Doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục vì lo ngại biến chủng Delta
Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang tích trữ lượng tiền mặt kỷ lục giữa bối cảnh bất ổn do đại dịch Covid-19. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng tăng chi tiêu hồi đầu năm.
Dữ liệu từ S&P Global dựa trên các báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 cho thấy tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp toàn cầu đang ở mức 6,840 tỷ USD, cao kỷ lục. So với mức bình quân 5 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, con số này cao hơn tới 45%.
Trong báo cáo ngày 06/08, JPMorgan Chase dự báo doanh nghiệp toàn cầu sẽ giảm chi tiêu trong quý 3 dù hoạt động khởi sắc vào đầu năm nay. Đồng thời, JPMorgan dự báo tăng trưởng chi tiêu của doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 5.8% trong quý 3, thấp hơn nhiều so với dự báo 12.9% trước đó.
Giới kinh doanh đang trải qua một trong những môi trường kích thích mạnh nhất lịch sử từ các gói hỗ trợ tài khóa lẫn tiền tệ. Dù vậy, nền kinh tế đang xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo và khiến các doanh nghiệp trở nên e dè.
Gần đây, sự xuất hiện của các biến chủng Delta đã khiến nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, đáng chú ý nhất New Zealand vừa phong tỏa quốc gia chỉ vì 1 ca nhiễm Covid-19.
* New Zealand phong tỏa toàn quốc chỉ vì 1 ca nhiễm Covid-19
Đầu tháng này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân tại những khu vực nguy cơ cao đeo khẩu trang trở lại khi đến các không gian công cộng trong nhà.
Mark Lewellen, Giám đốc phụ trách Thị trường vốn doanh nghiệp tại Deutsche Bank, cho biết: “Nếu là thủ quỹ của công ty thì hẳn bạn sẽ không muốn tự tin thái quá vào lúc này. Xét tới mức độ lây nhiễm ở châu Âu có thể thấy con số vẫn đang tăng và chưa kể tới sự xuất hiện thêm các biến thể Covid-19 khác. Rõ ràng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc”.
Thời gian gần đây, công ty vận hành tàu du lịch Carnival đã dần đưa đội tàu của mình trở lại hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, công ty này giữ khoảng 9 tỷ USD tiền mặt, cao gấp nhiều lần so với khoảng 2-2.5 tỷ USD trước đại dịch. Đến nay, trong tổng số 91 tàu, thì chỉ có 23 của Carnival hoạt động trở lại.
“Về vấn đề thanh khoản, chúng tôi chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất và kỳ vọng những điều tốt nhất”, ông David Bernstein, Giám đốc tài chính của Carnival, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal. “Chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ vẫn tiếp diễn và gián đoạn trong lĩnh vực du lịch có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, chúng tôi cần duy trì thanh khoản tốt trong dài hạn”.
Chưa hết, Carnival đã phát hành 2.4 tỷ USD trái phiếu để trả các khoản nợ lãi suất cao trong ngày 21/07.
Các hãng bay cũng tăng cường tích trữ tiền mặt. Cuối quý 2/2021, hãng United Airlines Holdings nắm giữ 23 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3.3 tỷ USD so với đầu năm. Hãng hàng không Delta Air Lines tăng tiền mặt nắm giữ thêm 1.6 tỷ USD lên mức 17.8 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với mức 3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường phát hành trái phiếu để tăng thanh khoản. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy các công ty phi tài chính tại Mỹ và châu Âu đã huy động kỷ lục 2,400 tỷ USD qua phát hành trái phiếu trong năm 2020.
“Các công ty lớn đã tích trữ một lượng tiền mặt lớn thời gian qua”, Marc Baigneres, giám đốc phụ trách tài chính đầu tư khu vực tại JPMorgan Chase, cho biết. "Nhiều công ty trong số này cũng hạn chế chi tiêu kể cả khi tạo ra dòng tiền mặt lớn hơn dự kiến”.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng cũng yêu cầu tăng hạn mức tín dụng để tăng vị thế thanh khoản. Giới ngân hàng dự báo việc này có thể thúc đẩy doanh nghiệp tăng chi tiêu trong những tháng tới.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|