Khi nào sẽ đến ngày tận thế?
Thay đổi cách tiếp cận mang tính hệ thống là cần thiết để ngăn chặn các thảm họa tiềm ẩn liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm năng suất nông nghiệp và các đại dịch trong tương lai. Nhưng rất khó để mọi người hình dung ra mối đe dọa ấy khi mà những tác động tiêu cực diễn ra ở tốc độ chậm.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Diane Coyle
Khi thảm họa ập đến thì mọi chuyện đã quá muộn để hành động
Trong cuốn hồi ký đau thương có tên The World of Yesterday, nhà văn người Áo Stefan Zweig viết rằng khi sống lưu vong khỏi Đức Quốc xã, ông đã nhận thấy rằng hầu hết mọi người không thể hình dung được viễn cảnh của những thay đổi thảm khốc đang chờ đợi họ ở tương lai. Mọi thứ có thể chậm rãi biến đổi theo chiều hướng tiêu cực khiến ta không kịp đưa ra những phản ứng phù hợp. Một khi thảm họa ập đến thì mọi chuyện đã quá muộn để hành động.
Những thay đổi đáng kể cũng đang diễn ra trong thời đại của chúng ta, và chúng ta phải hy vọng rằng vẫn chưa quá muộn để hành động. Thật không may, hành động phù hợp, nhanh chóng và quyết liệt khó có thể được triển khai dễ dàng. Khi mà đại đa số chúng ta chỉ nhìn thấy những thay đổi nhỏ qua từng ngày. Vì vậy, vấn đề đáng được quan tâm là nếu để nó tiếp diễn thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Các hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra là một trong những dạng thảm họa có thế coi dễ hình dung bởi cộng đồng. Những tác động biến đổi khí hậu có thể biến những khu vực rộng lớn và đông dân cư thành những nơi không thể sinh sống được. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tương đối xa lạ với phần lớn chúng ta - Tuvalu nhỏ bé ở Thái Bình Dương thường được miêu tả là một khu vực thường xuyên phải hứng chịu tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu. Nhưng các sự kiện thời tiết gần đây chỉ ra rằng khu vực gần với trung tâm thế giới - chẳng hạn như Florida, các thành phố ở thung lũng sông Hoàng Hà của Trung Quốc, Seattle và New Delhi - hoàn toàn có thể bị ngập lụt trầm trọng hoặc nhiệt độ trở nên quá nóng so với mức chịu đựng của con người.
Do đó, các chính phủ và các tổ chức quốc tế nên bắt đầu chuẩn bị cho viễn cảnh hàng triệu người xin tị nạn do biến đổi khí hậu trong tương lai. Theo Liên hợp quốc, hiện tại có khoảng 79.5 triệu người buộc phải di chuyển tới nước khác xin tị nạn vì nhiều lý do khác nhau trên toàn cầu vào cuối năm 2019, con số lớn nhất mà tổ chức này từng ghi nhận, và nhiều hơn ngay cả khi so với làn sóng tị nạn chính trị sau Thế chiến thứ 2. Quá trình nóng lên toàn cầu sẽ không dừng lại ở đây, do vậy, con số tị nạn sẽ còn tăng đáng kể theo đó.
Tệ hơn nữa, biến đổi khí hậu, kết hợp với mất đa dạng sinh học và suy thoái chất lượng đất, có nguy cơ gây ra sự sụt giảm mạnh về năng suất nông nghiệp. Điều đó sẽ làm mất đi nhiều thành quả đạt được từ cuộc Cách mạng Xanh đã giúp Trái đất duy trì sự sống cho hơn 7.9 tỷ người.
Cần có một cuộc Cách mạng Xanh mới
Do đó, chúng ta cần một cuộc Cách mạng Xanh mới vượt ra khỏi những kỹ thuật thông thường như biến đổi gen của cây trồng, để có thể đương đầu đến những vấn đề lớn hơn mang yếu tố kinh tế và xã hội như cải cách ruộng đất, thay đổi chế độ ăn uống và các mô hình kinh doanh khác nhau. Nếu không thay đổi tập quán canh tác thâm canh, công nghiệp hóa hiện nay một cách nhanh chóng thì với tốc độ tác động hiện tại, chúng ta sẽ phải đối mặt với mất mùa và gia tăng nạn đói. Đối với các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn như Vương quốc Anh, sự dồi dào của thực phẩm đã khiến người dân nghĩ rằng vấn đề đói nghèo đã là một vấn đề của quá khứ. Nhưng chúng ta làm cách nào tiến hành những thay đổi mang tính chất hệ thống cần thiết khi mà bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp, các kệ hàng siêu thị tại nhiều quốc gia vẫn đầy ắp thức ăn cho tất cả mọi người?
Một loại thảm họa khác liên quan đến sự can thiệp đến môi trường tự nhiên ngày một lớn của con người, đó là tần suất ngày càng tăng của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Đại dịch COVID-19 đã đưa thông điệp cảnh báo đến với thế giới là sẽ có nhiều cuộc khủng hoảng sức khỏe tương tự có thể đang chờ chúng ta phía trước. Thời kỳ mà các bệnh truyền nhiễm có thể được kiểm soát hiệu quả đã không còn. Ngoài ra, tình trạng kháng thuốc đang trở nên trầm trọng hơn có nghĩa là một bệnh dịch trong quá khứ có thể bùng phát trở lại. Và nếu một loại coronavirus mới thậm chí còn nguy hiểm hơn xuất hiện trong vài năm tới, liệu chúng ta có đang sở hữu những công cụ cần thiết để đối đầu với nó hay lại bị động giống như những gì chúng ta đã thực hiện trong 18 tháng qua?
Có lẽ những suy nghĩ u ám này chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy tôi đang rất cần một kỳ nghỉ hè. Nhưng với lời cảnh báo của nhà văn Zweig thì sẽ chẳng có hại gì nếu bạn cân nhắc những hệ quả có khả năng xảy ra nếu chúng ta tiếp tục duy trì cách làm việc hiện tại. Và nếu chúng ta cần có những thay đổi thì bây giờ là thời điểm tốt nhất để tiến hành những thay đổi ấy. Chúng ta sẽ cần phải làm gì?
Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc vào tháng 9 và hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11 là những cơ hội rõ ràng để chuyển từ những thay đổi chậm chạp sang một sự thay đổi mang tính bứt phá hơn. Nhưng việc ngăn chặn tất cả những thảm họa tiềm ẩn này đòi hỏi phải những thay đổi mang tính hệ thống. Tuy vậy, vì tính chất phức tạp và liên đới nhiều yếu tố chính trị khác, rất khó để kêu gọi thực hiện một chính sách đoàn kết nhằm giải quyết các vấn đề môi trường.
Các nhà cầm quyền ở các nước lớn cần phải đồng lòng hy sinh một số quyền lợi nhất định nhằm cùng nhau hướng tới giải quyết vấn đề môi trường. Còn các nhà nghiên cứu trong trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khác cần phải mạnh dạn hơn khi ra các phương án mà ở đó không bị gò bó bởi các quy định cứng nhắc trong học thuật. Các nhà khoa học chuyên về môi trường cần phải phối hợp với các nhà nghiên cứu chính trị, hay các nhà dịch tễ học cần phải phối hợp với chuyên gia kinh tế để có thể cho ra những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao cho cộng đồng.
Giới thiệu về tác giả
Diane Coyle (sinh năm 1961) là một nhà kinh tế học và là cựu cố vấn cho Bộ Tài chính Vương quốc Anh. Bà còn có thời gian làm phó chủ tịch của BBC Trust, cơ quan điều hành của British Broadcasting Corporation và là thành viên của Competition Commission của Anh từ năm 2001 đến năm 2019.
Về sự nghiệp giảng dạy, giáo sư Diane Coyle dạy tại Đại học Manchester tới tháng 3/2018 và trong thời gian này, bà được phong tặng danh hiệu CBE cho những đóng góp cho cộng đồng kinh tế. Sau đó, bà dạy các vấn đề về Chính sách Công tại Đại học Cambridge. Bà còn là tác giả của cuốn sách “Markets, State, and People: Economics for Public Policy” bàn về cách quốc gia ra quyết định sử dụng và phân bổ nguồn lực kinh tế.
Nguồn: Project Syndicate
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|