Góc nhìn tuần 12-16/07: Ưu tiên quản lý rủi ro?
MBS cho rằng điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Gia tăng vị thế trading ngắn hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index diễn biến giằng co đầu phiên trước khi giảm mạnh về cuối phiên 09/07. Mặc dù trạng thái thị trường đã trở nên tiêu cực hơn nhưng việc phản ứng tại vùng đáy phiên hôm trước 08/07 vẫn bỏ ngỏ khả năng phục hồi của chỉ số. Vùng hỗ trợ đáng chú ý trong kịch bản tiếp tục điều chỉnh sẽ ở quanh 1,315-1,320 điểm với kỳ vọng sẽ có nhịp hồi phục T+ ở đây.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ đề cập nhưng cần khống chế tỷ trọng tổng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
Vận động trong vùng 1,320 -1,380 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng nhưng giảm mạnh trong phiên chiều 09/07. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh trên cả sàn HOSE. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Với xu hướng như trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 1,320 -1,380 điểm trong tuần 12-16/07/2021.
Ưu tiên quản lý rủi ro
CTCK MB (MBS): Thị trường có tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp, áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới cùng hoạt động bắt đáy vòng đầu tiên không thành công đã khiến thị trường có phiên giảm mạnh thứ 2 trong tuần.
Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại mua ròng trong đó có hoạt động giải ngân của các quỹ ETF, bên cạnh đó thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao và chỉ số đang có ngưỡng hỗ trợ ở khu vực MA50. Tuy vậy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Vùng hỗ trợ gần 1,330-1,340 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm gần 28 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần 09/07, qua đó nới rộng đà giảm của cả tuần lên hơn 73 điểm.
Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần tới (12-16/07), Aseansc kỳ vọng vùng hỗ trợ gần 1,330-1,340 điểm, bao gồm MA50 ngày, có thể một lần nữa thúc đẩy lực cầu, qua đó giúp thị trường hồi phục trở lại trong phiên sáng. Tuy nhiên, về phiên chiều, thị trường có thể xuất hiện những nhịp giảm để VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ này một lần nữa. Nếu không bảo vệ thành công hỗ trợ này, VN-Index sẽ kéo dài mức giảm xuống vùng hỗ trợ 1,310-1.320 điểm và giằng co với lực mua giá thấp tại đây.
Điều chỉnh giảm ngắn hạn
CTCK Bản Việt (VCSC): VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, quán tính giảm điểm sẽ khiến cho VN-Index xuất hiện nhịp giảm đầu ngày để kiểm định hỗ trợ của đường MA50 tại vùng 1,325-1,330 điểm. Lực cầu giá thấp từ vùng hỗ trợ có thể sẽ mạnh lên sau đó để tạo sự giằng co với áp lực bán ra. Sự phản kháng này có thể giúp cho VN-Index hồi phục về phía cuối ngày, thậm chí có thể đóng cửa với mức tăng điểm nhẹ.
Tuy nhiên, khi mà kháng cự tại 1,380 điểm chưa được chinh phục lại, VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn. Thậm chí trong kịch bản xấu, VN-Index đóng cửa dưới đường MA50 tại 1,330 điểm, một nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường có thể sẽ xuất hiện với các mục tiêu lần lượt tại 1,260 điểm (MA100) hoặc 1,160 điểm (MA200).
Xuất hiện một số phiên sụp đổ
CTCK KIS Việt Nam (KISS): Trong ngắn hạn, sự biến động đang gia tăng do tâm lý thị trường thận trọng. Bên cạnh đó, thị trường có thể xuất hiện một số phiên sụp đổ. Do đó, các nhà giao dịch nên cẩn thận và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo. Nếu tín hiệu bán được xác nhận, nhà đầu tư nên giảm vị thế.
Thận trọng
CTCK Đông Á (DAS): DAS nhận định thị trường có phiên phục hồi thất bại, VN-Index mất hơn 70 điểm trong tuần giao dịch vừa qua trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ và mối lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế đang ngày càng phức tạp hơn. Thanh khoản của thị trường đang khá tốt và hấp thụ lượng hàng bán giá thấp, tuy nhiên áp lực bán vẫn đang trải rộng trên hầu hết các nhóm cổ phiếu làm cho bức tranh thị trường còn tiêu cực.
Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại mua ròng. VN-index đang có ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1,320 điểm và kỳ vọng sẽ sớm đạt được cân bằng giao dịch. Thị trường biến động mạnh có thể xảy ra rủi ro gọi ký quỹ đối với những tài khoản có tỷ lệ nợ vay cao.
Tích lũy
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index xuất hiện cây nến giảm điểm lớn đi kèm thanh khoản gia tăng trở lại so với phiên 08/07 cho thấy nhà đầu tư đang không quá lạc quan với tình hình hiện tại.
VN-Index có tín hiệu phục hồi khi chạm vùng hỗ trợ mạnh là vùng MA(50) ngày, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn kỳ vọng vẫn còn. Thị trường trong thời gian tới cần xác định một nhóm ngành dẫn dắt mới kỳ vọng có thể tạo động lực giúp tăng giá trở lại.
Trong ngắn hạn, TVSI kỳ vọng VN-Index tích lũy sideway trong vùng biên độ 1,350-1,375 điểm để hút thêm lực cầu. Thị trường chỉ quay trở lại xu hướng tăng giá nếu vượt qua được vùng giá trị 1,400 - 1,410 điểm.
TVSI vẫn dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục xu hướng tích lũy để hút thêm lực cầu cũng như xác nhận một dòng dẫn dắt mới.
Khang Di
FILI
|