài chính khác, Huarong còn là một trong những nhà phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất Trung Quốc và trái phiếu của công ty có trong danh mục đầu tư từ khắp Hồng Kông tới London và New York.
Theo một báo cáo hôm 17/08 của Bank of America (BAO), nếu Huarong mất định hạng khuyến nghị đầu tư, 56% số nhà quản lý quỹ đang nắm trái phiếu USD của Huarong sẽ buộc phải bán ra.
Huarong cùng với China Cinda Asset Management, China Great Wall Asset Management và China Orient Asset Management được lập nên để mua nợ xấu từ các ngân hàng Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ở thời điểm đó, sau nhiều thập kỷ ồ ạt cho vay đối với các công ty quốc doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc phải gánh lượng nợ xấu khổng lồ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|