Chuỗi cung ứng châu Á có thể đứt gãy vì đợt bùng phát dịch mới
Những đợt bùng phát dịch mới tại châu Á đe dọa khả năng lưu thông hàng hóa của chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới.
Theo Bloomberg, các đợt bùng phát trước kia đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu kéo dài khả năng phục hồi thêm một năm nữa, đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn.
Tương tự, hệ quả của những đợt bùng phát dịch mới sẽ xuất hiện dần tại các cảng châu Á, sau đó tác động đến quá trình vận chuyển tại các khu vực như Los Angeles hoặc Rotterdam, khiến giá hàng hóa bị đội lên.
Liên Hợp Quốc ước tính châu Á chiếm 42% tổng hàng hóa xuất khẩu trên thế giới. Tuy nhiên, biến chủng Delta đang khiến các nhà máy và bến cảng ở một số quốc gia rơi vào tình trạng lao đao.
“Biến chủng Delta có thể sẽ gây gián đoạn đáng kể lên thương mại tại châu Á. Cho đến nay, hầu hết thị trường tại một số quốc gia đều may mắn kiểm soát dịch bệnh tốt. Tuy nhiên, khi biến chủng lan rộng, chuỗi may mắn có thể kết thúc”, Bloomberg dẫn lời Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại ở châu Á có trụ sở tại Singapore.
Cảng Ninh Ba - Chu Sơn tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa một phần vì phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới. Ảnh: Global Times.
|
Gần đây, cảng Ninh Ba - Chu Sơn ở Trung Quốc - cảng container lớn thứ 3 thế giới - buộc phải đóng cửa một phần vì phát hiện ca nhiễm Covid-19. Trước đó, hồi tháng 6, cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng buộc phải đóng cửa vì một đợt bùng phát dịch nhỏ, ảnh hưởng xấu đến quá trình vận chuyển quốc tế, đặc biệt gây tắc nghẽn lưu thông hàng hóa tại cảng Los Angeles.
Việc đóng cửa cảng biển đang đẩy ngành vận tải biển đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng như hồi năm ngoái. Ngoài ra, sự gia tăng số ca nhiễm có thể khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng gấp bội so với trước đại dịch, chủ yếu bởi thiếu container vận chuyển.
“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc 3 lần trước đại dịch”, Lanm Lai - Giám đốc thương mại nước ngoài của CNC Electric (Chiết Giang, Trung Quốc) - cho hay.
“Năm ngoái, chúng tôi nghĩ ảnh hưởng của đại dịch sẽ chỉ là ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, tôi không nghĩ rằng sẽ sớm có sự thay đổi đáng kể”, ông Lai khẳng định.
Tại Đông Nam Á, trong tháng 7, đại dịch khiến các nhà xuất khẩu chủ chốt buộc phải chật vật duy trì hoạt động của nhà máy, khiến một số hoạt động tại các cơ sở sản xuất sụt giảm, cho thấy khả năng sụt giảm thương mại tại khu vực có tiềm năng phục hồi như châu Á.
Theo ước tính của Natixis, dù Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chỉ chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, các khu vực này vẫn ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Cụ thể, Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu, 29% thiết bị viễn thông và Mỹ nhập khẩu 50% chất bán dẫn từ 5 quốc gia trên.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ngủ cho nhân công để hạn chế sự lây lan ca nhiễm, duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh còn lan rộng đến các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồi tháng 7, công ty Samsung Electronics cho biết doanh thu từ mảng kinh doanh điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam.
Theo Bloomberg Vaccine Tracker, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của đại dịch đến ngành xuất khẩu khi số ca nhiễm mới bắt đầu tăng cao. Các nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh cho các nhà máy sản xuất cho phép công nhân ăn nghỉ tại nhà máy để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, giải pháp đó dường như vẫn chưa đủ để hạn chế tốc độ lây nhiễm.
“Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ khi hầu hết nhà máy ở các tỉnh phía Nam phải ngừng hoạt động trong khi các công ty ở phía Bắc đang vật lộn để duy trì hoạt động sản xuất”, Chủ tịch kiêm CEO Phạm Hồng Việt thuộc công ty sản xuất giày và vật liệu Harco (Hưng Yên) cho biết. “Toàn bộ chuỗi cung ứng của đất nước bị gián đoạn nghiêm trọng”, ông Việt nói thêm.
Giới chuyên gia kinh tế đang cắt bỏ dự báo tăng trưởng tại châu Á khi các chỉ số thời gian thực cho thấy các hoạt động như tiêu dùng đang bị ảnh hưởng đáng kể. Tương tự, các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu của họ, nhấn mạnh rủi ro kinh tế từ các quốc châu Á có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Linh Đỗ
ZING
|