Thứ Hai, 12/07/2021 11:04

Bài cập nhật 

Vì sao thị trường rơi thẳng đứng và nhà đầu tư nên làm gì?

Thị trường rơi vào tình trạng “đỏ lửa” trong phiên sáng 12/07. Chốt phiên sáng, VN-Index giảm mạnh hơn 55.7 điểm, về mức 1,291.38 điểm.

* Nhịp đập Thị trường 12/07: VN-Index mất mốc 1,300 điểm

Sắc đỏ chiếm lĩnh trên toàn thị trường, độ rộng thì trường cho thấy bên bán đang hoàn toàn thắng thế. Cuối phiên sáng, toàn thị trường có hơn 750 mã giảm so với gần 90 mã tăng. Số mã giảm sàn lên tới hơn 102 mã, trong đó nhiều cổ phiếu như TCB, GVR, HPG, PTB, VIX, CTS, POM, NKG, ANV, FTS, AGR, HSG, ITA

Thị trường đỏ lửa trong phiên sáng 12/07. Nguồn: VietstockFinance

Cùng tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để biết nên phản ứng thế nào trong diễn biến hiện tại.

Bắt đáy nếu chấp nhận rủi ro và có nhiều tiền mặt

Ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của CTCK Bảo Việt (BVS): Trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cần quản lý tỷ trọng danh mục một cách chặt chẽ và thận trọng để đảm bảo sự an toàn và chủ động cho danh mục của mình.

Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc đang sử đụng margin cần quyết liệt thực hiện bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.

Với các nhà đầu tư đang nắm lượng tiền mặt lớn có thể xem xét mua lại một phần các vị thế ngắn hạn mang tính dò đáy khi thị trường giảm về vùng 1,240 - 1,280 điểm. Cần lưu ý, hoạt động bắt đáy chỉ nên thực hiện với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và có tỷ trọng tiền mặt lớn.

Về tổng thể, triển vọng tăng điểm của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2021 vẫn cao với kỳ vọng môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tích cực. Do đó, các nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường được xem là cơ hội để các nhà đầu tư có thể mua tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai ở các vùng giá hợp lý hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó.

Về các nhóm ngành, nhà đầu tư lưu ý đến những ngành có tính chất chu kỳ (tài chính, dịch vụ tiêu dùng, vật liệu cơ bản) hồi phục mạnh trong quý 2/2021, nhóm phòng thủ hồi phục yếu. Trong đó, nhóm chu kỳ khả năng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong nửa còn lại 2021.

Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp được đánh giá có độ trễ nhưng sẽ mạnh dần về cuối năm và kéo sang 2022. Các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid dự báo phục hồi trong 2022 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phổ rộng.

Không nên bán các vị thế trung, dài hạn

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, CTCK KIS Việt Nam (KIS):  Nguyên nhân giảm mạnh có thể do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi mà dịch Covid-19 đang lây lan ở một số tỉnh phía Nam và đặc biệt là TP.HCM. Đồng thời, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hường tới kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, ở thời điểm này thì trend tăng đã khá là nhiều, đã tăng đâu đó 15-16 tháng. Nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vào năm trước thì thời điểm này đã có lời sẽ có xu hướng chốt lời.

Việc bán ở thời điểm này thì thật sự là không nên bởi vì xu hướng tăng của thị trường trong trung và dài hạn vẫn còn. Chưa có sự xác nhận đảo chiều trong xu hướng tăng trong trung và dài hạn nên đối với những vị thế trung và dài hạn thì không nên bán.

Tuy nhiên, đối với một số vị thế thuộc dạng đầu cơ thì có thể nên giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn, đặc biệt đối với những nhà đầu tư đang sử dụng margin cao vì thì xu hướng giảm ở thời điểm hiện tại sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên thị trường sẽ giảm về đâu đó khoảng  1,100 - 1,200 điểm và tích lũy, sau đó sẽ bung lên theo xu hướng tăng trong dài hạn.  Do đó, khi thị trường có dấu hiệu chững lại đó là thời điểm nhà đầu tư nên giải ngân trở lại.

Trong thời điểm này, ngành nào điều chỉnh nhiều nhất thì sẽ có xu hướng phục hồi, có thể là ngành tài chính – ngân hàng, nhà đầu tư có thể chú ý đến một số cổ phiếu chứng khoán vì trong năm nay, bất chấp thị trường biến động mạnh và có những phiên điều chỉnh mạnh thì khối lượng giao dịch vẫn còn duy trì ở ngưỡng khá là cao. Điều kiện tiên quyết giúp cho doanh thu cũng như lợi nhuận của ngành chứng khoán đó là triển vọng của ngành này trong năm nay tốt. Nếu như giá cổ phiếu ngành này điều chỉnh xong thì đó sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư để mua tích lũy.

Triển vọng dài hạn vẫn tích cực

Ông Hoàng Huy – Trưởng phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE): Thị trường giảm mạnh do diễn biến dịch phức tạp diễn ra trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM và tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư sau khi thị trường giảm khá mạnh trong tuần trước.

Về dài hạn, ông Huy duy trì quan điểm tích cực cho thị trường trong nửa cuối năm với mục tiêu 1,500 điểm nên đây là cơ hội để tích lũy hoặc cơ cấu lại danh mục.

Ngành bất động sản, vật liệu, bán lẻ và điện là những ngành đáng chú ý trong nửa cuối năm. Ngành ngân hàng khá phân hóa, trong đó VCB, TCB hay VPB là những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Canh mua ở 1,200 và cẩn thận nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn

Ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset: Nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19. Về mặt vĩ mô, theo dự báo PMI của tháng 7 này có khả năng diễn biến xấu, bởi vì giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 2 tuần, do đó khả năng phục hồi của chỉ số sản xuất công nghiệp là khó, dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thời điểm này không thể khuyến nghị mua hoặc bán, nếu mua thì phải chờ thị trường về 1,200 điểm, còn bán chắc chắn sẽ lỗ. Nhà đầu tư nên đọc báo cáo của các công ty chứng khoán có uy tín. Vì các công ty có uy tín mới nắm bắt được thị trường kịp thời.

Các ngành triển vọng sẽ là ngành có kết quả kinh doanh quý 2 tốt. Ông Minh cho rằng sẽ có 1 lực cầu bắt đáy ngắn hạn, nhưng cần phải cẩn trọng vì khả năng chỉ là phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư nên cẩn trọng đừng nên xuống tiền nhiều quá.

Nâng cao tỷ lệ tiền mặt

Ông Nguyễn Vũ Luân -  Trưởng phòng Môi giới CTCK VNDirect: Thị trường chung đang rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn với bối cảnh margin cao và triển vọng cơ hội đầu tư quý 3 thấp. Theo đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có xu hướng sẽ rút bớt dòng tiền ra để bảo toàn lợi nhuận điều này sẽ đẩy thị trường phản ứng tiêu cực với margin hơn. Xu hướng điều chỉnh có thể kéo dài hơn so với các nhịp điều chỉnh trước do mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đang ở mức cao.

Đối với tình huống thị trường hiện nay, nhà đầu tư cần xem xét các trạng thái phân bổ danh mục của mình và ưu tiên các cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận cuối năm tích cực như công nghệ, các doanh nghiệp hưởng lợi xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu. Đồng thời, nhà đầu tư nên nâng cao tỷ lệ tiền mặt và giảm tỷ trọng các cổ phiếu hút tiền mạnh từ nhà đầu tư cá nhân thời gian qua, đơn cử là ngành thép, ngân hàng, chứng khoán.

Thị trường giảm sâu do Covid?

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV): Nguyên nhân giảm điểm sâu trong những phiên vừa qua đến nhiều yếu tố, trong đó diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 đóng vai trò chính. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ghi nhận số ca nhiễm lên rất cao và liên tục gia tăng, có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát.

Yếu tố thứ hai đến từ việc doanh nghiệp sắp công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021. Những con số tài chính vẫn tương đối khả quan song nhìn chung lại không quá tích cực như kỳ vọng trước đó.

Một điểm nữa chính là hệ thống giao dịch mới đến từ FPT. Hệ thống mới hoạt động “trơn tru” cũng khiến cho áp lực bán nhanh và tăng mạnh, không còn bị cản trở như những tháng trước đó. Trong quá khứ, khi thị trường đạt thanh khoản khoảng 20-30 ngàn tỷ thì xảy ra nghẽn lệnh. Điều này như “một cái phanh” giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.

Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần quan tâm đến diễn biến dịch Covid-19 cũng như tốc độ tiêm phòng vaccine. Nếu dịch kéo dài thì sẽ khiến kết quả kinh doanh quý 3/2021 sụt giảm, tác động tiêu cực đến chỉ số P/E thị trường cũng như doanh nghiệp.

Những nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao, chưa kịp bán ở những phiên trước nên nâng cao việc quản trị rủi ro, hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy margin vào thời điểm này.

Trong kịch bản tích cực khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu của một số ngành như hàng tiêu dùng, xuất khẩu, dệt may, thủy sản…

Duy Na - Ái Minh - Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Mua PVD, HAH, TDM có hợp lý? (12/07/2021)

>   Góc nhìn tuần 12-16/07: Ưu tiên quản lý rủi ro? (11/07/2021)

>   Góc nhìn 09/07: Tiếp tục giằng co? (08/07/2021)

>   Góc nhìn 08/07: Tiếp đà hồi phục? (07/07/2021)

>   HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6.1% (08/07/2021)

>   Góc nhìn 07/07: Lực cầu bắt đáy vẫn có thể xuất hiện? (06/07/2021)

>   SSI Research: Các quỹ ETF hút ròng trong 6 tháng đầu năm (06/07/2021)

>   Nguyên nhân thị trường bị "nốc ao" trong phiên ATC (06/07/2021)

>   SSI Research: Định giá thị trường đã phản ánh một phần tăng trưởng lợi nhuận (07/07/2021)

>   Các chuyên gia nói gì về động thái tăng lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới (13/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật