Thứ Hai, 16/08/2021 17:36

Sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo trong tháng 7/2021, càng củng cố thêm cho quan điểm rằng đà hồi phục toàn cầu đang chịu áp lực lớn khi biến chủng Delta gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng và đập tan niềm tin của người tiêu dùng.

Doanh số bán lẻ bị tác động mạnh bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được đưa ra vào cuối tháng 7/2021. Tình trạng lũ lụt tại miền trung Trung Quốc và doanh số bán xe hơi ảm đạm vì thiếu chip gây tổn hại tới hoạt động sản xuất, trong khi sự chậm lại của thị trường bất động sản và các chính sách môi trường đang làm giảm bớt sản lượng thép và xi măng.

Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ giảm tốc

Cùng với sự suy giảm về niềm tin tiêu dùng tại Mỹ (xuống thấp nhất trong gần 10 năm) và áp lực ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng Đông Nam Á, dữ liệu Trung Quốc thể hiện rõ tác động tiềm ẩn từ biến chủng Covid-19 tới đà hồi phục toàn cầu. Một cảng vận chuyển container ở Trung Quốc đã đóng cửa một phần trong 6 ngày liên tiếp sau khi một công nhân tại đây dương tính với Covid-19, qua đó gây gián đoạn thương mại ngay khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập hàng cho mùa mua sắm và giáng sinh.

“Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mất đà ngay khi Covid-19 trỗi dậy, phần còn lại của thế giới có thể chứng kiến cơn gió ngược tới đà tăng trưởng, từ đứt gãy chuỗi cung ứng cho tới tiêu thụ tăng chậm hơn dự báo”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho hay.

Đà giảm tốc của Trung Quốc cũng làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa toàn cầu. Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp, trong đó dầu WTI giảm 2%. Hợp đồng đồng tương lai tại Thượng Hải giảm 0.4%, xóa sạch đà tăng 1.3% trước đó.

 

Những con số quan trọng tháng 7:

- Doanh số bán lẻ tăng trưởng 8.5% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo 10.9%.

- Sản lượng công nghiệp tăng 6.4% so với dự báo 7.9%.

- Đầu tư tài sản cố định tăng 10.3% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn dự báo 11.3%.

- Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5.1%, từ mức 5% của tháng 6.

 

Bằng việc sử dụng tăng trưởng trung bình 2 năm để loại bỏ tác động bóp méo của đại dịch, dữ liệu cho thấy đà giảm tốc đáng chú ý của doanh số bán lẻ xuống mức 3.6% trong tháng 7/2021. Hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng ít hơn bởi đà giảm tốc của tiêu dùng nhờ kim ngạch xuất khẩu mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 5.6%, giảm gần 1 điểm phần trăm so với tháng trước. Tăng trưởng về đầu tư tài sản cố định gần như ổn định.

“Dữ liệu tháng 7/2021 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà rất nhanh”, Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho hay. “Sự trỗi dậy của biến chủng Delta cũng gây thêm rủi ro cho hoạt động tháng 8/2021”.

Triển vọng của Trung Quốc hiện phụ thuộc vào khả năng nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong tháng này và khả năng Bắc Kinh tăng kích thích tiền tệ và tài khóa. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) báo hiệu một đường lối chính sách ổn định trong ngày 16/08, giữ nguyên lãi suất, đồng thời bơm thanh khoản để bù đắp cho phần lớn các khoản vay chính sách đến hạn.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc tăng 1 điểm cơ bản lên 2.89%. Chỉ số CSI 300 tăng tới 0.6%.

Các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics đánh giá: “Sự suy yếu trên diện rộng trong hoạt động kinh tế tháng 7 của Trung Quốc không có nghĩa là đà phục hồi toàn cầu đang bị trật khỏi đường ray. Đà giảm tập trung vào lượng tiêu thụ, phản ánh tác động từ đợt bùng phát biến thể Delta. Tác động đến nhu cầu có thể sẽ còn lớn hơn vào tháng 8, ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy tình trạng lây nhiễm có thể bắt đầu đạt đỉnh. Tuy nhiên, việc giảm tốc độ sản xuất đột ngột có thể chỉ là tạm thời”.

Sản xuất công nghiệp

Các số liệu sản xuất cũng phản ánh tác động của các quy định hạn chế ô nhiễm và rủi ro thị trường bất động sản từ phía Bắc Kinh. Theo tính toán của Bloomberg trong tháng 7, sản lượng thép giảm xuống mức đáy 15 tháng khi ngành này thực hiện cam kết giảm sản lượng xuống thấp hơn năm ngoái để hạn chế phát thải.

Sản lượng xi măng giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng -  vốn giúp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của đại dịch Trung Quốc - sẽ vẫn ảm đạm trong năm nay.

Các nhà máy phải đối mặt với những khó khăn khác trong tháng 7, bao gồm sự gián đoạn do lũ lụt ở tỉnh Hà Nam và tình trạng thiếu chip – một yếu tố khiến sản lượng ô tô giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Oversea-Chinese Banking Corp, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến tác động từ của nỗ lực giảm thiểu phát thải của Trung Quốc và sự bất ổn từ dịch Covid-19 và tình trạng thiếu chip toàn cầu”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đệ đơn từ chức lên Quốc vương (16/08/2021)

>   Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta (16/08/2021)

>   Chuỗi cung ứng châu Á có thể đứt gãy vì đợt bùng phát dịch mới (16/08/2021)

>   'Bong bóng công việc' giúp nhà máy duy trì sản xuất thời Covid-19 (14/08/2021)

>   Chậm tiêm vaccine, kinh tế Nhật Bản sa sút nhất nhóm G-7 (13/08/2021)

>   Ngành vận tải biển trước rủi ro khổng lồ từ biến chủng delta (13/08/2021)

>   Hé lộ cách làm giàu lạ thường từ SPAC của các tỷ phú (17/08/2021)

>   "Sốc tâm lý" do Covid-19: Người Trung Quốc làm việc ít hơn, chi tiêu ít hơn (12/08/2021)

>   Nỗi lo của người Mỹ: Lạm phát tăng mạnh hơn tiền lương (12/08/2021)

>   Vì sao Mỹ kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu? (12/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật