Thứ Hai, 23/08/2021 16:22

Phó Thống đốc: Sẽ tăng cường giám sát thực hiện các cam kết giảm lãi suất

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói như vậy trước bối cảnh nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị đứt gãy dòng tiền bởi Covid - 19...

* NHNN sẽ công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng

 Ngân hàng chấp nhận giảm thu nhập chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Ngay thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, từ tháng 4/2020, Agribank đã đưa ra chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Sau thời gian triển khai tích cực, Agribank đã giải ngân vượt quy mô ban đầu của chương trình.

 CÁC "ÔNG LỚN" TIÊN PHONG

Mới đây, ngân hàng này đã bổ sung thêm 100.000 tỷ đồng cho gói tín dụng ưu đãi này. Theo đó, chương trình hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn 2% - 2,5% so với cho vay thông thường, đồng nghĩa với việc khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đến nay, doanh số giải ngân từ đầu chương trình đã đạt hơn 102.100 tỉ đồng.

Tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất đang triển khai ở Vietinbank lên tới 150.000 tỉ đồng. Trước đó từ tháng 7/2021, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1%/năm đồng loạt đối với tất cả khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm 2020, Agribank còn có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp FDI thông qua các gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Cùng đó, ngân hàng còn triển khai chương trình cho vay quy mô 35.000 tỉ đồng dành cho khách hàng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, với mức lãi suất tối thiểu 3,7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, và tối thiểu 7%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.  Theo dữ liệu lũy kế đến 31/7/2021, doanh số giải ngân của các chương trình này đã đạt 13.408 tỷ đồng và 74 triệu USD.

Ngoài ra, Agribank còn đồng loạt “tung” ra các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Có thể kể đến chương trình tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ lên tới 2%/năm đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 15.000 tỉ đồng và 300 triệu USD dành cho khách hàng xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt đời sống trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, đồng thời hạn chế và đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”, Agribank còn dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5% - 7%/năm.

 Song song, ngân hàng còn miễn 100% phí chuyển tiền trong nước dành cho khách hàng cá nhân, tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank, nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện nhu cầu thanh toán, mua sắm, giảm gánh nặng về kinh phí trong thời gian dịch bệnh.

Gần đây nhất, Agribank lần thứ 5 liên tiếp giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, theo đó, giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ tại thời điểm 15/7/2021. Ước tính, ngân hàng sẽ cắt giảm 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021 để triển khai các giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Tương tự, BIDV cho biết từ nay đến hết năm 2021, BIDV giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu. Đồng thời, triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, BIDV giảm 0,5 - 1,5 điểm % lãi suất cho vay bằng VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong lĩnh vực, như: giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…

Các khách hàng đã từng được áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này. BIDV cũng triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.

Tính trong 7 tháng đầu năm, BIDV đã hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng DN tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam khoảng trên 500 tỉ đồng, nâng tổng nguồn lực dự kiến hỗ trợ cho nhóm khách hàng này trong cả năm lên 1.500 tỷ đồng.

Còn tại Vietinbank, bên cạnh chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng lãi suất thấp áp dụng cho khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất đang triển khai ở Vietinbank lên tới 150.000 tỉ đồng. Trước đó từ tháng 7/2021, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1%/năm đồng loạt đối với tất cả khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

GIÁM SÁT KẾT QUẢ GIẢM LÃI SUẤT

Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến ngày 26/7/2021, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt  4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến 26/7/2021, đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với  3.192.080 ​khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.  ​​​

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, rất nhiều tỉnh, thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng “mục tiêu kép” vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút.

Thực hiện chỉ đạo nói trên của Chính phủ, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.

Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp mà nhà điều hành triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng họp với 16 ngân hàng (chiếm 80% thị phần tín dụng) thống nhất cam kết cắt giảm lãi vay trên 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. 

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), ngoài gói hỗ trợ chung, còn cam kết dành khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỷ của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở Tp.HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng, như: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

“Đáng chú ý, lần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỉ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại giảm sâu các loại phí cho khách hàng. Đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức hơn 9,78 triệu tỉ đồng, tăng 6,44% so với so với cuối năm 2020. Về cơ cấu tín dụng, tín dụng cho các hoạt động dịch vụ khác chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất gần 38% với gần 3,72 triệu tỉ đồng, tăng 6,74% so với cuối năm trước.

Tín dụng lĩnh vực thương mại đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với cuối năm trước và chiếm 23% tổng dư nợ. Lĩnh vực công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng cao với 19% tổng dư nợ, ở mức gần 1,9 triệu tỉ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm, tăng cao nhất trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Các lĩnh vực tiếp theo lần lượt là xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng dư nợ, tín dụng lĩnh vực vận tải và viễn thông chiếm 3% tổng dư nợ.

Trần Trọng Triết

VnEconomy

Các tin tức khác

>   SeABank vinh dự được trao tặng Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước (23/08/2021)

>   Phó Tổng Giám đốc muốn thoái 2 triệu cp MBB (23/08/2021)

>   Tự động hóa chi lương - dịch vụ đa tiện ích cho doanh nghiệp và người lao động (23/08/2021)

>   An toàn trong tay, nhận ngay giá tốt khi bán ngoại tệ cùng Ngân hàng số HDBank (23/08/2021)

>   Câu chuyện lợi nhuận của ngành ngân hàng (23/08/2021)

>   Giảm mạnh giá mua ngoại tệ: Đâu là động lực và hệ quả? (23/08/2021)

>   Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa NHNN và TCTD được phép hoạt động ngoại hối (21/08/2021)

>   Khách hàng cá nhân 'ngóng' ngân hàng hỗ trợ (21/08/2021)

>   Giảm lãi suất cho vay không phải là điều dễ dàng (23/08/2021)

>   Giá USD thế giới cao nhất từ đầu năm đến nay (20/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật