SSI Research: Định giá thị trường đã phản ánh một phần tăng trưởng lợi nhuận
Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 7/2021, CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) đánh giá động lực từ nhóm VN30 có thể đẩy chỉ số VN-Index hướng đến vùng mục tiêu tiếp theo là 1,450 và 1,480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2. Về mặt định giá, thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý 2 và nửa đầu năm.
Định giá thị trường đã phản ánh một phần tăng trưởng lợi nhuận
Trong báo cáo SSI chỉ ra thông lệ hằng năm, tháng 7 luôn là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm, với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và thép. Tăng trưởng điểm số của VN-Index trong tháng 6 đã đưa hệ số định giá P/E hiện tại và hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 18.18 lần và 16.19 lần vào thời điểm cuối tháng 5 lên mức 19.35 lần và 17.08 lần vào ngày 02/07.
SSI cho rằng định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý 2 và nửa đầu năm.
Thiết lập đỉnh mới nhờ các “ông lớn” VN30
Chỉ số VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng cản tâm lý 1,400 điểm trong phiên ngày 28/06 với sự xác nhận của khối lượng lớn. Mặc dù liên tiếp đối diện với lực cung sau đó, chỉ số VN-Index vẫn vượt qua và liên tục thiết lập các đỉnh mới nhờ sự quay trở lại dẫn dắt của nhóm VN30. Theo SSI, khối lượng giao dịch trên VN30 sau khi thu hẹp trong tháng 6 cũng đã bật tăng trở lại trong 2 phiên đầu tháng 7, vượt qua bình quân 20 phiên và cho tín hiệu dòng tiền quay trở lại nhóm này.
SSI đánh giá, động lực từ nhóm VN30 có thể đẩy chỉ số VN-Index hướng đến vùng mục tiêu tiếp theo là 1,450 và 1,480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 2.
Dù vậy, chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng chặt chẽ trong giai đoạn này do TTCK Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm như áp lực lạm phát quay lại và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ 2020.
Những điểm đáng chú ý về vĩ mô 6 tháng cuối năm
Trong đợt tiêm chủng vắc xin Covid, lực lượng lao động sản xuất là một trong những đối tượng ưu tiên và là nhân tố quan trọng giúp hoạt động sản xuất nhanh chóng được khôi phục trở lại. Việc chống dịch nhằm đảm bảo sản xuất được thông suốt sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp nền kinh tế tăng trưởng vững vàng trong quý 3 và quý 4 tiếp theo.
Theo SSI, xuất khẩu dự kiến tiếp tục là điểm sáng trong nửa cuối năm nay nhờ vào việc nền kinh tế lớn như Mỹ và EU mở cửa trở lại, với nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng mạnh sau dịch.
Dự trữ ngoại hối vẫn khá dồi dào, giúp ổn định tỷ giá. Tính đến cuối tháng 6 giá trị đồng VND đã tăng 0.37% so với USD, là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực.
Áp lực lạm phát cao hơn nửa đầu năm khi quỹ bình ổn xăng dầu đã xuống mức rất thấp, đồng thời giá thực phẩm khó có thể giữ ở mức thấp lâu khi mà giá hàng hóa đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên theo SSI, áp lực lạm phát có một phần nguyên nhân đến từ nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy tạm thời trong khi nhu cầu của các nền kinh tế lớn hồi phục trong nửa cuối 2021.
Điều này sẽ được khắc phục trong 2022 và giúp giá hàng hóa và lạm phát giảm nhiệt. Bên cạnh đó, SSI còn cho rằng năm 2021 lạm phát sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Chính phủ (ở mức dưới 4%) và thậm chí còn có thể thấp hơn. Theo NHNN, chính sách tiền tiếp tục sẽ được điều hành theo hướng linh hoạt, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Công ty cho biết, lãi suất có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm nay, là một mức tăng không đáng kể.
Việt Phương
FILI
|